Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

MẸ TÔI ĐI TÂY

Phần 2

Thằng em tôi đi Tây, nó muốn tạo ra “dòng giống Âu Lạc” bên trời Tây nên lấy vợ Tây và ở luôn… bên đó. Nhân tết Tây, vợ chồng nó viết thư về, có nhã ý mời mẹ tôi sang Tây tham quan cho biết. Vé máy bay đi, về vợ chồng thằng em tôi lo đủ.
Nhận được thư của vợ chồng thằng em bên trời Tây gửi với ý định như vậy, cả nhà tôi bàng hoàng. Mọi suy nghĩ không phải của tất cả thành viên trong gia đình, về thằng em không chịu lấy vợ thôn ta mà sang Tây lấy vợ “tóc quăn, mũi lõ” tự nhiên bay biến. Rõ ràng thằng em tôi cũng còn có hiếu, chưa đến độ cho cha mẹ vào “viện dưỡng lão gần đài hoá thân hoàn vũ”, kể cả đứa em dâu người Tây nữa, cũng thể hiện “công, dung, ngôn, hạnh” gần bằng phụ nữ Việt Nam. Tên nó là gì nhỉ? Tôi chẳng bao giờ đọc được đầy đủ tên, họ của nó. Tên, họ gì mà dài dằng dặc còn hơn “sán dây”:
Ma – ri – ơ – đét – Xcai – A – Pha – Li – Hi – đi – A- Cra – Ep – xít – Bắc – Tư – Nhét – Xo.
Đọc xong tên họ của cô em vợ người Tây, miệng của tôi mỏi như không nhai được cơm. Thôi, cứ gọi như cách mẹ tôi lại hoá tiện. Mẹ tôi nghe tên con dâu người Tây dài nhằng nhẵng như vậy, bà ngán ngẩm lắc đầu, lấy tay vỗ vào mông đánh “bẹt” một cái, rồi buông một câu: “…Tên với chẳng họ, đọc lên tao chẳng nhớ gì cả. Để dễ nhớ, tao cứ lấy chữ đầu và chữ cuối tên nhà nó ghép lại mà gọi: Ma Xó”. “Ma Xó”, gọi như thế lại hóa hay, dễ nhớ!
Ngày mẹ tôi sắp đi Tây, cả nhà tôi chuẩn bị cho mẹ thật tấp nập. Mọi việc không liên quan đều gác sang một bên. Làm sao cho mẹ sang Tây không bỡ ngỡ? Đời mẹ chúng tôi quá cực khổ, làm sao để mẹ ở bên ấy thật lâu để tận hưởng hết những ngày sung sướng? Mẹ tôi chưa bao giờ rời xa cái làng này “nửa bước”, làm sao cho mẹ quen dần với phong thổ, tập quán bên ấy? …Nghĩa là anh em chúng tôi phải lo cho chuyến đi của mẹ sang Tây thật suông sẻ, cố tránh được nhiều cái “làm sao”. Ấy là chuyện gia đình, còn trong làng, việc một bà già gần bảy mươi tuổi được đi Tây cũng là một đề tài để cho mọi nguời bàn tán: “Bà Cả Mĩm sướng nhất làng mình. Có khi đi qua đấy thấy sướng quá rồi bà ấy xin ở luôn cũng nên”. “Đi như bà Cả Mĩm được kẻ đón, người đưa, khi về có chết cũng đã”. “Khổ tận, cam lai trong làng mình chẳng ai được như bà Cả Mĩm.”
Con cái lo lắng, chu tất, bà con trong xóm nhìn ước ao, điều đó làm cho mẹ tôi cảm động.
Ngồi đâu bà cứ lấy gấu quần chấm chấm nước mắt liên tục, thốt không ra lời để cảm ơn mọi người. Kể ra động tác “lấy gấu quần chấm chấm nước mắt” ở nước ta thì được, sang bên Tây phải “nhập gia tuỳ tục” vợ chồng thằng em tôi để mẹ mặc váy, mà mẹ vẫn quen động tác đó thì… Vợ tôi góp ý với mẹ: “Mẹ sang đó đừng có lau nước mắt hay nước mũi bằng gấu quần. Ở bên Tây không chùi theo kiểu đó”. “Thế chùi ở đâu? Chẳng lẽ lại chùi vào tường như tao đang đun cám lợn ở bếp à?”. Mẹ tôi hỏi lại. Vợ tôi cười, đưa cho mẹ chiếc khăn tay trắng tinh, êm ái, rồi giải thích: “Mẹ đã sang Tây phải sinh hoạt như người Tây, nghĩa là tất tần tật cái gì ở mũi, ở mắt mẹ cho vào chiếc khăn tay này!”. Vợ tôi cẩn thận làm giả mấy động tác để mẹ bắt chước. Tưởng như thế mẹ sẽ nhớ, ấy vậy khi ngồi ở phòng chờ trong ga máy bay mẹ tôi vẫn không bỏ được thói quen đó. Nhổ nước trầu hay nước bọt, mẹ cứ “toẹt” ngay ra sàn nhà ga mà người ta vừa lau bóng loáng làm cho mấy ông Tây ngồi cạnh cứ trố mắt nhìn. Chúng tôi có nhắc, mẹ cười vô tư, lấy gấu quần lau miệng: “Tao quên”.
Rồi cũng đến giờ mẹ tôi ra máy bay sang trời Tây. Chúng tôi giao ước với mẹ, sang đó mẹ phải nhắc thằng em điện ngay về nhà để biết tin. Nếu khó qúa thì cũng phải viết thư về, cho gia đình đỡ mong. Phút chia tay giữa chúng tôi với mẹ thật sự bịn rịn, đầy lưu luyến tất nhiên có cả nước mắt. Chúng tôi chỉ sợ mẹ sang đấy sướng quá rồi ở lại luôn. Mẹ đi vắng, tự nhiên căn nhà thấy trống trải. Tất cả những hình ảnh của mẹ, chiều nào khi ăn cơm vợ chồng tôi và các con đều nhắc. Lúc mẹ nhai trầu, lúc mẹ hút thuốc, lúc mẹ chăm cháu, lúc mẹ cho lợn ăn, dáng lụi cụi… Ơn sâu, nghĩa nặng mẹ đã dành cho anh em chúng tôi, không biết đến bao giờ chúng tôi mới báo đáp nổi? Cũng may, thằng em tôi cùng con Ma Xó, vợ của nó mời mẹ sang bên Tây chơi, đã giúp vợ chồng chúng tôi báo đáp một phần công lao của mẹ. Vợ chồng tôi biết ơn vợ chồng thằng em bên trời Tây vô cùng.
…Ngày mẹ lên đường đến nay đã gần một tháng mà chẳng thấy thằng em điện hay viết thư về như đã hẹn. Điều đó làm cho vợ chồng tôi cùng mọi người trong nhà thắc thỏm lo âu đâm ra suy diễn đủ thứ: “Hay là mẹ sang đó lạ nước, lạ cái, khác múi giờ bị ốm?”. “Bậy! làm gì có chuyện đó, bên ấy có điều hoà nhiệt độ còn tốt hơn ở Hà Nội. Muốn có khí hậu ôn đới, nhiệt đới… họ đều có thể làm được cả. Làm gì có chuyện lạ nước, lạ cái.”. “Hay là… lần đầu tiên mẹ mới gặp con Ma Xó, vui quá rồi mẹ quên đánh điện?”. “Bậy! Mẹ là người sống rất tình cảm, gọi điện hay viết thư đối với mẹ là việc không khó.”. “Hay là mẹ đi máy bay…bị lạc?”. “Bậy, nếu đúng như thế thằng em mình bên ấy đã điện về nhà?”… Cả nhà đưa ra đủ mọi giả thuyết, rồi lại chứng minh ngược lại một cách thuyết phục để bác bỏ. Dẫu thế hoài nghi vẫn hoàn hoài nghi, thấp thỏm vẫn hoàn thấp thỏm…
Cho đến sáng hôm ấy, gia đình tôi nhận được bức điện khẩn: “Mẹ về bằng chuyến bay... Giờ… ngày… tháng… ra đón mẹ tại sân bay…”. Bức điện của thằng em gửi về làm cho cả nhà sửng sốt. Tại sao mẹ lại về sớm như thế?. Thằng em tôi nói sẽ cho mẹ ở ba tháng cơ mà!. Tại sao bức điện đánh về nội dung có vẻ gấp gáp, vội vàng đến thế?. Kiểu này là có chuyện rồi. Cả nhà kéo nhau ra sân bay đón mẹ, lòng dạ ai nấy đều như có lửa đốt.
Khi thấy mẹ xuất hiện ở cửa phòng đón khách tất cả chúng tôi như không tin ở mắt mình. Ánh mắt mẹ gặp chúng tôi thì mừng nhưng không dấu nổi sự sợ hãi, thỉnh thoảng mẹ lại liếc vội về phía sau như xem có ai đuổi theo mình không?. Dáng mẹ gầy quắt lại, bước nghiêng ngả cứ như người bị bỏ đói năm ngày vừa thoát khỏi trận lụt thế kỷ. Nước da mẹ lại tai tái chứ không còn vẻ hồng hào như hồi ở nhà.
Sao Mẹ lại đến độ như thế nhỉ? Chúng tôi không hiểu, chẳng lẽ ăn và ở bên Tây lại khổ hơn bên nhà ?!!
Về đến nhà, thật bình tâm, mẹ kể hết mọi chuyện, chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều.
Đúng như lời thằng em dặn trong thư, đón mẹ ở sân bay bên Tây là thằng em và con Ma Xó. Gặp được mẹ, thằng em tôi cũng mừng, nó xa mẹ và gia đình cũng hơn mười năm rồi. Nhưng đến lúc con Ma Xó định ôm hôn mẹ, tục lệ bên Tây mà lại. Mẹ tươi cười, định ôm hôn lại đứa con dâu người Tây thì con Ma Xó tự nhiên lăn đùng ra… ngất lịm, phải hô hấp một hồi nó mới tỉnh. Mấy người Việt Nam, bạn của thằng em tôi, ra đón mẹ, đứng cạnh đó không hiểu điều gì đã xảy ra? Té ra khi mẹ cười, con Ma Xó thấy hàm răng đen vì nhai trầu của mẹ, nó vội liên tưởng đến hàm răng của mấy bộ tộc ăn thịt người bên châu Phi. Khi tỉnh dậy con Ma Xó lắc đầu quầy quậy không cho mẹ tới gần. Thằng em tôi thấy vậy, tưởng nó bênh mẹ, có ai ngờ… nó có vẻ xấu hổ, lại trách: “Ở bên mình, trước khi sang đây lẽ ra mẹ phải cạo răng đi cho nó trắng. Nhìn hàm răng đen thế kia, đến con cũng chết khiếp chứ đừng nói đến vợ con”. Từ đó, thằng em tôi yêu cầu mẹ khi gặp bạn của nó, nhất là mấy thằng Tây là mẹ không được cười, nếu có nói phải lấy tay che miệng. Mẹ nói” “Bên ấy khách Việt thì ít, khách Tây thì đông. Gặp khách Tây, một là ngồi im, còn nói phải lấy tay che miệng, mẹ hỏi các con, thế có phải là cực hình không?. Giời đày cũng không khổ như thế”. Vì thế, mẹ kể tiếp, đang ở trong nhà mà nghe ngoài cửa có tiếng xì xồ, là mẹ được thằng em tôi cho ngay vào buồng, cứ y như con tù đi “trốn trại”. Ở với thằng em trong nhà thui thủi một mình, độ một tuần mẹ thấy chán. Mẹ tôi nói với thằng em: “Mày bảo con Ma Xó để con ở nhà, tao giữ cháu dăm hôm, chứ cứ như thế này tao buồn chết mất”. Thằng em tôi chiều theo ý mẹ, thuyết phục con Ma Xó mãi, nó mới đồng ý với điều kiện: “Anh nói với mẹ không được hôn cháu để đề phòng bệnh truyền nhiễm”. “Con Ma Xó nói thẳng với chồng nó như thế, em mày dịch lại cho tao nghe – Mẹ tường thuật lại y lời của con em dâu người Tây – Tao rất bực mà không biết nói với nó thế nào?. Tao không biết tiếng nước nó, còn nó lại không biết nói chuyện với tao. Chán mớ đời!”. Thằng bé, con của vợ chồng thằng em tôi mới gần năm tuổi, nhưng do “bơm” sữa với “đắp” thịt nên thằng bé to như ông hộ pháp trông đình. Sức thằng bé “lôi” mẹ đi chứ đừng nói mẹ bế nó. Mới ở với nó có một ngày, mẹ đã toát hết mồ hôi. Đấy là một chuyện, ở buổi sáng không sao, buổi chiều có chuyện. Trong nhà chỉ có hai bà cháu, cửa đóng kín mít chẳng biết nhờ vả ai, ngôn ngữ lại bất đồng.Thằng bé khóc, đòi đi “xia”, bà lại tưởng cháu đòi đi ngủ, chuẩn bị đệm, gối, kéo cháu lên trên đó.Thằng bé chịu không được, “tương” một bãi đầy đệm, đầy sàn nhà. Khốn nạn, nếu “của tống ra” của thằng bé vón cục còn dễ dọn, đằng này thằng bé ăn toàn thức béo, mùi đã “nặng” lại còn “sền sệt” hơn đất bùn chuẩn bị gieo mạ. Mẹ phải cọ rửa suốt một buổi vẫn không hết mùi .Con Ma Xó đi làm về khịt khịt mũi, khó chịu gắt ầm lên. Nó xịt nước hoa đầy phòng, bế con đi biến đến ba ngày mới về. Thằng em tôi nhìn cảnh đó, nó lắc đầu: “Mẹ chỉ trông được trẻ An Nam thôi. Ở ta chúng ăn ít, lại toàn rau nên lâu tiêu, ba ngày mới “xia” một lần. Chứ ở bên này chúng ăn toàn thức bổ, ngày phải “xia” hai lần. Cũng còn may cho mẹ, cháu của con mới “xia” có một lần …”. “Ở bên này có khi nào chúng mày ăn nói tệ bạc với mẹ như vậy đâu, mà em của mày lại nói với tao như thế!”. Nói xong câu nói đó, mẹ lấy gấu quần thấm thấm nước mắt. Khổ nhất là mẹ tôi thèm thuốc rê. Hôm mới sang, mẹ cứ tưởng như ở nhà, lấy trong bịch ra một ít để cuốn hút.Con Ma Xó từ phòng trong đi ra, hít phải khói thuốc liền ho sặc sụa rồi nó xả ra một tràng tiếng tây như đại liên bắn ở đồn Cây Vồ hồi kháng chiến. Thằng em tôi dịch lại cho mẹ nghe: “Vợ con nói, mẹ hút thuốc đó phả ra khói độc như vậy sẽ thủng tầng Ôdôn” . “Nào! mẹ có biết tầng Ôdôn, ô diếc gì đâu, nhưng nghe thằng em con giải thích mẹ thấy hãi. Thằng em con nói, tầng Ô Dôn đã gần thủng rồi, mẹ mà hút chút nữa, khói ra là nó thủng thật. Mà tầng Ôdôn thủng là cả nhân loại, trong đó có họ hàng nhà ta phải ra… nghĩa địa”. Nghe vậy mẹ không dám hút thuốc rê nữa. Vậy là cả ký thuốc rê vợ chồng tôi chuẩn bị cho mẹ sang đấy, cho đến lúc về vẫn y nguyên, chỉ có khác là nó mốc meo. Mẹ nghiện thuốc đã khổ, còn khổ hơn là có thuốc đấy mà không được hút.
Nhưng tất cả những điều đã kể, mẹ nói: “Chẳng bằng đêm giao thừa tết Tây”.
Đêm giao thừa tết Tây, thằng em tôi và con Ma Xó mời các bạn, chủ yếu là người Tây đến nhà nó chơi. Chúng mở nhạc to hết cỡ, mẹ chỉ ngồi nghe một lúc mà lỗ tai đã bùng nhùng không biết đấy là tiếng trống hay tiếng bom. Mẹ nhận xét: “Hồi máy bay Mỹ thả bom có nổ to cũng chỉ đến mức độ đó thôi”. Ấy thế mà cả đám bạn của thằng em tôi thích thú, từ con trai đến con gái ăn mặc dị hợm, dậm dật nhảy nhót theo tiếng nhạc cứ như tất thảy chúng nó bị động kinh ở trại điên. Mẹ phải lánh vào trong bếp. Mẹ ngồi dúm dó vào góc bếp tưởng như thế là yên, có ai ngờ! Có một thằng Tây cao to như vượn, mặt mày đỏ gay đi ngật ngưỡng vào trong bếp định lôi mẹ ra ngoài. Đúng là lũ chúng nó, lúc say rượu “trẻ không tha, già không thương”. Mới đầu mẹ sợ. Chợt nghĩ đến “vũ khí lợi hại”, mẹ vội há miệng, phơi hết cả hai hàm răng đen cùng với cái lợi đỏ lòm. Thằng Tây say rượu, nhìn thế hoảng quá vội quay đầu định chạy, đầu nó va mạnh vào cạnh tường, lăn đùng ra ngất.
Mẹ thấy vậy cũng hoảng, ra khỏi bếp chạy vào buồng ngủ. Vừa mở cửa định bước vào thì mẹ thấy ở trên giường có hai đôi, chúng chẳng mặc quần áo, đang “vật” nhau, thở phì phò. Thế này còn ra cái thể thống gì nữa, mẹ lăn ra ngất lịm.
Khi mẹ tỉnh dậy, biết mình đang nằm trong bệnh viện.Thằng em tôi đến, nhất mực mẹ đòi về lại Việt Nam ngay. Mẹ nói với nó: “Nếu con còn thương mẹ, để mẹ sống lâu, con cho mẹ về Việt Nam gấp trong ngày hôm nay”.
Thực ra, ý thằng em tôi cũng thương mẹ, nhưng sinh hoạt bên Tây mẹ ở không hợp. Bên ấy chỉ có tuổi thanh niên, còn mẹ là người già…
Chẳng đâu bằng quê hương, các con ạ!. Mẹ ở quen rồi.
Kể xong câu chuyện đi Tây, mẹ tôi kết luận như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét