Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Giao lưu quốc tế của gia đình Do.honza

Do.honza và con trai Việt Anh giao lưu với 
Bộ trưởng ngoại giao CH Séc L. Zaorálek và Đại sứ M. Klepétko tại Hà Nội
Hoàng tử Andrew nước Anh đến thăm văn phòng BOO của Việt Anh tại HNCC, Hà Nội


Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Chuyện thời cấm yêu

         Cuối xuân 1973, mới bắt tay làm nghiên cứu sinh chừng khoảng đôi ba tháng thì tôi sửng sốt nhận tin bố qua đời. Tôi trấn tĩnh thưa chuyện cùng giáo sư hướng dẫn và xin phép sứ quán về nước chịu tang. Thật may là đề nghị của tôi được chấp thuận ngay với yêu cầu đi cùng nhóm trưởng Phan Duy Pháp, NCS trước tôi mấy khóa, và một nữ sinh viên. Buồn vui, lo âu lẫn lộn. Buồn không bao giờ còn được trông thấy người cha suốt đời khổ cực chưa hưởng trọn lấy một ngày sung sướng. Vui sẽ gặp người yêu để cùng tính chuyện tương lai. Lo vì nhiều trắc trở về chuyên ngành hẹp nên vào cuộc muộn nhất trong số anh chị em cùng đoàn, sức khỏe chưa bình phục hẳn sau mấy tháng nằm viện và không rõ nhiệm vụ được giao khó dễ ra sao.
Mùa mưa 1969, lũ sông Hồng đạt đỉnh hiếm thấy. Vào thời gian ấy, Phương may mắn được du học Tiệp Khắc. Đặt chân đến nước bạn, sống giữa những con người đôn hậu, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ kiều diễm của đất nước thanh bình, Phương thực sự đem lòng ngưỡng mộ. Kết thúc năm học tiếng loại khá, Phương về học hóa tại thành phố Gottwaldov (nay là Zlín). Thông minh và năng động giúp Phương không mấy khó khăn làm quen với các kĩ năng nghe giảng, đọc sách tham khảo, thao tác thí nghiệm. Nhờ vậy, ba năm liền không hề nợ một môn thi hay kiểm tra nào, được thầy cô khen ngợi, bạn bè quý mến. Phương còn là cô gái tài hoa, lắm năng khiếu, hăng hái dẫn đầu các hoạt động văn nghệ thể thao. Khuôn mặt thanh thoát, nụ cười tươi tắn, duy đôi mắt man mác đượm buồn, ẩn giấu nội tâm kín đáo cùng tâm hồn lãng mạn, tuổi học trò từng ấp ủ mối tình mơ mộng. Nhiều khi Phương tự thấy khó xử, giằng co giữa điều cần tránh với những cám dỗ chung quanh. Hiềm một nỗi là bố mẹ li thân nên thiếu vắng nguồn động viên, khích lệ của gia đình. Hình ảnh quê hương đất nước cũng theo đó mà nhạt nhòa, mờ phai dần.
Trong số bạn chơi thân với Phương thì Jan, chàng sinh viên Slovak học lớp dưới, gây ấn tượng mạnh hơn cả. Anh ta trông chững chạc, điển trai cao ráo, giành được thiện cảm của nhiều người. Thoạt tiên chỉ là tình bạn thông thường nhưng rồi quan hệ giữa đôi trai gái tràn đầy nhựa sống ấy đã biến đổi mau lẹ ngoài sức tưởng tượng của chúng bạn. Rốt cuộc, tiếng sét ái tình đã hạ gục và chinh phục con tim đơn côi đa cảm. Có những lúc nhởn nhơ rong chơi suốt ngày nghỉ hoặc say sưa nhảy múa thâu đêm. Tình yêu nồng cháy đã sai khiến dẫn dụ mọi hành động, kể cả mù quáng bước qua dải phân cách và quên bẵng mất khuyến cáo mà trước đó khi làm công tác đoàn Phương từng nhắc nhở các bạn.
Tiếng lay động xào xạc quen thuộc của rặng bạch dương quanh ký túc xá trước mỗi làn gió ban mai hay chiều hôm Phương nghe dịu êm như khúc nhạc đời đang trào dâng.
Cánh đồng hoa sặc sỡ đang gội nắng xuân ấm áp thì xa xa sau rặng núi thấp thoáng ánh chớp cùng những dải mây đen. Một ngày nọ, nhận được tín hiệu lạ thường, trưởng phòng lưu học sinh về thăm đơn vị. Buổi họp mặt thân mật trao đổi về kết quả học tập, rèn luyện tu dưỡng, chấp hành nội quy của sinh viên và chiến sự trong nước. Phương chột dạ chăm chú lắng nghe, đầu óc căng thẳng. Không một ai đả động đến mình. Đang mê muội theo đuổi cuộc tình, hơn nữa nghiệm thấy hình như có điều gì đó không ổn trong cơ thể, thôi thúc Phương bất chấp mọi e dè. Phương mạnh dạn giãi bày chân thực chuyện riêng tư với người phụ trách, mong được giúp đỡ. Không khí cuộc họp trầm lắng trước thời điểm hệ trọng. Ông thản nhiên trả lời nhát gừng rằng cháu cứ thu xếp lên sứ quán, các bác sẽ tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ giải quyết. Người ngoài cuộc mường tượng đến điềm gở, còn Phương bản tính hồn nhiên trong sáng, hôm sau nghỉ học, theo xe trưởng phòng về luôn Praha. Dọc đường giữa hai người chỉ là dăm ba câu xã giao chiếu lệ vì mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Phương khấp khởi mừng thầm, chắc mẩm được chở che, bên tai như văng vẳng dạ khúc êm đềm của Smetana, mơ tưởng đến ngày sóng đôi cùng Jan bên dòng Vltava. Còn trưởng phòng lại trầm ngâm cân nhắc giải pháp nào cho sự việc êm xuôi chóng vánh theo kịch bản dàn dựng sẵn.
Thế là Phương đã vô tình tự dấn thân vào tròng. Ngày đầu lòng còn thư thái. Sang ngày thứ hai vẫn chưa thấy động tĩnh thì hơi sốt ruột. Thực ra, mọi việc đang hỏa tốc triển khai. Đơn vị được lệnh gói gém tư trang, cử người mang lên, tiện thể ở cùng để theo dõi trông chừng Phương. Thêm đôi ba hôm nữa thì lòng dạ Phương như lửa đốt, dự cảm thấy điều chẳng lành. Bạn ở cùng thấy Phương bị giam lỏng thì rất khó chịu, cố giúp giải thoát. Khốn nỗi, cửa chính luôn khóa trái, cửa sổ tầng ba lại quá cao, sợ nguy hiểm đến tính mạng nên can ngăn không dám để Phương bám ống thoát nước tụt xuống. Jan đến thăm mấy bận nhưng không được tiếp đón, đành chịu đứng ở vườn sau nhà ngước mặt lên thăm hỏi người yêu rồi ngậm đắng nuốt cay lủi thủi quay về.
Chiều hôm ấy u buồn, trôi chậm rãi khác với nhịp điệu hối hả thường thấy. Không khí ngột ngạt trước cơn giông. Trụ sở phòng lưu học sinh phố Ujezd Praha 5 yên ắng khác thường. Phương được gọi vào văn phòng nghe thông báo. Thoạt nghe đến hai chữ kỉ luật Phương đã tối sầm mặt mũi, rụng rời chân tay, mọi vật chao đảo, tưởng chừng không thể đứng vững trên đôi chân của mình vì quá đỗi đường đột và nghiệt ngã. Thay vì tìm được nơi nương tựa hoặc chí ít cũng còn chút hi vọng thì bất giác chiếc phao cứu sinh bị giật mạnh không chút thương tiếc tuột khỏi đôi tay yếu ớt đang cố sức níu giữ và đẩy Phương chới với giữa dòng nước. Chưa kịp hoàn hồn sau cú sốc trời giáng thì đôi cánh cửa chính vốn bị canh phòng cẩn mật suốt mấy ngày qua đã mở toang. Phương tóc tai rũ rượi, nước mắt giàn giụa, cổ họng tắc nghẹn, lê từng bước nặng nhọc giữa vị
trưởng phòng và sĩ quan an ninh xuống từng bậc cầu thang và ngõ hẹp ra hè phố. Bên lề đường chiếc ô tô biển ngoại giao túc trực sẵn, ba người vừa bước lên thì lập tức nổ máy chạy tuốt một mạch ra nhà ga xe lửa chính.
Giấc mơ về thiên diễm tình mới nhen nhóm hôm nào đã vụt tan biến thành tro bụi, chỉ còn lại nỗi sầu muộn não nề và đớn đau vô hạn như lưỡi dao sắc cứa lên con tim rớm máu. Hình ảnh nhà hát, bảo tàng, phố xá, vườn hoa, quảng trường thân quen đang lướt nhanh qua đôi mắt đẫm lệ của Phương như những kỉ niệm từ đầu nguồn dĩ vãng. Đắng cay thở dài não nuột, Phương chưa bao giờ nghĩ mình buộc phải giã biệt Praha một cách chán chường nhục nhã đến thế.
Pháp và tôi được giao nhiệm vụ và dặn dò kĩ lưỡng nên mặc cho trời mưa gió, đã có mặt ở nhà ga trước giờ hẹn, khần trương chuyển hành lí, nóng lòng liếc đồng hồ từng phút một. Sát giờ khởi hành, người đi đã lên tàu, người tiễn đã ra về. Sân ga trống vắng, tĩnh lặng. Vào phút chót ba người mới xuất hiện. Phương được hai vị cán bộ ì ạch dìu lên toa. Cửa vừa đóng thì đoàn tàu chuyển bánh trong ánh chiều tà mưa tầm tã.
Cuộc hành trình mở đầu trong cảnh tượng náo loạn khủng khiếp. Phương mặt mày thất sắc như kẻ mất hồn, giãy giụa đùng đùng, chân giẫm xuống sàn, tay đấm vào thành tàu, khóc lóc thảm thiết, kêu la inh ỏi. Hành khách sợ khiếp vía, không chịu nổi âm thanh đinh tai nhức óc, đua nhau tránh dạt sang chỗ khác. Cả toa dành cho gần trăm khách phút chốc chỉ trơ lại ba chúng tôi. Căm tức uất ức nung nấu tâm can và bị dồn ép tới chân tường, Phương phản ứng gay gắt quyết liệt, thẳng thừng vứt bỏ mọi phép tắc lịch sự, nể trọng xưa nay đối với bề trên, không tiếc lời nhiếc móc, xỉ vả thậm tệ:
“ Các người buộc tôi phải chịu hình phạt oan trái này bởi tội tình gì? Tôi yêu Jan nhưng học hành không thua kém ai, không làm gì tổn hại đến đất nước, sao các người lại nhẫn tâm đầy đọa tôi đến nông nỗi này?”
“ Các người hứa giúp tôi nhưng lại rắp tâm hãm hại, giam giữ, đuổi tôi về nước. Sao các người lại táng tận lương tâm giở mánh khóe ức hiếp một đứa con gái vô tội như tôi?”
“ Sao các người không rủ lòng nhân đức để hưởng tiếng thơm mà lại đang tâm đối xử tệ bạc để chuốc lấy sự nguyền rủa?”
“ Nếu là ruột thịt của các người hay con cháu ông nọ bà kia thì các người có đang tay xử lý thế này?”
“ Các người có thấu hiểu nỗi thống khổ cùng cực của tôi không? Tôi làm sao có thể sống nổi khi đang yên lành chỉ vì tin các người mà tự dưng mất hết thảy: tình yêu, học vấn, danh dự, tiền đồ?”
“ Các thầy cô giáo, Jan và bạn thân có ai biết tôi đang rơi vào thảm cảnh này và có thương xót cho tôi không?”
“ Ai có thể ra tay minh oan, cứu giúp tôi? Tôi còn biết bấu víu vào đâu bây giờ? Trời đất ơi! Cha mẹ ơi!”
Điệp khúc thê thảm não nùng ấy cứ rền vang mãi lúc mãnh liệt lúc ai oán, át cả tiếng mưa gió gầm gào bên ngoài suốt bao dặm đường dài từ chiều hôm đến tận đêm khuya. Chứng kiến cảnh ngộ éo le và lắng nghe những lời than vãn, giãi bày oan khuất của Phương với góc nhìn cận cảnh, tôi không cầm lòng được, thầm nghĩ đấy là phản xạ tự vệ bẩm sinh của con người chẳng may rơi vào ngõ cụt không lối thoát, là ngôn ngữ sàng lọc của một lí trí minh mẫn, cũng là phản ánh ngắn gọn, trung thực cần đến tai những ai cầm cân nảy mực. Tuy mệt mỏi do phải hứng chịu hộ những lời chửi rủa, nhục mạ và đứng nhiều giờ liền nhưng linh tính mách bảo tôi rằng mở đầu xui xẻo vậy ắt còn lắm rủi ro phía trước, hãy đánh thức mọi giác quan để sẵn sàng đối phó.
Đoàn tàu tăng tốc lao nhanh về biên giới phía đông trong màn đêm dày đặc. Gió rít mạnh từng cơn phả sương lạnh vào bên trong. Bất chợt Phương vào nhà vệ sinh. Chúng tôi thót tim nghe ngóng, không dám có cử chỉ khiếm nhã sỗ sàng. Hú vía, chỉ một lát sau Phương bước ra. Có lẽ đã đuối sức Phương mới chịu vào nằm. Chúng tôi cũng tranh thủ xả hơi. Vừa đặt lưng hơi lơ mơ thì bỗng có tiếng bật nút chai. Không kịp trở tay, Phương đã ngất xỉu bất tỉnh, bên cạnh là chiếc lọ thủy tinh rỗng. Pháp đỡ lấy Phương còn tôi cuống cuồng chạy đi kêu cứu. Gõ cửa khắp các toa nhưng đáp lại chỉ rặt một vẻ sợ hãi lắc đầu hoặc nhún vai. May thay, đến gần đầu máy tôi gặp được một bác sĩ Nga. Trông thấy vẻ mặt hoảng hốt và nhất là nghe thấy lời khẩn cầu bức bách của tôi trong hơi thở hổn hển, bà hiểu ngay mức độ nguy kịch của sự cố hiếm gặp nên vội khoác áo choàng và túi cứu thương đi theo tôi. Bà bắt mạch, nghe nhịp tim rồi dốc nước vào miệng bịt mũi bắt nuốt. Tôi lo sợ và hồi hộp theo dõi. Trên khuôn mặt người phụ nữ luống tuổi thoáng vẻ lưỡng lự hình như bà ta đang đắn đo, toan tính đến sự trợ giúp khẩn cấp ngoài tầm của bác sĩ trực.
Bóng tối lùi dần, cảnh vật mờ ảo hiện ra mỗi lúc một rõ nét trong làn sương sớm. Đoàn tàu giảm tốc rồi đột ngột dừng lại giữa đồng không mông quạnh. Chiếc xe hồng thập tự rú còi liên hồi xé tan bầu không khí tĩnh lặng, áp sát toa chúng tôi. Phương thần thái đờ đẫn trong cơn hôn mê, mắt nhắm nghiền. Theo chỉ dẫn của bác sĩ, hai chúng tôi vội vàng khiêng Phương xuống xe cứu thương. Pháp đi theo Phương, tôi quay lại toa với hành lý. Từ giờ phút này đầu óc tôi bị choán hết bởi những ám ảnh hãi hùng, không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện ăn uống hay thưởng ngoạn cảnh đẹp hai bên đường. Phác thảo mơ hồ về công việc được giao trước lúc lên đường đang biến thành sức căng của dây thần kinh và sức nặng vít cong chiếc đòn gánh trên vai. Tôi mệt quá, thiếp đi một mạch như chết và choàng tỉnh dậy khi tàu dừng ga Mátxcơva.
Cán bộ lễ tân sứ quán Liên Xô tưng hửng vì đón hụt Phương, miễn cưỡng đưa tôi cùng hành lí về nhà khách. Mình tôi ăn chực nằm chờ, đứng ngồi không yên. Điềm tĩnh suy xét, tôi trộm nghĩ quy chế LHS nhằm đảm bảo công bằng giữa người cầm súng và người cầm bút nhưng nếu khéo vận dụng theo hướng đề
cao tính nhân văn thì có lẽ chẳng đến nỗi dẫn đến kết cục bi thảm. Trong giấc ngủ chập chờn đêm ấy tôi chỉ biết cầu khấn trời đất cho tai qua nạn khỏi. Thật linh nghiệm, sáng sớm tôi nhận tin vui đón Phương và Pháp đến chậm một ngày so với dự định.
Trở lại với giây phút hiểm nghèo, Phương được súc ruột và hồi sức ở bệnh viện Košice, bác sĩ rất đồng cảm, tận tình cứu chữa, ra sức bênh vực khi biết rõ sự tình. Về phía hai vị đại diện, kèm Phương lên tàu trao cho chúng tôi rồi thì trở lại nhiệm sở, thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Tuy nhiên, thấy dáng vẻ ủ dột, tuyệt vọng của Phương thì chưa thể hoàn toàn yên lòng, nửa mừng nửa lo, cả đêm thắc thỏm, khó chợp mắt. Gần sáng, tưởng chừng mọi việc đã ổn, đang yên giấc thì bất thình lình có điện khẩn. Cả hai giật nẩy mình hết hồn, cập rập lục lọi giấy tờ, hối thúc lái xe tức tốc băng mấy trăm cây số từ tây sang đông để kịp có mặt. Cùng bàn một sự việc, một con người mà hai lập luận, hai giải pháp trái chiều nhau. Một bên chú trọng sức khỏe, muốn tiếp tục chạy chữa để tạo cơ hội giải cứu. Bên kia lại khăng khăng vin vào luật lệ và giấy phép xuất cảnh, cho rằng cần đưa gấp qua biên giới. Trao đi đổi lại không ngã ngũ, rốt cuộc thì phía bệnh viện chịu nhượng bộ vì không tiện can thiệp sâu vào nội bộ của ta. Các bác sĩ điều trị nén thương cảm chia tay Phương. Jan được báo tin nhưng đành chịu bó tay do quá gấp gáp và xa xôi. Theo Jan , các thầy cô và bạn Phương đều kinh ngạc và bất bình khi nhận tin dữ. Bản thân Jan từng nhiều lần phàn nàn trách móc rằng Tiệp Khắc đã hết lòng ủng hộ Việt Nam như vậy mà cơ quan đại diện VN lại hẹp hòi đến mức cấm đoán, không cho phép một cô gái Việt yêu một sinh viên TK.
Mátxcơva nằm ở vĩ độ cao hơn Praha nên vào hè rồi mà vẫn lạnh. Ăn sáng xong chúng tôi đưa nhau xuống metro. Ở đây các ga tàu điện ngầm không chỉ là công trình giao thông mà còn là kiệt tác nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ. Chúng tôi dạo Quảng trường đỏ, ngắm Tháp Kremli, ngó nghiêng cửa hàng bách hóa, mua ít quà lưu niệm như búp bê, lật đật, matriôsca .... cố giúp Phương khuây khỏa, giải tỏa nỗi u uất chất chứa trong lòng. Song xem ra các cố gắng ấy vẫn chưa đủ để khỏa lấp, xua tan những ưu phiền. Dạo bước giữa trung tâm thành phố kì vĩ, tráng lệ mà mặt mày Phương buồn rười rượi, hồn vía vẫn vương vấn với chân trời xa xăm. Thi thoảng những luồng gió lạnh cũng giúp hạ nhiệt đầu óc và con tim nóng bỏng. Ngoảnh lại, một chặng đường gai góc đã khuất sau lưng.
Chẳng rõ do trời phù hộ hay tình cờ đưa đẩy, trên đường đi Bắc Kinh chúng tôi có vé cùng buồng với một thanh niên Thụy Điển. Chàng trai trạc tuổi Phương trông dáng bảnh bao, đôi mắt xanh lôi cuốn, chòm râu quai nón ngộ nghĩnh, vui tính và cởi mở. Hàng ngày lướt trên các trang báo cánh tả thấy lắm điều kì lạ khó hiểu, chẳng hạn như “ cách mạng vô tội, tạo phản có lí....” không rõ thực hư nên quyết định đích thân đi tìm hiểu cách mạng văn hóa. Dường như anh ta làm Phương liên tưởng đến Jan, họ hợp gu nhau, có lúc cùng uống trà , ngắm phong cảnh, có lúc khoe với nhau tranh ảnh cùng những kỉ vật hoặc giở bản đồ chỉ trỏ những thành phố, dãy núi, dòng sông. Thỉnh thoảng chúng tôi xen
vào gỡ bí từ ngữ hay nối lời cho câu chuyện giữa đôi bạn trẻ thêm phần rôm rả. Nhờ vậy mà cả ba chúng tôi đều có dịp thư giãn, nghỉ dưỡng sức và mấy ngày liền nhẹ nhõm trôi đi như trước đó chưa hề có chuyện động trời, hồn xiêu phách lạc. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên hú họa nhưng gây ấn tượng tốt đẹp ấy còn hiệu nghiệm hơn cả một liệu trình tâm lí tốn kém. Đôi trai gái vui vẻ và lưu luyến tạm biệt nhau sau khi ghi lại những dòng cảm tưởng thân ái. Phương bước xuống sân ga vẫy chào bạn, vẻ mặt hân hoan tươi tỉnh.
Ga Bắc Kinh sạch sẽ ngăn nắp khác hẳn dạo tôi tốt nghiệp đại học năm 1965, không còn ngập ngụa rác rưởi do hồng vệ binh để lại trên đường đi “ bắt rễ xâu chuỗi cách mạng” miễn phí khắp cả nước. Chúng tôi thăm chớp nhoáng danh thắng thế giới Thiên An Môn và Cố Cung. Cuốc bộ dọc đại lộ Trường An thấy toàn là xe đạp Phượng hoàng, họa hoằn lắm mới xuất hiện dăm ba chiếc ô tô đời cũ. Phố xá tiêu điều, cả thành phố dồn lại họa chăng mới bằng góc nhỏ của phố thương mại Vương Phủ Tỉnh sầm uất ngày nay. Ghé mấy cửa hàng thuốc bắc tìm mua đôi ba thứ đông dược ở nhà chuộng như hà sa đại tảo hoàn, thập toàn đại bổ, lục thần hoàn.... Dẫu sao kiểu dáng kiến trúc cung đình, phong cách ẩm thực Á Đông đã gợi Phương nhớ tới thuở ấu thơ trên quê hương cố đô Huế.



Tinh mơ, gió cát từ sa mạc Gôbi ngừng thổi. Xe sứ quán tiễn chúng tôi ra ga đông Bắc Kinh. Đường về phương nam phong quang nhộn nhịp, dịch vụ chu đáo tươm tất. Qua khỏi Trường Giang thì thời tiết ấm áp, cây cối xanh tươi, sắc màu rực rỡ. Hơn mười ngày đêm con tàu không mệt mỏi lao qua muôn dặm, cứ vô tình một mực đẩy Phương mỗi lúc một xa cái khoảnh khắc định mệnh mà hễ nhớ tới Phương lại rùng mình khiếp đảm. Vào những đêm khuya khoắt thanh vắng khi cơn bão táp dữ dội đã lắng dịu, lòng Phương đã nguôi ngoai, ngắm nhìn vầng trăng khuyết héo úa treo lơ lửng cuối trời cùng những quầng sáng lạnh lẽo xa gần hắt bóng huyền ảo lên khung cửa kính buồng nằm, từ trong sâu thẳm tâm hồn, Phương than thân trách phận, nuối tiếc năm tháng sôi nổi tươi đẹp đã qua, cảm thấy ăn năn hối hận, giá như mình suy nghĩ chín chắn hơn, biết lắng nghe cơ thể tốt hơn, không trót dại và nhẹ dạ cả tin thì chắc sự đời vẫn bằng lặng êm xuôi chứ đâu đến nỗi trắng tay như bây giờ. Tất cả mọi thứ trong tầm tay đều đã trở nên xa vời như áng mây trôi. Than ôi, mới bốn năm trước cũng con tàu này chạy ngược đưa Phương đến đỉnh cao sung sướng thì giờ nó chạy xuôi đẩy Phương xuống hố sâu buồn bã. Oái oăm thay, người mình tha thiết mong được gần gũi thì buộc lòng phải rứt ruột lìa xa. Ngược lại, lẽ ra việc học hành đòi hỏi phải kìm nén nỗi nhớ nhung xa quê hương thêm vài năm nữa thì giờ đây khoảng cách với bản quán đang rút ngắn từng cây số một. Ước gì mình có phép mầu đảo chiều thời gian. Càng gần đến nhà lòng Phương càng trĩu nặng suy tư, ngại ngùng. Liệu rồi đây cuộc sống, học hành sẽ ra sao, ở với bố hay mẹ, có ngẩng mặt được với chúng bạn... Thôi thì thây kệ, mọi sự đành phó mặc cho số mệnh an bài.
Mải miết đắm mình trong ngẫm ngợi triền miên, chưa kịp để mắt đến non xanh nước biếc hữu tình, đồi núi trập trùng ngoạn mục thì đoàn tàu đã rúc còi vào ga Đồng Đăng lúc nào không hay. Anh trai Phương từ Hà Nội lên đón, niềm vui xen lẫn tủi khổ, ngượng ngùng. Có thêm bạn đường tin cậy, chúng tôi vững tâm, cảm giác đơn độc lẻ loi nhanh chóng biến mất. Gần đến sông Thương, bức tranh làng quê điển hình của miền xuôi, cánh đồng lúa chín bao bọc những nếp nhà dưới lũy tre xanh cuốn hút tầm nhìn của Phương và mang đến niềm sảng khoái cho cả mấy anh em. Đoạn cuối hành trình tàu lăn bánh chậm rãi trên cầu Long Biên. Được ngắm nhìn sông Hồng cuồn cuộn phù sa, lấp lánh dưới ánh nắng hè, bãi bồi xanh mướt nương dâu vườn chuối, tấp nập trên bến dưới thuyền, phố cổ ven sông mái ngói rêu phong , chật chội đông đúc, Phương mới từ tâm trạng hẫng hụt bâng khuâng chuyển sang xao xuyến rộn rã rồi bừng tỉnh sau một khúc đoạn ác mộng dài.
Trái với khung cảnh mưa gió, vắng lặng lúc xuất phát, ga Hàng Cỏ chan hòa ánh nắng , chen chúc náo nhiệt. Những ánh mắt ngời sáng, khuôn mặt rạng rỡ, những bông hoa tươi thắm hăm hở trông đợi phút hội ngộ với người thân phương xa. Người yêu đón tôi tận cửa toa, tay nắm chặt tay, bốn mắt nhìn nhau, vừa ngậm ngùi ngấn lệ buồn tủi vừa khôn xiết vui sướng mừng rỡ. Chúng tôi giúp chuyển hành lí rồi chia tay với anh em Phương, hẹn ngày gặp lại vui vẻ hơn. Vậy là sau một quãng đường dài ngọt bùi hoạn nạn cùng chia sẻ, giờ đây mỗi người mỗi ngả. Dõi theo bước chân ngập ngừng của Phương ra khỏi ga cho đến lúc khuất, tôi không khỏi băn khoăn ái ngại, dư âm chuyến đi vẫn còn lắng lại.
Trọn mười ba ngày đêm đồng hành cùng Phương trên chuyến tàu hỏa liên vận xuyên lục địa Âu-Á với biết bao biến cố kinh hoàng đối với tôi không chỉ là một trải nghiệm hiếm hoi đầy kịch tính mà còn là bài học đường đời thấm thía và chua xót không thể nào quên.
Tưởng chừng bấy nhiêu đã quá ngưỡng chịu đựng của Phương. Ai dè chuỗi ngày tháng tiếp theo số phận hẩm hiu vẫn đeo bám, không chịu buông tha. Chấn động tâm lí quá mãnh liệt, tế bào thần kinh bị tổn thương nặng nề dẫn đến di chứng và bệnh lí trầm trọng. Đã vậy, điều ra tiếng vào, sự đồn đại thêu dệt của hàng xóm láng giềng cũng tai ác. Bởi thời ấy đi nước ngoài là cơ may, bổng lộc hi hữu nên từ chốn nhung lụa quay về nửa chừng bị coi như lính đào ngũ. Đấy là chưa kể luôn phải đối mặt thường xuyên với cuộc sống chật vật thời sổ gạo và tem phiếu. Chút ít dành dụm ki cóp được nhờ công tần tảo sớm hôm của bố mẹ cũng hao hụt trông thấy, dè sẻn cũng chẳng được mấy nỗi. Tinh thần không ổn định cộng với gia cảnh thiếu trước hụt sau khiến cánh cửa học tiếp nghiễm nhiên bị khép lại. Áp lực dai dẳng cả hữu hình lẫn vô hình từ nhiều phía tác động lên hệ thần kinh vốn quá đỗi mẫn cảm lại bị hủy hoại ghê gớm tựa hồ một chủng virút độc hại ăn mòn, gặm nhấm dần mọi kháng thể yếu ớt còn lại. Phương trở nên cuồng trí, không làm nổi việc gì ra hồn. Lúc thì phụ việc vặt vãnh cho mẹ, lúc thì nương náu tạm bợ dưới mái chùa cùng cha. Có ngày lởn vởn vật vờ ở bến xe, có ngày ôm mèo lang thang giữa phố. Lạ thay, hỏi tiếng Việt thì làm ngơ
nhưng nói tiếng Séc thì đối dáp rành rẽ. Thời kì này hầu như đêm nào Phương cũng tỉnh táo, trằn trọc thao thức, không thể chợp mắt, lương tâm bị giày vò dằn vặt vì chạnh lòng nhớ tới mối tình tan vỡ, vì sự bồng bột nông nổi của bản thân đã chồng thêm biết bao nhọc nhằn khổ ải lên đôi vai gầy còm cũng như gieo thêm muôn vàn phiền muộn âu lo vào con tim suy nhược của bố mẹ ở tuổi mãn chiều xế bóng. Nhiều cơn mưa đêm dội buốt giá tái tê cõi lòng, cuốn trôi mọi khát vọng, hắt Phương xuống tận cùng của vực thẳm sụp đổ.
Bẵng đi một dạo, vào một ngày cuối thu, trên đường về quê vợ Tả Thanh Oai, tôi gặp lại Phương ở quán nước ven đường dưới tán bàng úa vàng xơ xác. Thảm hại quá chừng, giá như không ai báo giùm, tôi không tài nào nhận ra trước mắt tôi là Phương của ngày ấy, trông thiểu não tiều tụy hết chỗ nói. Bế tắc cùng quẫn đã bòn rút kiệt quệ xương thịt và cân não. Định thần quan sát tỉ mỉ trong ánh nắng xế chiều, tôi mới chợt nhận ra trong đáy mắt Phương vốn là nơi phản chiếu và lưu giữ trung thực sắc màu không gian, vẫn rơi rớt lại chút dư ảnh của quá khứ thanh xuân khác nào ráng chiều le lói cuối đường chân trời vào khoảnh khắc ngày tàn để rồi nhường chỗ cho màn đêm thăm thẳm mịt mùng. Không đủ can đảm nán lại thêm, tôi lẳng lặng đặt vào lòng bàn tay gầy guộc của Phương chút quà nhỏ mọn rồi lên đường, ngậm ngùi luyến tiếc một thân phận tàn lụi chóng vánh.
Chẳng bao lâu sau, giữa tiết đông lạnh giá, một cơn tâm thần hoảng loạn đột biến ập tới cùng trạng thái hoang tưởng mất kiểm soát làm đầu óc nhức nhối như búa bổ, ruột gan bỏng rát như lửa thiêu, xui khiến đôi tay Phương quờ quạng mớ dây điện thít chặt lấy cổ họng cho đến nghẹt thở, kết liễu một số kiếp bất hạnh và bi đát ở một nơi chẳng mấy ai ngờ tới.
Màu thời gian hờ hững nhuộm trắng những mái đầu xanh, biến dạng mọi đường nét trẻ trung. Bụi thời gian phũ phàng chôn vùi bóng dáng cùng gót chân người ra đi. Tôi tĩnh tâm chìm đắm trong hoài niệm và nhờ các bạn Đào Hoa, Văn Hùng, Quỳnh Lan, Mạnh Lân, Kim Miên từng là bạn học cùng thời với Phương và Jan tận tình giúp đỡ, chia sẻ nhiều thông tin và hình ảnh, chấp bút viết nên mẩu chuyện thương tâm này, mạn phép coi như nén hương thơm cùng vài nhành huệ trắng muộn màng đặt trên phần mộ người con gái xấu số.
Nguyện cầu cho oan hồn Phương thanh thản nơi chín suối, cho vong linh Phương siêu thoát cõi bờ hư vô, hóa thân vào những hồi chuông cầu siêu ngân nga gióng giả, thức tỉnh lương tri và thiện tâm, sám hối tội lỗi và đẩy lùi mọi u tối cho mọi số phận đều hướng tới ngày mai tươi sáng.

Nguyễn Đăng Khê
(Cựu NCS ČVUT Praha)
Viết xong 12/05/2012, chỉnh sửa 30/10/2015.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

MẠNG CŨNG CHẢ CÒN, TIỀN ĐỂ LÀM GÌ CHỨ?

Một nhà tỷ phú khi phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được nữa, ông cầm tiền vung ra khắp bệnh viện và hét lên: "Mạng cũng chả còn, tiền để làm gì chứ?". 
Lúc này, tiền đối với ông bất quá cũng chỉ là một tờ giấy. 

+ Bài học rút ra: 

Sức khoẻ là số 1, không có sức khoẻ, những thứ khác như tiền tài, danh vọng, địa vị, sĩ diện, quyền lực, phụ nữ đẹp, xe hơi, nhà lầu.. cũng đều là phù du. Nếu như không có nhiều tiền thì bạn cũng nên chú ý đến sức khỏe của mình, bằng cách ăn đủ, ngủ yên. Làm việc chăm chỉ, tự nhiên tiền sẽ đến, còn sức khỏe không biết chăm lo thì bạn cũng sẽ trắng tay. 

Một sự việc khác xảy ra, một ông đại gia khác không may mất sớm, người vợ đem 19 tỷ thừa kế đi lấy anh tài xế lái xe của đại gia. Anh lái xe trong lúc hân hoan phát biểu: "Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết ông chủ cũng ngang bằng với mình thôi". 

+Bài học rút ra:
 

Sống lâu không quan trọng, quan trọng hơn là trẻ trung và khỏe mạnh. Mọi người nên tăng cường luyện tập, chú ý chăm sóc sức khoẻ, cuộc đời này không biết trước ai sẽ làm thuê cho ai vào phút chót. 

Một chiếc điện thoại cao cấp: 70% chức năng là dư thừa. 
Một chiếc xe hơi hạng sang: 70% tốc độ là dư thừa. 
Một căn biệt thự sang trọng: 70% diện tích là trống trải. 
Một căn phòng chứa đầy quần áo thời trang mỹ phẩm: 70% không mấy khi dùng đến. 
Một đời người, cho dù kiếm thêm nhiều tiền nữa: 70% để lại cho người khác tiêu xài. 

+Bài học rút ra: Cuộc sống vốn dĩ giản đơn, hưởng thụ cuộc sống trong khoảng 30% là được. 

Và cuộc đời như một cuộc đua. Nửa hiệp đầu chạy đua với bằng cấp, quyền lực, địa vị, thành tích, lương bổng. Nửa hiệp còn lại chạy đua với huyết áp, mỡ máu, đường huyết, cholesterol... Chúc bạn trước sau như một, thắng trận cả hai. 

LỜI KHUYÊN SAU CÙNG:
 

Một chiếc áo giá 2 triệu, giá niêm yết có thể chứng minh. 
Một chiếc xe 1 tỷ, hoá đơn xuất kho có thể chứng minh. 
Một căn hộ 5 tỷ, bất động sản có thể chứng minh. 
Một con người, rốt cục đáng giá bao nhiêu tiền? Duy nhất chỉ có SỨC KHỎE mới có thể chứng minh. 
Vì vậy, bạn đừng lôi máy tính ra tính toán bạn đã tiêu bao nhiêu tiền cho SỨC KHOẺ của mình. 
Bởi vì bạn không tiêu bây giờ thì cũng phải tiêu cho sau này. 
Quyền lựa chọn là ở bạn, có SỨC KHOẺ bạn có TÀI SẢN. 

Còn bạn không có sức khoẻ, mọi thứ cũng trở thành... DI SẢN. 

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Của Việt Nam

Hoàng Sa, Trường Sa là của dân tộc Việt Nam!

Bài học để lại

Người con trai đưa cha già vào nhà hàng ăn tối.
Người cha già nua yếu ớt khi ăn cứ làm rơi vãi đồ ăn lên quần áo. Khách các bàn ăn chung quanh ai cũng liếc nhìn ông ta không dấu vẻ ghê tởm, nhưng chàng trai vẫn điềm tĩnh như bình thường.
Ăn xong, anh con trai không một chút lúng túng, lặng lẽ đưa cha mình vào phòng vệ sinh, lau sạch các mẩu đồ ăn, các vết dơ, chải lại mái tóc bạc cho cha, sửa lại cặp kính lão cho ngay ngắn trên sống mũi cha. Khi họ trở ra, cả nhà hàng im phăng phắc nhìn hai cha con họ, không hiểu sao lại có người có thể làm cho tất cả mọi người đều ngượng nghịu chung như thế.
Người con trai trả tiền bữa ăn xong, rồi dìu cha ra về. Lúc ấy, một người đàn ông lớn tuổi trong số các thực khách buột miệng gọi với theo người con, ông ta hỏi:
“Anh bạn trẻ này, anh có nghĩ là anh để quên lại cái gì ở đây không vậy ?”
Chàng trai liếc nhanh chỗ ngồi ban nãy rồi trả lời:
“Dạ thưa ông không, cháu không có để quên lại cái gì ở đây cả ạ…”
Người đàn ông nhẹ nhàng bảo:
“Có, anh đã để lại nơi đây một bài học cho tất cả những ai làm con, và để lại niềm hy vọng cho tất cả những ai làm cha”.
Cả nhà hàng chìm vào im lặng.
A lesson left behind
A son took his old father to a restaurant for an evening dinner.
Father being very old and weak, while eating, dropped food on his shirt and trousers. Others diners watched him in disgust while his son was calm.
After he finished eating, his son who was not at all embarrassed, quietly took him to the wash room, wiped the food particles, removed the stains, combed his hair and fitted his spectacles firmly. When they came out, the entire restaurant was watching them in dead silence, not able to grasp how someone could embarrass themselves publicly like that. The son settled the bill and started walking out with his father.
At that time, an old man amongst the diners called out to the son and asked him, "Don't you think you have left something behind?".
The son replied, "No sir, I haven't". The old man retorted, "Yes, you have! You left a lesson for every son and hope for every father". The restaurant went silent.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

THÙ KHÔNG CẦN TRẢ, NHƯNG ƠN THÌ NHẤT ĐỊNH PHẢI TRẢ

Không sợ những kẻ khốn nạn với mình
Mà phải sợ những người giúp mình mà minh ko trả ơn cho người ta
Điều khó nhất là gì?
Vay tiền!!
Người có thể cho bạn vay tiền, nhất định là quý nhân của bạn.
Không những cho bạn vay tiền, mà còn không cần đặt ra điều kiện gì cho bạn
Chắc chắn là quý nhân trong các quý nhân.
Ngày nay, những người như vậy không còn nhiều. Nếu gặp được, nhất định phải một đời trân trọng.
Người cho bạn vay tiền khi bạn gặp khó khăn, không phải là người ta lắm tiền, mà là muốn giúp bạn một tay.
Thứ người ta cho bạn vay không phải là tiền, mà là lòng tin, sự tín nhiệm, sự khích lệ, là tin tưởng vào năng lực của bạn, là đánh cược vào bạn-của-ngày-mai.
Mong bạn bè tôi dù thế nào cũng đừng dẫm đạp lên hai chữ "thành tín". Thất tín chính là phá sản lớn nhất của đời người! Hãy trân trọng!
Người bạn trung thực chính là tài phúc của kiếp này!
Đồng thời, xin bạn hãy nhớ
Người hay chủ động thanh toán tiền, không phải do ngu ngốc lắm tiền, mà là người ta coi bạn bè quan trọng hơn tiền bạc.
Người mà khi cùng làm việc nhóm biết bỏ qua lợi ích cá nhân, không phải do đần độn, mà là do hiểu được thế nào là chia sẻ.
Người mà khi làm việc tự nguyện chủ động làm nhiều, không phải do ngu ngốc, mà do biết được trách nhiệm.
Người sau khi cãi nhau tự xin lỗi trước, không phải do người ta sai, mà do hiểu được thứ gì mới đáng để trân trọng.
Người tự nguyện giúp đỡ bạn, không phải do nợ bạn cái gì, mà do thực sự coi bạn là bạn bè.
Người khác giúp bạn là Tình Cảm, không giúp bạn là Bổn Phận, không có thứ gì là đương nhiên phải thế.
Có bao nhiêu người xem nhẹ đạo lý đơn giản này, thì có bấy nhiêu người cảm thấy đây là điều đương nhiên phải thế.
Càng có những kẻ tự cho mình thông minh, đến mức diện mạo cũng hiện lên sự xảo trá;
Loại người này, sớm muộn cũng biến mất khỏi cái nhìn của người khác.
Người chân thành, đi là đi vào lòng người.
Người giả dối, đi là đi khuất mắt luôn.
Nếu người ta gặp nhau trong kiếp này gọi là duyên phận, vậy thì người với người sống chung được với nhau, đều dựa vào chân thành và tín nghĩa
Trở thành loại người như thế nào, đều do sự sâu sắc trong suy nghĩ của mỗi người."

Em nho nhỏ xinh xinh

Em nho nhỏ xinh xinh
Dịu dàng và ấm nóng
Em lừng hương lan tỏa
Ấm trời thu mong manh
Anh thích đặt môi anh
Lên môi em thơm nhẹ
Anh thích ngồi quán nhỏ
Với em trong bàn góc
Lặng im và suy tư
Anh xoay xoay mình em
Nâng lên rồi đặt xuống
Nhẹ nhàng và êm ru
Em gợi nhớ mùa thu
Đắng lòng, em cũng đắng
Anh ngồi trong im lặng
Uống em vào trong tim
Em lại lên não tím
Anh tìm em mùa đông
Em lại sang mùa hạ
Đêm về anh mất ngủ
Nhớ em và nhớ em
Em – tách cà phê nhỏ
Tại góc quán phố quen