Buổi họp Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 tại Khánh Hòa Source ktv/Khánh Hòa. |
Tại hội nghị
có tên Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân vừa qua ở Việt Nam, những nghịch lý
và bất thường trong các số liệu thống kê về kinh tế một lần nữa được
các chuyên gia cảnh báo là chẳng những che dấu hiện trạng yếu kém mà
còn làm chậm tiến độ tái cơ cấu kinh tế vốn đã quá trể nãi lâu nay.
Căn bệnh kinh tế trở thành di căn?
Thế nào gọi là bất thường trong thống kê
kinh tế, liệu đây là vấn đề mà chỉ Việt Nam mới có? Mời quí vị cùng
Thanh Trúc tìm hiểu trong bài sau:
Tại cuộc họp vừa qua của Diễn Đàn Kinh
Tế Mùa Xuân mà báo chí trong nước dẫn lời các chuyên gia kinh tế rằng
nếu cứ vẽ cứ nặn ra những số liệu cho đẹp thì không thể có sự hiểu
biết đúng đắn về hiện trang kinh tế đang mạnh yếu ở mức độ nào để có
phương án cứu chữa khi con bệnh kinh tế trở thành di căn và bộc lộ ra
ngoài.
Các chuyên gia nêu nhiều thí dụ cụ thể,
điển hình như công thức tính GDP để đưa ra số liệu 4,89% GDP ở Quí
Một, là không thuyết phục. Điểm bất hợp lý thứ hai là sự nghịch lý
giữa các số liệu thống kê về xuất khẩu tăng tương quan với CPI chỉ số
giá tiêu dùng bình quân Quí Một năm nay so với cùng thời gian năm ngoái
...vân vân..
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh,
số liệu được công bố nếu không chính xác sẽ chẳng giúp ích gì cho ai,
có chăng chỉ để các cấp, các ngành khen lẫn nhau thôi.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế tài chánh
Bùi Kiến Thành, cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà
Nội, không có thống kê nào thực sự là hoàn toàn trung thực và không chỉ
Việt Nam mới có chuyện làm đẹp những số liệu thống kê vì mục đích này
hay mục đích khác:
Hồi thời kỳ tôi đi học thương mại và
kinh tế quốc tế ở bên Pháp, một hôm ông Jacques Duhamel, hồi đó là bộ
trưởng Bộ Thương Mại Pháp, ông đến giảng và nói rằng các vị nên coi
chừng về thống kê. Ông ví dụ thống kê giống như cái áo tắm của phụ nữ,
nó cho mình có nhiều ý nghĩ này nọ nhưng mà nó lại che đậy cái quan
trọng nhất.
Cho nên việc quản lý thống kê để tạo
ra hình ảnh này nọ không phải riêng gì ở Việt Nam mà là tất cả các
chính phủ trên thế giới đều có. Nhưng không phải vì vậy mà lợi dụng
thống kê để nói tốt những chuyện mà không hoàn toàn là tốt. Đấy là cái
trách nhiệm của người quản lý nhà nước, cho thế giới thấy một hình ảnh
trung thực của Việt Nam, chứ không thể vơ đũa cả nắm mà nói rằng tất
cả thống kê của Việt Nam đều xấu.
Hệ lụy của việc vẽ hay nặn ra, như từ
báo chí trong nước sử dụng, những con số thống kê đẹp đẽ và hứa hẹn,
ông Bùi Kiến Thành giải thích tiếp, làm mất lòng tin của giới đầu tư và
người tiêu dùng:
Ví dụ thị trường chứng khoán của
Việt Nam không phát triển mạnh được là vì những cách tính toán của các
doanh nghiệp rồi những báo cáo về vấn đề tài chính không được trung
thực, cho nên khi mà đưa ra thì người đầu tư không hoàn toàn tin tưởng
những con số đấy.
Tới vấn đề trái phiếu của các doanh
nghiệp cũng vậy, không phát triển được. Khi đưa ra những báo cáo tài
chính và làm những cáo bạch cho người đầu tư xem thì người ta cũng chưa
hoàn toàn tin tưởng được cái hình ảnh thật sự của doanh nghiệp để
người ta có thể lấy cái rủi ro mà mua trái phiếu của doanh nghiệp đấy.
Ở Việt Nam có cái điểm là trước khi
báo cáo giải trình gì của các cơ quan nhà nước thì cứ nói tình hình
kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, tăng bao nhiều phần trăm
nơi này tăng bao nhiêu phần trăm nơi kia... Luôn luôn là "tích cực,
tích cực", nhưng mà phẩy một cái là "tuy nhiên, tuy nhiên"... Cái đấy
rõ ràng có vấn đề trong báo cáo tình hình, nó thành một nề nếp của một
cách giải trình không được thông thoáng lắm.
Đằng sau các con số còn nhiều cái chưa đủ và chưa tốt
Khác với ý kiến của ông Bùi Kiến Thành,
chuyên gia độc lập về kinh tế và tài chánh, tiền sĩ Võ Trí Thành, phó
viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, có mặt tại Diễn Đàn Kinh
Tế Mùa Xuân với chủ đề "Bất Thường Trong Thống Kê Kinh Tế Việt Nam,
khẳng định từ khi chuyển sang kinh tế thị trường cách đây hơn hai mươi
năm hệ thống thống kê của Việt Nam, được sự hỗ trợ bên ngoài và nỗ lực
bên trong, đã cải thiện được rất nhiều:
Nói vui là thế này, vào đầu những
năm 90, với số lượng thống kê ở Việt Nam mà có thể làm được một bài về
nghiên cứu khoa học cho nó nghiêm chỉnh hoặc là những luận án tốt thì
rất là khó.
Thế nhưng từ cuối những năm 90 sang
năm 2000, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã làm những vấn đề về Việt Nam,
kể cả những luận văn về thạc sĩ tiến sĩ, dựa trên những bộ số liệu
thống kê của Việt Nam. Tất nhiên trong rất nhiều trường hợp cần có sự
giúp đỡ của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế nữa. Tức là có những
cải thiện rất là đáng kể.
Thế nhưng đúng như các chuyên gia đã
nhận định, tiến sĩ Võ Trí Thành phân tích tiếp, đằng sau những con số
thống kê còn nhiều những cái chưa đủ và chưa tốt. Số liệu kinh tế Việt
Nam hiện nay, ông nói, về chất lượng chưa cao nhìn trên nhiều khía
cạnh. Thứ hai, chưa đạt mức độ nhất quán và thứ ba, rất quan trọng, là
chất lượng giải trình:
Như vậy, nếu nhìn vào những con số
hiện nay, ở thời điểm này, nhất là về nhiều con số vĩ mô, thì nó cũng
phản ảnh những điều tôi vừa nói. Rõ ràng là Việt Nam phải cải thiện rất
nhiều để hoàn thiện cái hệ thống thống kê và bên cạnh đấy là cái hệ
thống công bố thông tin và minh bạch hóa giải trình.
Vẫn theo lời chuyên gia kinh tế Võ Trí
Thành, đi vào cụ thể sau khi đã tham dự hội nghị kinh tế vừa qua, ông
thấy có những con số mà ông nghĩ cần được trao đổi và lập luận xa hơn
một chút nữa để hiểu có thể đúng như thế hay không phải như thế.
Một điều nữa, cũng liên quan đến số
liệu hiện nay, đã đưa ra được một bức tranh và qua bức tranh ấy có thể
đánh giá mức độ khác nhau, thấy được những vấn đề kinh tế mà Việt Nam
đang phải đối mặt đang phải xử lý.
Ví dụ những vấn đề liên quan đến rủi
ro bất ổn kinh tế vĩ mô, những khó khăn đình trệ trong sản xuất kinh
doanh, quá trình tái cấu trúc kinh tế, điều Việt Nam rất muốn làm hiện
nay, thì nó diễn ra rất chậm. Đằng sau những cái không được thì ít
nhiều những con số tôi nghĩ cũng phản ảnh những cái tương đối đồng
thuận như vậy.
Trong bối cảnh nguồn lực còn rất hạn
chế, cách nhìn nhận, cách đánh giá và những đòi hỏi của xã hội cũng đã
có nhiều khác biệt, phó viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương Võ
Trí Thành góp ý, thực hiện thống kê kinh tế phải bao gồm minh bạch hóa
thông tin, tinh thần trách nhiệm cao trong việc giải trình song song
với quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, một quá trình gian khổ mà
Việt Nam đã chấp nhận thì phải tiến tới chứ không thể lùi bước.
Nguồn: rfa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét