Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

ĐẾN BAO GIỜ VN MỚI HẾT TƯ DUY ĐỊCH-TA?

Sự kiện Doanh nghiệp Việt Nam mất hợp đồng 2 tỷ Mỹ Kim may quân trang cho quân đội Hoa Kỳ đang làm xôn xao cộng đồng mạng mấy ngày vừa qua, đặc biệt làm cho giới kinh doanh xuống tinh thần vì luật lệ cứng ngắc của HN (Dùng lại từ của tờ Thời báo Phương Đông giật tít. HN hay Chính phủ mới là đúng? Nhẽ còn phải bàn thêm nhưng không phải trong bài viết này) làm tôi nhớ lại một sự kiện cũng không kém gay cấn mấy chục năm trước.

http://phuongdongtimes.com/tin-tuc/tin-viet-nam/doanh-nghiep-bi-mat-don-hang-2-ty-my-kim-vi-luat-le-cung-ngac-cua-ha-noi/

Hẳn những ai thường xuyên đọc báo, theo dõi mảng điện ảnh còn nhớ vụ Đạo diễn Olive Stone năm 1993 đã dứt khoát từ bỏ ý định quay bộ phim “Trời và Đất” lấy bối cảnh ở Đà Nẵng –Việt Nam để rồi ông lại thực hiện bộ phim này tại một nước châu Á khác. Đạo diễn Olive Stone cũng chính là đạo diễn bộ phim nổi tiếng “Sinh ngày 4 tháng 7” được chiếu trên kênh VTV1 nhiều lần.

Bộ phim “Trời và Đất” đươc chuyển thể từ cuốn tự truyện của cô gái Đà Nẵng có tên Lệ Lý trong thời chiến tranh, câu chuyện xảy ra trước năm 1975. Sau này, cô Lệ Lý có thêm một cái tên Mỹ là Hayslip.

Câu chuyện bộ phim “Trời và Đất” gặp trở ngại ở VN có thể được tóm tắt như sau.
Vì Lệ Lý là người Đà Nẵng nên Olive Stone rất muốn lấy bối cảnh làng quê Đà Nẵng là nơi sinh ra cô cho sát với thực tế và cũng là tiêu chí làm việc của hầu hết các đạo diễn tên tuổi trên thế giới. Mất khá lâu thì Olive mới có được cuộc hẹn với vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ văn hóa lúc ấy do nhạc sĩ Trần Hoàn làm bộ trưởng. Sau một hồi trao đổi thì vụ trưởng hợp tác quốc tế mới nói rằng bộ trưởng muốn được kiểm duyệt kịch bản trước khi cấp phép. Olive Stone lúc ấy đã cố giữ bình tĩnh để nói lại với vụ trưởng vụ HTQT với cái cười nửa chua chat, nửa chế giễu rằng “Ở nước Mỹ, đến tổng thống cũng không được quyền can thiệp vào kịch bản của tôi.”

Sau đó, Olive Stone đã nhanh chóng rút lui để lại sự tiếc nuối của biết bao nhiêu người VN hâm mộ điện ảnh Mỹ. Nghe đâu, phim “Trời và Đất” lúc bấy giờ dự kiến chi 40 triệu USD. Việt Nam mất một cơ hội được quảng bá với thế giới bằng kênh văn hóa, những người làm phim VN mất cơ hội được học hỏi kinh nghiệm làm phim của nước Mỹ -thường được gọi kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới. Người làm công VN mất cơ hội làm việc cho một hãng phim… chỉ vì một yêu sách rất không hợp lý, hợp thời.

Trở lại với sự kiện Doanh nghiệp bị vuột mất hợp đồng 2 tỉ Mỹ kim với lý do “mẫu hàng cấm nhập cảng theo quy định của Bộ Quốc phòng” xem ra đến 40 năm rồi tư duy “Địch – Ta” vẫn còn cháy ngùn ngụt tưởng như không bao giờ nguội của giới lãnh đạo. Tôi muốn nhìn một cách nhẹ nhàng, có phải đây là tình trạng quan liêu với những chính sách, quy định không còn phù hợp của giới lãnh đạo, quốc hội chưa có sự điều chỉnh kịp thời khiến cho không những doanh nghiệp nói riêng mà còn cả công dân nói chung phải điêu đứng? Hoặc có thể quy định bị quên lãng vì không có trường hợp nào va chạm nên lãnh đạo không kịp thay đổi dù rất lãnh đạo rất muốn? Vì vậy nếu có thay đổi thì cũng phải chờ ý kiến của các cấp còn khuya ông mặt trời mới có thể giải quyết hay không?

Nhưng như thế thật không đúng với thực tế.

Trên các báo, đài, phương tiện truyền thông bất cứ ai cũng có thể gặp cụm từ “đề phòng thế lực thù địch”. “Thù địch” là ai? Nếu không phải để ám chỉ những người dám phản biện một dự án, một kế sách, một công trình điên rồ?

Mấy năm trước, Nhạc sĩ Phạm Duy được phép về VN theo ý nguyện, đã có bao nhiêu công văn đòi kiểm duyệt các bản nhạc của ông, bao nhiêu quyết định cấm phát hành những bản nhạc của ông sáng tác từ trước năm 75, hẳn nhiều người còn nhớ.

Đến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một nhạc sĩ từ “địch” theo “ta” cũng không thoát khỏi vòng kiểm duyệt bởi những cái đầu ám ảnh tư duy Địch – Ta. Cho đến tận bây giờ một số sáng tác của ông vẫn chưa được phát hành.

Những cái đầu tư duy Địch – Ta này thực ra chỉ giống như cái máy cát xét của đội quân bán hàng rong tua đi, tua lại giọng ca “hòa hợp dân tộc, hòa nhập WTO” trong các sự kiện ngoại giao nghe rất nhàm nhưng chẳng mảy may thực hiện được chút xíu nào.

Ngày xưa, Khánh Ly từng tuyên bố “tôi sẽ chỉ về VN khi cùng với cả nghìn người như tôi đã từng phải rời bỏ quê hương” nhưng rồi năm trước, năm nay chúng ta thấy Khánh Ly đều đặn trở về.

Phải chăng những Phạm Duy, Khánh Ly đã thay đổi nhận thức? Còn thực tế mấy cái đầu "tư duy Địch – Ta” chưa chắc đã cởi lòng, cởi dạ chân thành. Thì đó, cứ nhìn vào những vụ cấp phép biểu diễn cho những nghệ sĩ buộc phải xa quê hương trước năm 75 thì rõ.

Bỗng dưng tôi nhớ tới những gia đình miền nam có ít nhất hai người phục vụ cho hai chế độ. Có nhà thì bố theo Việt Cộng, con theo Cộng Hòa. Có nhà thì em theo Việt Cộng, anh theo Cộng Hòa. Họ đã làm thế nào để hòa hợp?

Bỗng dưng tôi nhớ đến Hàn Quốc, một đất nước cũng bị chia cắt bởi nội chiến Nam-Bắc hiện đang có cả một bộ Thống nhất sẵn sàng giải quyết các vụ việc và hướng tới hòa hợp Nam Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Hàn Quốc đã nghĩ gì nhỉ?

Tôi bỗng ước ao mẹ Thứ, một người mẹ có 9 đứa con trai hy sinh trong chiến tranh còn sống để tôi hỏi mẹ một câu, có thể câu hỏi thuộc dạng bất nhẫn “Là người mẹ, Mẹ nghĩ gì về những đứa con của hai chế độ và "tư duy địch ta”?. Nếu mẹ trả lời, hẳn lớp con cháu chúng ta không còn bị lúng túng trong đám tơ vò của lối "tư duy địch –ta” vô nghĩa đó.

Có một điều chắc chắn rằng, VN sẽ không thể kém cỏi nếu "tư duy địch-ta” được thay đổi từ các cấp lãnh đạo.

Chũm 23/6/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét