Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Jan Palach


(*11.8.1948 tại Praha - 19.1.1969, tại Praha)
Jan Palach phát âm tiếng Séc: [ˈjan ˈpalax], sinh viên người Séc đã tự thiêu như một hành động phản kháng chính trị đối với chính quyền Tiệp Khắc lúc bấy giờ.
Jan là con thứ hai trong gia đình 2 anh em của ông Josef Palach và bà Libuše Palachová, người anh, Jiří Palach hơn Jan 7 tuổi. Cha mẹ Jan theo đạo Tin Lành, chủ tiệm buôn bán bánh kẹo, khi Cộng sản nắm chính quyền năm 1948, tiệm bánh kẹo này bị quốc hữu hóa. Cha anh vào làm việc trong nhà máy, mẹ làm việc tại tiệm bán hàng.
Jan Palach lớn lên và học tiểu học ở Všetaty, Mělník, tỉnh Trung Séc (Středočeský).
Khi 13 tuổi cha mất, mẹ anh vất vả nuôi 2 con với sự trợ giúp của ông ngoại.
Năm 1963, Palach học trường trung học (Gymnazium) ở Mělník, rồi thi vào Phân khoa Triết học của Đại học tổng hợp Karel, Praha (UK), nhưng do quá đông thí sinh nên Jan vào trường Đại học Kinh tế Praha (VŠE). Mùa thu năm 1968, anh được chuyển sang Phân khoa Kinh tế chính trị và Lịch sử của trường Tổng hợp UK, Praha.
Tháng 8 năm 1968, quân đội hiệp ước Warsava đứng đầu là Liên Xô đã đổ quân vào xâm chiếm Tiệp Khắc với lý do bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa và ngăn cản những cải cách theo hướng tự do hóa của chính phủ Alexander Dubček, được gọi là “Mùa xuân Praha”.
Mùa Thu năm đó (11.1968) ông tham gia nhiều hoạt động phản đối việc xâm chiếm kể cả bãi khóa. Tháng 1.1969 Jan Palach kêu gọi sinh viên chiếm đài phát thanh, tuy nhiên do không thấy có bất kỳ tiến bộ nào đáng kể, có thể ông đã bắt đầu suy nghĩ hành động quyết liệt hơn, thức tỉnh sự phó mặc của xã hội đang dần dần chìm đắm cho số phận. Jan tình nguyện tự sát, để phản đối cuộc xâm lăng nói trên.
Lấy cảm xúc từ việc một vài nhà sư Phật giáo Việt Nam (hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963) để phản đối cuộc đàn áp Phật giáo tại Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, động lực dẫn tới việc tự thiêu của Jan Palach.  
Ngày 16.1.1969, đi chuyến xe lửa buổi sáng tới Praha, anh viết một bức thư tuyệt mệnh để lại phòng ngủ tập thể của trường (trong vali), gửi 3 bức thư khác: Một cho Hội liên hiệp Nhà văn, một cho Luboš Holeček (chủ tịch phong trào sinh viên) và một cho Ladislav Žižka, một bạn học ở Đại học Kinh tế tại Praha.
Khoảng 16 giờ, tại đài phun nước trước Národní muzeum (Bảo tàng quốc gia) Praha, phía trên quảng trường Národní náměstí, Jan tưới dầu lên người, châm lửa đốt rồi chạy qua ngã tư đường về phía một cửa hàng bách hóa ở phố Washington, ngã xuống bên vỉa hè. Một công nhân bẻ ghi tàu điện đã cởi áo khoác của mình dập lửa cho anh. Xe cứu thương chở Jan tới Khoa bỏng FNKV và LFH UK trên phố Legerova với độ bỏng 85%, độ cấp ba. Tuy được điều trị tích cực nhưng anh đã từ trần ngày 19.1.1969. Jan được đưa đến viện bỏng FNKV và LFH UK tại phố Legerova, Praha. Tại đây bằng máy ghi âm, nữ y tá Zdenka Kmuníčková đã ghi lại cuộc hội thoại ngắn, trong đó Jan Palach nói về nguyên nhân hành động của mình, phản đối "sự nản chí, buông xuôi", đề cập đến sự thụ động của xã hội Tiệp Khắc đối với sự kiện này. Phản đối việc phát hành báo Zpráv – Nhật báo xuất bản bởi những kẻ xâm lược Xô viết và kêu gọi Tổng đình công. Cuộc hội thoại cho thấy rõ, Jan đã được dùng thuốc giảm đau nhưng vẫn khá đau đớn.
Jan Palach mất ngày 19.1.1969, ba ngày sau hành động của mình.
Jan nói rằng để có thể tự thiêu được con người cần một sự giận dữ ghê gớm. Xã hội và hầu hết những sinh viên khác đã không có phản ứng, sau lời cầu thỉnh được phát đi mạnh mẽ của Palach trên giường bệnh trong cơn đau đớn.


Nơi tưởng niệm Jan Palach và Jan Zajíc trên hè phố trước bảo tàng Národní muzeum

Jan Palach tự thiêu, không xa Quảng trường thành cổ (Staroměstské náměstí) của Praha, nơi có bức tượng vinh danh nhà cải cách tư tưởng, biểu tượng tôn giáo Séc, Jan Hus, người bị Giáo hội Châu Âu kết án thiêu sống vì đức tin của mình năm 1415 tại Koblenz (Đức), được tôn vinh là anh hùng dân tộc từ nhiều thế kỷ tới nay.
Một số nhà bình luận đã so sánh hành động tự thiêu của Jan Palach với việc bị thiêu sống của mục sư* Jan Hus.

Jan Palach là người đầu tiên tự thiêu ở quảng trường Václavské náměstí , Praha. Đến tháng 4.1969 đã có tới 26 người tham gia tự thiêu để phản đối, trong đó 7 người chết. Gây tiếng vang nhất là Jan Zajíc, tự thiêu ngày 25.2.1969 tại đường vòm quảng trường Václavské náměstí, Praha; Josef Hlavatý tại tượng đài Tomáš Garrigue Masaryk, Plzeň; Evžen Plocek, ngày 4.4.1969 tại JihlavaMichal Lefčík, ngày 11.4.1969 tại Košice. Những người định tự thiêu là công nhân Miroslav Malinka ngày 22.1.1969 tại Brno và học sinh học nghề 16 tuổi, Jan Bereš ngày 26.1.1969 tại Cheb.
Tang lễ Jan Palach với hàng chục nghìn người được tổ chức ngày 25.1.1969 trở thành cuộc phản đối lớn chống những kẻ xâm lược. Đoàn diễu hành đi từ Quảng trường Václavské náměstí tới quảng trường Krasnoarmějců lúc bấy giờ tại Praha 1, ngày nay là quảng trường Náměstí Jana Palacha, tại đấy nhiều người đã phát biểu trong đó có cả Luboš Holeček. Lễ tiễn đưa do mục sư tin lành Jakub Schwarz Trojan chủ trì.
Jan Palach được chôn cất tại nghĩa trang Olšanské hřbitovy. Năm 1973, không có sự đồng ý của gia đình, người ta đã thiêu xác anh, mang lọ tro về Všetaty một cách vội vã và bí mật, nhưng ngôi mộ trống vẫn được người dân đến thăm viếng. Năm 1990 lọ tro của Jan được trả về Olšanské hřbitovy.
Tháng 1.2009 Nhà sử học Petr Blažek người phát hiện ra tài liệu, theo đó Palach tháng 1.1969 kêu gọi sinh viên chiếm đài phát thanh. Trong thư, Jan gửi đề xuất của mình tới địa chỉ người lãnh đạo sinh viên lúc bấy giờ, Luboš Holeček 10 ngày trước khi tự thiêu. Các nhà sử học đã thử tái dựng lại sự kiện một cách chính xác nhất, viện dẫn hành động tự thiêu của Palach, bản thân hành động và những sự kiện kế tiếp kể cả việc điều tra của nhân viên an ninh.
Jan Palach là người đầu tiên được Phong trào dân chủ Masaryk truy tặng huy chương danh dự T. G. Masaryk vì lòng trung thành với di huấn của mình.
Tổng thống Václav Havel đã trao Huân chương Tomáš Garrigua Masaryk hạng nhất cho Jan Palach, được người anh là Jiří Palach nhận thay năm 1991.
Nhà nước Cộng hòa Séc quyết định lấy ngày 16.1 hàng năm là ngày lễ với tên gọi “Ngày kỷ niệm Jan Palach”.

-        Sau cuộc Cách mạng Nhung, người ta đã gắn một thánh giá bằng đồng trên vỉa hè nơi Jan Palach ngã xuống để tưởng niệm anh cùng Jan Zajíc.
-        Nhà thiên văn học Tiệp Khắc Luboš Kohoutek, người khám phá ra tiểu hành tinh mới ngày 22.8.1969 tại đài quan sát Bergedorf, đã đặt tên cho tiểu hành tinh này là tiểu hành tinh 1834 Palach.
-        Ở Châu Âu có nhiều đài tưởng niệm Jan Palach, trong đó có đài tưởng niệm nhỏ bên trong đường hầm băng (Glacier tunnels) dưới đèo JungfraujochThụy Sĩ.
-        Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày qua đời của Jan Palach, một bức tượng của nhà điêu khắc András Beck tưởng nhớ anh được chở từ Pháp sang Cộng hòa Séc. Tượng này đặt ở trường gymnasium, thành phố Mělník nơi Palach từng học tập.
-        Quảng trường trung tâm Praha được đặt tên Náměstí Jana Palacha.
-        Một quảng trường ở Brno lấy tên Palachovo náměstí.
-        Nhiều thành phố trên thế giới cũng có đường phố đặt theo tên Jan Palach như tại thủ đô Luxembourg, Angers và Parthenay (Pháp), Varna (Bulgaria), Kraków (Ba Lan), Assen (Hà Lan) và  Nantwich (Anglie).
-        Tại Roma và nhiều thành phố khác của Italy, các quảng trường trung tâm được đặt theo tên Palach cùng tượng đài tưởng niệm. Một sảnh đường sinh viên ở Venezia trên đảo Giudecca (Italy) cũng được đặt tên Jan Palach.
-        Một trạm xe bus ở thành phố Curepipe (Mauritius) đặt theo tên Jan Palach.



* Mục sư là một trong những chức danh chính của các giáo sĩ trong các Hội thánh của đạo Tin Lành. Chức năng chính của mục sư là giảng kinh thánh và quản trị Hội thánh cơ sở. Để được bổ nhiệm là mục sư họ là người đã tốt nghiệp trường Kinh thánh, được bổ chức truyền đạo ít nhất hai năm và được Hội đồng phong mục sư phong chức. Theo giới luật của Tin Lành, mục sư là người chăn chiên nhưng không có quyền thay mặt Chúa Kitô ban phúc, xá tội và giới luật cũng không áp dụng luật độc thân cho mục sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét