Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Câu chuyện tình Việt Nam-Tiệp Khắc: khi đã yêu thì không thể sai



Câu chuyện của ông bà Vladimír – Nhung Nechybovi có thể trở thành cảm hứng cho các nhà đạo diễn dựng phim. Nó bắt đầu bằng mối tình lãng mạn của một cô gái phiên dịch Việt Nam và một chàng trai chuyên gia Tiệp Khắc từ cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước. Giờ đây, sau hơn 50 năm chung sống, trải qua nhiều thăng trầm, biến động của mỗi cá nhân cũng như của hai đất nước Việt Nam – Tiệp Khắc, cả ông và bà vẫn chăm nhau, vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt như cái ngày mà ông gọi là ngày định mệnh của cuộc đời mình... Giới thiệu: Tháng 5 năm 1958, lần đầu tiên Vladimír Nechyba, khi đó 38 tuổi, đặt chân tới Việt Nam. Vừa là thành viên trong đoàn chuyên gia Mỏ - Địa chất, Ông còn có trách nhiệm làm viên dịch Pháp-Tiệp cho đoàn. Thời đó, ở cả Việt Nam lẫn Tiệp Khắc vẫn chưa có phiên dịch Việt-Tiệp. Trong số người Việt Nam ra đón đoàn ở sân bay Gia Lâm có cô gái 18 tuổi Vi Hồng Nhung. Do từ nhỏ đã sống với ông bà ngoại tại Pháp rồi trở về nước, nên cô gái họ Vi được phía Việt Nam tuyển chọn làm phiên dịch Pháp-Việt cho đoàn. Cuộc đời hình như không cho nhiều lựa chọn, nhưng có lẽ cuộc đời cũng rất công bằng nếu ai đó dám sống để được tự do yêu và được tự do sống với người mình yêu. Giờ đây, sau hơn 50 năm chung sống, trải qua nhiều thăng trầm, biến động của mỗi cá nhân cũng như của hai đất nước Việt Nam – Tiệp Khắc, cả Ông và Bà vẫn chăm nhau, vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt như cái ngày mà Ông gọi là „Osudový den“- ngày Định mệnh: 08/5/1958. Những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước, nhiều người đã ví câu chuyện của Ông Bà như là Chuyện tình Romeo và Juliet của Việt Nam và Tiệp Khắc. 
Xin giới thiệu với các bạn, câu chuyện của Ông Bà Vladimír – Nhung Nechybovi. *Nechyba – tiếng Tiệp có nghĩa là „Không sai, không thể sai“ 
NC: Chú có thể kể lại? Ông: Tôi là một trong 3 người thuộc nhóm thứ 2 gồm các chuyên gia Mỏ- Địa chất của Tiệp Khắc cử sang (khi đó là Bắc Việt Nam) giúp đánh giá trữ lượng nhằm lập kế hoạch khai thác khoáng sản ở vùng Tây Bắc Việt Nam …. Nhóm đầu tiên gồm 9 người sang vào tháng 1 năm 1958, trước chúng tôi 4 tháng. Thế hệ chúng tôi trước đó (trước chiến tranh Thế giới thứ 2 – NC), ngoại ngữ bắt buộc học trong trường gồm có: Tiếng Đức, Pháp và Anh. Tôi khá tiếng Pháp vì thế sang Việt Nam ngoài công việc của một chuyên gia Mỏ-Địa chất, tôi còn làm nhiệm vụ phiên dịch Pháp – Tiệp cho đoàn. Chúng tôi đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội sáng ngày 08/5/1958. Những vùng chúng tôi tiến hành khảo sát gồm Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ…. 
NC: Có lúc nào Chú tự hỏi tại sao mình lại được Chúa Trời trọn đóng một vai diễn kỳ lạ như vậy? Ông: (cười) Đến bây giờ, dù tôi là người không theo đạo và không tin vào Chúa Trời… nhưng có lẽ đó là số phận sắp đặt (cười). Hồi nhỏ, ước mơ của tôi là thành phi công, không hiểu tại sao tôi lại trở thành người của ngành Mỏ-Địa chất. Nhưng nếu tôi không thành người của ngành Mỏ-Địa chất thì tôi đã không tìm được và có được bà ấy như bây giờ. Bà ấy chính là cái mỏ quý nhất mà tôi tìm được đấy. (cười). 
NC: Cô sinh ra và lớn lên ở Pháp? Cô cùng gia đình trở về Việt Nam năm nào và vì lý do gì? Bà: Không, tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng mẹ tôi mất sớm khi tôi mới có 1 tuổi rưỡi. Ông cụ sinh ra tôi lại có những ba bà (cười), mẹ tôi là cả và có với bố tôi hai người con, trên tôi là anh trai. Còn với hai bà sau, bố tôi có bảy người con. Do hoàn cảnh mẹ mất sớm nên tôi theo ông bà ngoại sang Pháp từ bé, lúc tôi mới có hai tuổi. Ông bà ngoại tôi sau này sống hẳn rồi mất ở Pháp. Năm 1957, khi đó tôi hơn 17 tuổi, do bố tôi yêu cầu nên ông bà ngoại đồng ý cho tôi về. Sau này, khi đã sang sống ở Tiệp Khắc, năm 1965 chúng tôi sang Pháp thăm ông bà, nghe tôi kể lại, bà của tôi còn ân hận và nói rằng biết thế hồi đó bà giữ tôi ở Pháp, không cho tôi về Việt Nam thì cuộc đời tôi đỡ khổ. Nhưng tôi lại nói „Nếu bà không cho cháu về thì làm sao cháu có Vladimír làm chồng“ (cười). Người ta nói: Trong cái rủi có cái may, là thế. 
NC: Nhiều người thường cho rằng người phương Tây không tình cảm như Á Đông. Nhưng với Cô Chú, lần nào gặp, cháu cũng thấy Chú và Cô như sinh ra để thuộc về nhau vậy? 

Bà Nhung năm 1958 

Bà: Có lẽ cũng là số phận, nếu không làm sao mà tôi từ Pháp còn Ông ấy lại từ Tiệp Khắc này về Việt Nam để mà gặp nhau? (cười). Những ngày đầu, rồi sau đó có nhiều người trêu tôi là có ông Tây thích, tôi còn chê ông ấy già (cười). Vì khi đó tôi mới có 18 tuổi, ông ấy hơn tôi 20 tuổi. (bà cho xem những bức ảnh hồi bà mới về Việt Nam). Buồn cười lắm, những hôm đi làm việc, Ông thuộc nhóm chuyên gia nên được ngồi xe con, còn tôi phải đi xe tải thế mà Ông ấy tìm mọi cách để tôi đi cùng xe, còn tôi thì tìm mọi cách để tránh, với cả thời đó quan niệm trai-gái ở Việt Nam mình ghê lắm, lại còn với ông Tây nữa (cười). Ông: „Không chỉ có tôi, bà ấy còn được 2 người nữa thích (cùng trong đoàn CZ – NC). Tôi cũng phải „bojovat“(chiến đấu) mới chiếm được bà ấy đấy“ (cười) Với đoàn chuyên gia Mỏ-Địa chất Tiệp Khắc ở Bắc Cạn. 
NC: Cô sinh chị Růženka năm nào? Khi đó Chú đã về nước hay còn ở Việt Nam? Bà: Khi yêu nhau rồi, trước khi Ông ấy hết thời gian công tác và phải về nước, chúng tôi đã bí mật bàn với nhau xem làm thế nào để tôi có thể được đi cùng ông ấy và cuối cùng cả hai nhất trí là nếu tôi không có bầu thì khó mà có thể thực hiện được ý định (cười). „Vậy Ông là người yêu đầu tiên của Bà?“. “Đúng rồi, đầu tiên và duy nhất đấy“ (cười). Để tôi kể tiếp. Khi tôi có bầu mấy tháng, mặc dù chúng tôi yêu cầu và đề nghị nhiều nơi nhưng không kết quả, thì Ông phải về nước. Giờ nhớ lại những ngày đó mà tôi vẫn thấy khủng khiếp, không hiểu làm sao mình có thể vượt qua được. Gần như tôi bị tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng xa lánh và bỏ rơi. Cũng dễ hiểu thôi vì cái thời đó chuyện con gái trẻ 20, 21 tuổi chưa có chồng mà đã có bầu và lại có bầu với một ông Tây nữa thì nó ghê gớm lắm (cười). Trước khi sinh con, tôi được gia đình người dì ở Hà Nội cho ở tạm, rồi nhờ có sự can thiệp của sứ quán Tiệp Khắc ở Hà Nội, tôi được đưa về Hải Phòng, khi đó đã có bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp. Tôi sinh Růženka (Hoa hồng), tên Việt Nam là Lan Hương tháng 7 năm 1962. 
NC: Thế rồi Cô và chị Růženka đi sang Tiệp Khắc bằng cách nào? Bà: Khủng khiếp lắm, đến giờ nghĩ lại tôi thấy thật kinh khủng. Các bạn không hình dung ra được đâu. Rất may là sau khi sinh Růženka, mọi người cũng hiểu và đỡ xa lánh. Bố tôi, trước đó rất giận nhưng rồi cũng tìm đến, tỏ ý mong muốn để tôi và cháu ở lại, thậm chí ông quỳ xuống trước tôi để xin lỗi và để mẹ con tôi không đi đâu hết. Riêng tôi, thì đã dứt khoát rồi. Cũng có những lúc tưởng không được đi sang với Ông ấy, tôi đã dọa sẽ tự tử nên mọi người cũng sợ. (cười). Ở bên này (Tiệp Khắc) thì Ông ấy cũng tìm nhiều cách giúp đỡ và trợ giúp về vật chất cho hai mẹ con. Hàng tuần, đều đặn tôi nhận được từ bưu điện 1 gói bưu kiện, trong đó có duy nhất là 1kg sữa bột cho trẻ em. Ông: Thời đó, bưu điện Tiệp Khắc họ cũng không cho gửi nhiều, mỗi người chỉ được gửi tối đa 1 tuần1 lần và nặng nhất là 1kg. Vì thế, tuần nào tôi cũng phải ra bưu điện để gửi sữa cho con.
Và gói sữa 1kg sau hơn 3 tuần, vượt chặng đường hàng nghìn km để đến với mẹ con tôi. Ông ấy còn nhờ những người bạn của Ông ấy trong đoàn chuyên gia ở Hà Nội ứng trước để đưa tiền cho mẹ con tôi, rồi ở bên này (Tiệp Khắc) Ông ấy dùng Bon (trước 1989, Bon là loại tiền chỉ dành cho nhân viên ngoại giao hoặc những người đi làm việc ở nước ngoài. Tiền Bon có giá trị gấp 4-5 lần đồng Curon và chỉ tiêu được trong những cửa hàng nhất định - NC) trả cho gia đình họ.(đây có lẽ là những vụ chuyển tiền Tiệp-Việt đầu tiên trong lịch sử ). Sau bao nhiêu cố gắng của Ông ấy, từ việc viết thư cho lãnh đạo Tiệp Khắc, Việt Nam hay là tìm đến và kêu tận lên cả bộ ngoại giao của hai nước, đến nỗi mà sứ quán Tiệp Khắc ở Hà Nội hay bộ ngoại giao Việt Nam thời đó hễ cứ nhìn thấy tôi là họ lại bảo: Romeo & Juliet Việt Nam-Tiệp Khắc, thì đến tháng 8 năm 1963, tôi nhận được đồng ý của chính quyền hai nước cho hai mẹ con đi. Vì khi đó không có ngoại tệ để mua vé máy bay nên chặng đầu, mẹ con tôi phải đi tàu hỏa từ Hà Nội lên Lạng Sơn, đến Bắc Kinh, qua Mông Cổ rồi đến Mátxcơva. Từ Mátxcơva chúng tôi đi máy bay sang Praha. Suốt cả chuyến đi từ Hà Nội đến Mátxcơva chúng tôi đều được sứ quán và bộ ngoại giao Tiệp Khắc chuẩn bị và giúp đỡ. Hai mẹ con tôi sang đến Praha là tháng 10 năm 1963. Ông: Khi tôi từ Hà Nội về Tiệp Khắc thì phía Việt Nam có ý muốn „trả ơn“ nên tôi được các cơ quan ngoại giao Việt Nam chăm sóc, đưa đón cả ở Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh, …còn bà ấy và Růženka thì lại được người Tiệp lo cho“ (cười). Họ lo hết cho tôi từ ăn, ở, đi thăm quan…theo tiêu chuẩn thượng khách, nhưng khi tôi đề nghị giúp giải quyết việc cá nhân, việc tình cảm giữa tôi với bà ấy thì họ lại rất ngại và sợ. (cười). Thời kỳ đó đang có căng thẳng trong quan hệ Liên Xô và Trung Quốc, người ta còn dặn tôi đừng có mang báo hay tạp chí gì có dính dáng đến Liên Xô, nếu kiếm được trước tác Mao Trạch Đông mang theo thì càng tốt, nhưng nhớ phải vứt đi trước khi sang Liên Xô. (cười). 
NC: Lúc đó chị Růženka hơn một tuổi? Liên lạc giữa Cô Chú thế nào? Hồi 80, cháu sang đây, chờ thư ở nhà cũng mất cả tháng rồi. Bà: Đúng rồi, mọi liên lạc cũng chỉ qua thư và bưu điện thôi. Rất may là tôi cũng đã chuẩn bị rất cẩn thận cho chuyến đi và Růženka cũng khỏe và ngoan. Và chắc là được Ông ấy cầu cho may mắn nữa (cười). 

Nechybova rodina
 
NC: Nghe chuyện của Cô Chú, tụi trẻ bây giờ bảo như trong pohádka (truyện cổ tích). Bây giờ, trên báo chí thường xuyên thấy những chuyện đau lòng về tình cảnh người phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, như ở Hàn Quốc, Đài Loan, thì với Cô là một người phụ nữ Việt Nam làm dâu ngoại quốc, Cô có ý kiến gì? Bà: Khi nhỏ tôi sống với bà và bà luôn dạy tôi phải kính trọng người đàn ông trong gia đình (!). Và may mắn có thời gian sống với ông bà ở Pháp nên phần nào tôi hiểu được cách sống của người châu Âu. Mình hiểu được cái giới hạn tình cảm và trách nhiệm, hiểu được tự do cá nhân và trách nhiệm của mỗi người với nhau. Có những lúc tình cảm giúp nhau giải quyết những mâu thuẫn do bất đồng văn hóa, tâm lý nhưng người châu Âu họ cũng không dễ để tình cảm chi phối. Còn chuyện của tôi với ông ấy thì khó nói lắm, Chúng tôi như được ông Trời và số phận sắp đặt sẵn như vậy rồi (cười). Chúng tôi giờ đã có cháu nội, cháu ngoại, Chúng tôi đã lên cụ rồi. Hôm mới đây, kỷ niệm 50 năm ngày cưới, tụi chúng nó bắt chúng tôi kể lại, chúng nó không hiểu nổi nhưng khi nghe rồi, chúng nó khóc vì được biết chuyện của ông bà. Cháu gái cũng ghi lại toàn bộ câu chuyện về ông bà của nó.
NC: Mối quan hệ của các thành viên trong gia đình như chị Růženka, Robert, các cháu nội, cháu ngoại của Cô Chú cũng rất ...tình cảm. Có đặc biệt không cô? Bà: Tháng 4 năm 1968 chúng tôi có thêm con trai là Robert, tên Việt Nam là Mạnh Hùng. Ông ấy đặt tên con theo tên của Thượng nghị sỹ Mỹ Robert Kennedy vì khi tranh cử tổng thống, ông này tuyên bố nếu thành tổng thống, ông ta sẽ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (Robert Kennedy 1925-1968– Thượng nghị sĩ, em trai của cố Tổng thống John F. Kennedy 1917-1963, bị ám sát tháng 11 năm1963. Robert Kennedy ra tranh cử Tổng thống năm 1968 và cũng bị ám sát tháng 6 cùng năm- NC). Hiện nay, cả Růženka và Robert đều đã có gia đình, vợ chồng Růženka đã có cháu…Cả tôi và Ông ấy cũng rất muốn gần gũi và hễ có điều kiện đều chia sẻ và tâm sự với con cháu. Con cháu trưởng thành hết rồi, giờ không phải lo nuôi, lo ăn nữa, mình chỉ cần dành tình cảm cho chúng nó thôi. Năm 2002 tôi và Ông ấy cũng về Việt Nam, một dịp thật hiếm để chúng tôi gặp lại gần như tất cả họ hàng bên nhà tôi. 
NC: Nếu bây giờ cuộc đời đưa Cô và Chú trở lại cái ngày định mệnh 08/5/1958 đó và nếu được hỏi: "Có" hay "Không" thì Cô Chú trả lời ra sao? (lúc đầu Ông chưa hiểu, Ông tưởng tôi hỏi Ông có muốn đi Việt Nam không nên Ông bảo „Có, có chứ! Đi, đi ngay! Cầm ba lô và lên đường ngay“) Bà: Đúng là số phận. Nếu tôi không từ Pháp về Việt Nam hay nếu ông ấy không sang Việt Nam cùng đoàn chuyên gia Tiệp Khắc thì làm sao gặp nhau được? Rồi sau khi về nước, nếu ông ấy không nghĩ đến mẹ con tôi khi đó còn ở Việt Nam thì sao? Ông: „Děkuji šťastné hvězdě, která mi Nhung přinesla“ (Cảm ơn ngôi sao may mắn đã mang Nhung đến cho tôi)… Bà: Đấy, nhiều khi ông ấy vẫn bảo tôi là nhờ có sao chiếu mệnh của Ông ấy đấy. (cười).
NC: Cảm ơn Cô Chú. Cháu hy vọng câu chuyện của Cô Chú như một lời chúc an lành, hạnh phúc trong giờ phút đón chào năm mới. Kính chúc Cô Chú cùng gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều tốt lành. 



Ông Bà Nhung – Vladimir Nechybovi, nhân Ngày cưới Vàng 

Nguyễn Cường- vietinfo.eu 

Cám ơn bạn đã truyền bá nội dung bài vở của chúng tôi. Ngoại trừ mục đích cá nhân, khi sử dụng lại thông tin, xin các bạn không quên ghi rõ tên tác giả, tên nguồn và vietinfo.eu.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

HẠT GIỐNG

Khi ánh mặt trời còn đang lấp ló bên kia đồi, chàng trai đã đứng chờ trước cửa hàng tạp hoá nơi vùng ngoại ô hẻo lánh này từ rất lâu rồi.

Khi không còn kiên nhẫn chờ đợi thêm được nữa, anh ta dự định quay về thì có tiếng mở cửa.

- Anh cần gì? Tôi là chủ ở đây. Một Thiên Thần xuất hiện và nhỏ nhẹ nói.

Chàng trai lễ phép hỏi:

- Ở đây Ngài có bán hoà bình không?

- Tôi bán tất cả.

Anh ta vui mừng nói tiếp:

- Con muốn mua hoà bình cho thế giới để đem vào nơi chiến tranh. Mua an hoà để đem vào nơi tranh chấp. Mua chân lý để đem vào chốn lỗi lầm.

- Còn gì nữa? Vị Thiên Thần ngắt lời.

- Con muốn mua ánh sáng để đem đến chốn u sầu.

Thế giới sẽ không còn chiến tranh và mọi người sẽ được hít thở bầu không khí yêu thương.

Con muốn mua liều thuốc chữa được mọi bệnh tật. Người người được khoẻ mạnh, không còn ai đói khát, nghèo khổ.

Thiên Thần từ tốn đáp:

- Này anh, ở đây không bán quả. Thượng Đế giao cho tôi chỉ bán hạt giống thôi.

Hạt giống chính là khả năng tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Nếu mọi người biết sử dụng khả năng này thì mọi người sẽ yêu thương nhau, thế giới sẽ được hoà bình.

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Vì sao bạn là người giàu có?

Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

- Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. - Chàng trai buồn bã nói.

- Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.

- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

- Giả như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không?

- Không ạ.

- Giả như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không?

- Không bao giờ.

- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không hiểu thực ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem:

- Nếu sáng nay tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

- Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã may mắn hơn 500 triệu người trên trái đất.

- Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu, thì bạn đã hạnh phúc hơn biết bao người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.

- Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu có trên thế giới.

- Nếu bố mẹ bạn vẫn còn sống và vẫn sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.

- Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà cũng không được.

- Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được dựa vào bờ vai của họ để nói lên tâm sự của mình, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người không bao giờ nhận được tình yêu từ người khác.

- Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên trái đất này.

Sau khi đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười: “Hóa ra, mình cũng là một người giàu có.”

Khuyết Danh

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Hura Nguyễn Mười

tien.lan.anh@gmail.com
Re: Bravo Nguyễn Mười
Dnes 10. 1. 2014, 16:01:30
Komu: Truong Van. Tu, dantiep@btsoft.net
g
Xin được cùng vinh danh và tung hô Nguyễn Mười. Còn chuyện có chân tu đắc đạo hay không không cần xem xét.
 
Bravo.
Tiến
 
Sent: Friday, January 10, 2014 15:54
Subject: Bravo Nguyễn Mười
 
Drazí Dân Tiệp.

Tôi thấy Nguyễn Mười là một người chân tu đắc đạo, ngoài ra anh còn mang đến cho Hộp thư Dân Tiệp rất nhiều những thông tin bổ ích, sâu sắc có giá trị cả về nhân văn và nghệ thuật. Đề nghị Dân Tiệp Bravo anh.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Đối đáp vợ chồng

Sách mới cho nên phải đắt tiền
Chị nghe chồng đọc liền ứng khẩu đọc tiếp luôn:

Hôm nay xuất bản lần đầu tiên

Anh chồng ghì chặt vợ vào lòng mình đọc luôn câu thứ ba:
Anh còn tái bản nhiều lần nữa

Chị vợ sung sướng đọc câu thơ trong tiếng thở:
Em để cho anh giữ bản quyền

Vài năm sau:

Cô vợ đọc:
Sách đã cũ rồi phải không anh
Sao nay em thấy anh đọc nhanh
Không còn đọc kỹ như trước nữa
Để sách mơ thêm giấc mộng lành

Anh chồng ngâm:

Sách mới người ta thấy phát thèm
Sách mình cũ rích, chữ lem nhem
Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc
Đọc tới đọc lui, truyện cũ mèm

Cô vợ thanh minh:

Sách cũ nhưng mà chuyện nó hay
Đọc hoài vẫn thấy được bay bay
Đọc xong kiểu này, rồi kiểu khác
Nếu mà khám phá sẽ thấy ngay

Anh chồng lầu bầu:

Đọc tới đọc lui mấy năm rồi
Cái bìa sao giống giấy gói xôi
Nội dung từng chữ thuộc như cháo
Nhìn vào hiệu sách, nuốt không trôi

Thằng hàng xóm hắng giọng sang:

Sách cũ nhưng mà tui chưa xem
Nhìn anh đọc miết thấy cũng thèm
Cũng tính hôm nào qua đọc lén
Liệu có trang nào anh chưa xem?

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Cái giá của 10.000đ

Một bà cụ 80 tuổi đến một quán ăn hỏi nhân viên phục vụ:
“Bà chỉ có mười ngàn, bà muốn uống canh.”
Vì bà cụ đã lớn tuổi, nói chuyện nghe không rõ lắm.
Khi đó tôi có thể cảm nhận được sự ngại ngùng của bà, vẻ mặt của bà thiếu điều muốn khóc.

Một lúc sau, nữ phục vụ bưng ra một bát cơm và canh nóng để trước mặt cụ.
Bà cụ nhìn thấy trong cơm có thịt, liền vội nói:
“Bà không cần thịt, bà chỉ có mười ngàn thôi.”
Nữ phục vụ nhỏ nhẹ đáp lại:
“Bà ơi, cái này không tính tiền, bà cứ từ từ dùng ạ!”
Mỗi người chúng ta ai cũng sẽ già đi, sống tốt với người già luôn là một nét đẹp đạo đức của con người..share cho mọi người cùng đọc và cảm nhận nhé cả nhà cảm ơn..

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Dân Tiệp 1970 (tại 9 Hoàng Cầu)

Hôm nay nhóm Dân Tiệp 1970 tụ họp tại Nhà hàng bia Séc 9 Hoàng Cầu (tháng 12.2013 cũng tại đây). Chắc là đất lành chim đậu.
Rất tiếc một số anh chị có việc đột xuất không dự được nên chỉ có 8 đại diện (nhóm này sinh hoạt đều như vắt chanh: tháng/lần).
Xin giới thiệu với các bạn một số hình ảnh sau:



Không khí sinh hoạt sôi nổi, vui như  thời còn là sinh viên

 Được nhà hàng giới thiệu trực tiếp tới hãng rượu vang của anh Vệ, tất cả đặt mua tới 5 thùng (30 chai), giá rẻ và ngon, chất lượng hảo hạng, 100% Tiệp Khắc. Nhận hàng tại chỗ.


Khi gặp gỡ tác giả Do.honza tất cả đã được tặng sách: 3 cuộc đời, chuyện Tây-Ta (tập 1)

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Gặp mặt CVUT Open

Sáng 1.1.2014 theo kế hoạch thường niên các cựu lưu học sinh của Fel-CVUT và những người bạn đã long trọng tổ chức lễ gặp mặt OPEN đón chào năm mới  tại nhà hàng bia Séc - Bohemia, 9 Hoàng Cầu. Chương trình bắt đầu từ 9h00 - 14h30.
Trưởng ban tổ chức anh Ngô Khánh Vân và anh Cao Chấn đã lần lượt dẫn chương trình giới thiệu các bạn bè Open của CVUT. Không khí thực sự sôi động khi có tới hơn 40 thành viên tham gia đọc thơ, hát, tâm sự và cao trào lúc các món ăn truyền thống Tiệp Khắc được bầy ra, bắt đầu là: drstková polévka+chleb, bramborák, slami+pastika, knedlíky+sladkokyselé zelí+maso, rízek, arasidy, putinka, Budvar, meloun.
Ban tổ chức được sự đồng tình của các thành viên nhất trí thành lập câu lạc bộ STRAHOV & và các thành viên Dân Tiệp. Xin giới thiệu tới các bạn những hình ảnh đầu tiên của buổi gặp mặt này:

Ban tổ chức
Tâm sự của anh Cao Chấn sau chuyến đi CH Séc


Đội elite của Fel-CVUT






 Buổi gặp mặt thành công rực rỡ và kết thúc sau cả 14h30.