Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Thầy, trò

Hồi bé đi học, tôi nhớ đến trường gọi thầy giáo là thầy và xưng con. Thầy vẫn cầm thước kẻ quật vào tay con nếu viết không đúng dòng kẻ. Phụ huynh không ai dám kêu ca một tiếng, vì nghĩ rằng thầy có thương thì thầy mới đánh. Như cha dạy con vậy.
Hai ba năm sau, trò không xưng con nữa mà xưng em. Thầy gọi trò là em và không còn chuyện đánh học sinh nữa. Nhưng có thêm tiết mục quỳ trên bục hay đứng úp mặt vào tường. Giáo dục XHCN mà.
Sang Tiệp học, từ thầy giáo đến người dân gọi tôi là "ông", hay "ngài" (pane). Con gái thì được goi là cô (slečno). Cũng có lúc người ta gọi là đồng chí (soudruhu), nhưng rất ít khi. Nhất là sau lễ nhận bằng thì người ta luôn gọi là "ông kỹ sư", "hay ngài kỹ sư" tùy theo mình dịch. Ông nào sang đó cũng dùng từ đó thôi, thủ tướng hay tổng thống cũng thế.
Về công tác ở trường đại học. Thầy trò gọi nhau là đồng chí. Sinh hoạt liên chi đoàn, học sinh là đảng viên, còn thầy đang phải phần đấu, bị phê bình cứ nhũn như con chi chi.
May mắn được cái học bổng sang Pháp. Ở đó người ta gọi mình là ông, là ngài, "me sừ" (monsieur). Các cô gái thì được gọi là cô (madmoiselle) hay có chồng thì gọi là bà (madame).
Không hiểu tất cả những cái đó có liên quan gì đến tình trạng giáo dục hiện nay. Nhưng khi nhìn cái khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", tôi thấy rỗng tuếch.
Tôi có một người thầy khả kính. Cuồi đời thầy mở trường tư thục và mời tôi tham gia. Tôi bận không tham gia được, nhưng nghe ý tưởng của thầy thì nhân văn lắm, cao siêu lắm nên tôi làm được gì giúp thầy thì tôi cố làm. Thế rồi vài năm sau, bạn tôi đem con gửi gắm thầy và chứng kiến cảnh đau lòng Phụ huynh kéo đến cãi nhau tay đôi với thầy hiệu trưởng...
Còn ở trường tôi, một hôm có anh bạn đồng nghiệp ra ngồi quán chè xanh, nghe học sinh vanh vách kể chuyện với nhau về đời tư của chính mình, có những chuyện chẳng hề có, trong khi thầy ngồi đó mà chúng chẳng hề biết mặt.
Chuyển sang trường khác. Có hôm một thày giáo trẻ vì nhắc học sinh mất trật tự mà nó chẳng nghe thấy, bèn ném một cục phấn vào người nó. Nó bèn rủ thầy ra ngoài phố tay bo (để khỏi mang tiếng trường!). Thầy thì bị xúc phạm quá, không chịu đuợc muốn chơi luôn, may mà tôi ngăn lại .Tôi bảo là thầy không có bảo hiểm khi đánh nhau với học trò đâu. Chuyện tưởng dừng ở đó. Không ngờ mấy hôm trước nghe kể lại là thầy đi trên phố bị học sinh đuổi đánh bằng gậy.
Cũng có một chuyện mà tôi thấy mát lòng. Năm ở Canada về, tôi có mang theo chiếc USB 8Gb. Lúc đó ở ta còn hiếm lắm. Nó giúp tôi rất đắc lực trong giảng dạy. Nhưng một hôm, sau giờ ra chơi, tôi thấy chiếc USB cắm trên máy tính của mình bị đổi bằng một chiếc USB 2Gb.
Tôi nói với học sinh là thầy đau lòng lắm. Thầy đi dạy 30 năm rồi, sao lại bị học sinh đối xử thế này. Sau đó tôi mớm lời cho mấy thầy giáo trẻ, tuyên truyền là "với trình độ của thầy ấy thì thừa sức biết cái USB 2Gb ấy của ai". Nói vậy thôi chứ tôi cũng không làm được gì. Phục hồi toàn bộ các tệp bị xóa trên USB của học sinh, tôi chỉ thu được một thông tin đáng chú ý. Đó là bức ảnh của một cô gái trẻ rất xinh.
Chiều hôm sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại, từ bốt điện thoại công cộng. Người gọi cố tình làm méo tiếng mình.
- Thưa thầy, em là học sinh của thầy, đã trót dại... Em xim mang trả lại thầy cái USB.
Tôi bảo em là không có vấn đề gì. Em gọi cho thầy như thế này là tốt lắm rôi. Thầy sẽ giữ kín chuyện này.
Và hôm sau, em học sinh đó đã đến gặp tôi, rất ăn năn xin lỗi. Tôi tiếp em như khách và khuyên nhủ em, động viên em.
Đến nay thì tôi đã quên tên, quên mặt em học sinh đó. Nhưng tôi vẫn thầm mong em ra đời thành đạt.
Kể lại những điều này, tôi muốn nói một điều là trong giáo dục, để có thể dạy học sinh nên người, điều tối quan trọng là thấy phải tôn trọng trò và trò phải tôn trọng thầy. Quan hệ thầy và trò không phải quan hệ kẻ cho người nhận, mà là tình thân gia đình và đối đãi nhau với lòng tôn kính.
Chúng ta có thể chê học sinh thời nay, có thể chê phụ huynh học sinh thời nay. Nhưng họ đều đã đi ra từ cái lò giáo dục của chúng ta!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét