Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Nhân ngày 30/4 - “Đừng độc quyền yêu nước”*

Cuộc chiến tranh khốc liệt và kéo dài nhất lịch sử Việt Nam đã qua đi 40 năm. Những người lính cầm súng năm nào nay đang nghỉ hưu, dưỡng lão, an bài với cuộc sống thực tại của mình. Con cái của họ kế tục là lực lượng lao động quan trọng nhất cùng chung tay dựng xây đất nước Việt Nam. Trên trường quốc tế Việt Nam hội nhập thành công, phát triển, bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước trên toàn thế giới. 
Dân tộc Việt Nam hiểu rõ nhất hậu quả của chiến tranh cũng vì vậy là một dân tộc khát khao nhất với Hòa bình. Mọi vết thương không thể hàn gắn ngay trong chốc lát mà cần có thời gian lành da, thắm thịt, quên đi nỗi đau vô cùng tận của mất mát đau thương. Nếu là con người ai cũng có khối óc và trái tim vì vậy không thể nói kẻ thắng, người thua ai đau khổ hơn ai.
Vì nhiều lý do chúng ta né tránh, ngại ngùng thậm chí ngăn cản va chạm với các vấn đề nhạy cảm của xã hội: Hòa giải dân tộc.
Dân tộc Việt Nam lúc này có cường thịnh, mạnh mẽ tiến lên ấm no hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào khối đoàn kết dân tộc mà then chốt vẫn là Khép lại quá khứ, Hòa hợp dân tộc. Xin hãy mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt, cho tương lai Việt để gần trăm triệu con dân nước Việt được chân tình bắt tay nhau, ôm hôn nhau thân thiết như trong một gia đình. Để ngày 30/4 hàng năm không chỉ là ngày Thống nhất mà còn là ngày Hòa hợp dân tộc. Tất cả chúng ta đều yêu đất nước này, sống chết vì đất nước này vì vậy tôi xin phép được lấy tựa đề bài phỏng vấn trên Vnexpress của nguyên đại sứ Việt Nam tại Mozambique Đừng độc quyền yêu nước* cho trích đoạn trong tiểu thuyết đường link “3 cuộc đời, chuyện Tây-Ta”, tập 2 (viết năm 2012).
Rất mong được các bạn có những lời chỉ giáo chân thành.
Lâu nay, ta thường thấy một chương trình mà lời thoại chủ yếu là Anh ngữ. Và mặc dù nó đang là thứ ngôn ngữ thời thượng, nhưng cũng như rất nhiều bạn khác, nếu không có lời dịch phụ đề, tôi sẽ chẳng hiểu được gì về cái chương trình phát thường kỳ vào các buổi sáng Chủ nhật này....
Lần ấy cũng vậy, lúc đầu thấy tây ta xì xồ tôi định cho qua, như bao nhiêu lần khác… nhưng dừng lại một lúc rồi, thì không thể rời mắt được nữa. Càng xem càng hấp dẫn vì chủ đề của các cuộc chuyện trò. Để các bạn hiểu ngắn gọn mà không phải lục tìm trên mạng: Talk Vietnam là cuộc hội thoại (tọa đàm) giữa một MC của VTV với các cựu binh Mỹ và gia đình, bạn hữu, con cái đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Suy nghĩ, trăn trở, tình cảm của những con người đã gửi gắm một phần số phận, thân xác của mình trong cuộc chiến tranh kinh hoàng và kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ. Nơi đây hậu qủa chiến tranh còn đè nặng lên tinh thần, thể xác của mỗi con người tham chiến dẫu thời gian qua đi đã hơn 30 năm. Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ và thậm chí trở thành đối tác quan trọng của nhau kể cả trong lĩnh vực kinh tế, quân sự… Tôi nhiều lúc không tin người Việt Nam lại có thể bao dung, độ lượng đến như vậy. Nhưng thực tế vẫn là thực tế. Người Mỹ đi lại tự do, an toàn trên đất nước Việt Nam. Được đối xử bình đẳng, thân thiện, đôi khi “hơi qúa mức”, được chiều chuộng, ưu ái hơn người nước khác. Có thể đem so sánh với người Liên Xô những năm 60 – 80. Chẳng lẽ người Việt Nam quên nhanh vậy sao? Bao thảm kịch gia đình, xã hội, đất nước, vẫn bị nhắc đi nhắc lại qua những thước phim tài liệu một thời. Số người chết, tàn phế, bệnh tật, di chứng từ chất độc màu da cam trong cuộc chiến tranh này thật khủng khiếp, hậu qủa của nó còn đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày… Tôi cũng không thể tin rằng chúng ta lại chính qủa tới mức tha thứ dễ dàng theo như kinh Phật dạy.
Tại sao chúng ta có được “Talk Vietnam?” Từ suy nghĩ đó tôi quyết định phải đi tìm sự thật. Vấn đề không phải là chương trình như bao chương trình khác trên thông tin đại chúng mà ta thường cập nhật để hiểu biết, học tập hay giải trí…
Talk Vietnam tầm cỡ hơn thế nhiều. Nó vượt qua biên giới sang tận nửa bên kia của địa cầu và làm thay đổi nhiều suy nghĩ, quan niệm, hệ tư tưởng con người.
Vẫn biết rằng Talk Vietnam mới chỉ hé mở một diễn đàn mà người đạo diễn là một MC trẻ dẫn dắt chương trình theo đường lối, chính sách của hệ thống chính trị Việt Nam, song mở rộng ra Talk Vietnam sẽ cần đa chiều, đa hệ sao cho những người cựu binh Mỹ có chính kiến khác, cách nhìn khác tham gia sâu hơn sân chơi này. Nó phải thể hiện như “Đấu trường 100”. Tôi tin rằng lúc đó chúng ta sẽ hiểu thật sự vì sao hai quốc gia đã từng đối đầu nhau khốc liệt như vậy lại tìm ra tiếng nói chung, bắt tay, tha thứ cho nhau, khép lại qúa khứ.
Tôi tin rằng người Việt Nam chúng ta đã chấp nhận sự thật đó rất thành tâm theo lời dạy của đạo Phật và người Mỹ cũng đã làm điều tương tự vì đức tin của mình vào Chúa thánh thiện.
Đến lúc này tôi phải xin trải lòng để đi vào đề tài mà cả phần đầu là sự dàn dựng cho nội dung của nó:
Xem Talk Vietnam tôi bỗng cảm thấy không yên, có cái gì đó bức xúc, thôi thúc trong lòng muốn giải tỏa, chia sẻ cùng mọi người dù đó là ai, ở đâu, hoàn cảnh sống, thái độ chính trị ra sao. Điều quan trọng nhất đó phải là người Việt. Chúng ta sẽ chỉ nói với người Việt đã từng sinh ra, sống ở Việt Nam hoặc tự coi mình là người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới – Việt kiều.
Tôi mong ước có thể mời các bạn tham gia diễn đàn: “Nói về Việt Nam với người Việt - Talk Vietnam with Vietnamese”. Là cá nhân tôi xác định ngay mình sẽ không làm nổi, với một nhóm bạn bè cũng không thể duy trì dài lâu, nhưng với tất cả đồng bào “người Việt”, tôi tin tưởng chúng ta sẽ có một diễn đàn cộng đồng hòa hợp, sôi động, nhân bản. Nơi đây tâm tư, tình cảm, hồi ức của mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống, hôm qua, hiện tại và tương lai ở mọi vị trí trên trái đất, mọi địa vị, chức vụ, bằng cấp, công việc đều bình đẳng thể hiện hướng tới cái tâm, cái thiện: Hòa hợp dân tộc, khép lại qúa khứ cho một Việt Nam hạnh phúc, yên bình không còn hận thù (hay thực tế hơn là vị tha, xóa dần đi thù hận).
Xem Talk Vietnam để suy ngẫm. Tại sao chúng ta phải đi xa, nhìn rộng, hãy “Nói – Talk” với đồng bào của mình trước, người Việt với người Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, dễ hiểu và giàu chất nhân văn. Tôi yêu Việt Nam, con người Việt, tôi tha thiết kêu gọi các bạn hưởng ứng, tham gia diễn đàn “Hãy nói về Việt Nam với người Việt - Talk Vietnam with Vietnames”.
Vẫn biết có nhiều chính khách, cựu công chức, cán bộ về hưu và gần đây nhiều luật sư, kỹ sư, sinh viên, thanh niên, công dân không phân biệt đảng phái, xu hướng chính trị bắt đầu mạnh dạn nói lên tiếng nói của lương tâm mình, của sự hiểu biết và lẽ phải trên đời này – tiếng nói dân chủ, tự do. Cũng không ít người chưa từ bỏ được “ngày hôm qua”, vẫn hằn học, dằn dỗi, trách móc, phát ngôn vô tội vạ. Cần biết rằng cuộc sống đa dạng, đa sắc tộc, đa hệ tư tưởng, song dù sao chúng ta đang cùng sống trong một ngôi nhà, một thành phố, tỉnh lỵ, miền quê trên đất nước Việt Nam, nơi chôn nhau, cắt rốn với câu ca dao muôn thủa:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hôm rồi lại được xem Talk Vietnam qua TV, trên nền tiếng Anh tôi đọc câu phụ đề:
“Hai bà mẹ Việt - Mỹ; hai người mẹ anh hùng của những đứa con anh hùng”.
Câu chuyện về một gia đình Mỹ có con chết trận – hy sinh tại Việt Nam, bà từng “rất căm thù” Việt Cộng. Nhưng với sự giải thích, động viên của cô con gái và con rể, bà đã tham gia tích cực vào tổ chức Green Trees của Mỹ.
Tại Việt Nam Green Trees điều hành chương trình rà phá bom mìn còn sót lại từ sau chiến tranh để trồng cây xanh, xây dựng thôn làng ngay trên mảnh đất đó cho người Việt… Họ có cuộc gặp mặt với một bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay tại trường quay.
Điều mà tôi chưa từng biết đến đó là cụm từ “Người mẹ Mỹ anh hùng” dành cho bà mẹ có con trai tham gia cuộc chiến và ngã xuống tại Việt Nam – được gọi là liệt sỹ phát trên chương trình chính thức của Đài truyền hình trung ương Việt Nam. Hiển nhiên là tôi mừng nhiều hơn lo lắng, băn khoăn. Ở nước Mỹ là điều hiển nhiên và được phát ra một cách trân trọng.
Với bà mẹ Việt Nam và các con của bà những người đã hy sinh cả tuổi trẻ, mạng sống cho hai chữ Độc lập, Tự do điều đó cũng là tất yếu, thiêng liêng. Cảm xúc của tôi day dứt và nghẹn ngào. Phải từng ấy năm cả hai phía mới vượt qua được cái rào cản vô hình – Lòng Hận Thù để đến với nhau qua những giọt nước mắt đồng cảm, những cái ôm âu yếm tình người, tình đồng loại...
Từ đây tôi bắt đầu băn khoăn và thổn thức hơn nữa khi chúng ta có được lòng nhân ái, vị tha, sự độ lượng mà không phải dân tộc nào cũng sẵn lòng như vậy, nếu như không từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, hiểu được cái giá phải trả để có giang san bờ cõi của riêng mình, lấy tâm Phật làm lẽ sống cuộc đời. Vậy mà tại sao chúng ta lại không dám nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt với hiện thực để đưa cái tâm, cái đức con người Việt tới đỉnh cao của nhân cách - Người Việt với người Việt. Tôi luôn nhớ câu ca dao học thuộc lòng từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Tôi sẽ không vòng vo để các bạn phải đợi lâu nữa: Trên đất nước chúng ta còn một Bà mẹ Việt Nam nữa chưa ai nhắc đến, chưa ai tôn trọng và quan tâm chăm sóc: bà mẹ của những người chiến binh đã ngã xuống - chết trận, thương tật trên chiến trường năm xưa, nhưng họ lại đứng ở phía bên kia trận tuyến; nói rộng ra hơn là cả gia đình, con cái, thân nhân của họ. Chúng ta gọi họ là lính ngụy – lính cộng hòa. Những người lính ở một khía cạnh lý thuyết nào đó cũng đã từng dũng cảm chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình.
Khi nhìn thấy trên TV hình ảnh người mẹ Mỹ khóc tại Talk Việt Nam, tôi chợt liên tưởng đến bà mẹ Việt Nam kia. Ở đâu đó bà có khóc như vậy không? Hay những giọt nước mắt cay đắng của bà đã buộc phải chảy ngược vào lòng, khô cạn từ lâu trong nỗi niềm tủi nhục giấu kín…
Giờ này có ai biết, xã hội có quan tâm xem họ đang sống chết ra sao, tâm tư, nguyện vọng thế nào và đang suy nghĩ gì về chúng ta? Những nầm mồ, những bộ hài cốt của chồng, con, anh em họ ở đâu, có được mồ yên mả đẹp không, hay đang bị bỏ hoang, vùi dập, san phẳng, tàn phá? Họ cũng là con người, khi chết rồi là những linh hồn vật vờ trên thế gian không thẻ hương, bát cơm cúng, nén vàng mã vào ngày giỗ, khi mùng một, hôm rằm, ngày lễ Tết…
Đành rằng họ (như bất cứ người con đất Việt nào tham gia vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương này) cũng có một phần trách nhiệm đối với đất nước, quê hương, sự tồn vong dân tộc. Công hoặc tội là hai từ mà thời gian, lương tâm sẽ công bằng phán xử.
Với trách nhiệm công dân của một nước họ có nghĩa vụ thi hành pháp luật và chính tại đấy ở một chừng mực nhất định hành vi của họ là hậu qủa của cái người ta quen gọi “Lỗi hệ thống”. Nằm trong guồng máy đó, chế độ chính trị, nền giáo dục đó bạn có thể dễ dàng lẩn tránh, cự tuyệt hay chống đối?
Đã có biết bao nghịch cảnh huynh đệ tương tàn, cha con sát hại lẫn nhau, gia đình họ hàng li tán khi không cùng lý tưởng, ý thức hệ… mà thực ra họ vẫn chỉ là người Việt, sống, làm việc và bảo vệ quê hương, đất nước mình chứ có gì khác đâu!
Chúng ta tự hào có một xã hội tiến bộ, một lý tưởng cao đẹp, một cách nhìn chân, thiện, mỹ, thậm chí tự mệnh danh là “Lương tâm của thời đại”. Chúng ta nói gì đây?
Đọc trên trang website của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi tình cờ tìm thấy một tín hiệu màu xanh, một sự đồng cảm chân tình: Cần có ngày hóa giải. Bài luận thôi thúc tôi viết tiếp những suy nghĩ này.
Chúng ta đang hóa giải và hóa giải rất nhân văn với “Kẻ thù số một” của dân tộc. Talk Vietnam là một bằng chứng đầy cảm xúc, thăng hoa.
Xin mở rộng vòng tay, lòng từ bi, nhân ái. Hãy để cho mỗi người cha, mẹ, người vợ, chồng, người con đất Việt trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống đều được kính trọng, tôn vinh và được cư xử bình đẳng một khi họ đều là những con người sinh ra và lớn lên trên đất nước này, yêu tổ quốc này.
Xin để cho lòng hận thù tan biến trong lòng mỗi con người bởi chúng ta đều là con Lạc cháu Hồng. Hãy cùng nắm tay nhau hát bài ca “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn để đi tới tương lai!
*"Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh chia sẻ nhân 40 năm Ngày Thống nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét