Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Không tựa, không kết, như câu chuyện của chúng tôi

Ở nước tôi, dường như người sống luôn luôn có lỗi với người chết, có ai hiểu vì sao? Có thể vì chúng ta thay đổi quá nhiều, mỗi ngày, người ta lại phản bội thêm một bước một quá khứ nào đó, phản bội cái quê hương quá khứ ấy đã mơ ước và chết vì hoặc cho những mơ ước ấy. Trong một bầu trời phủ đầy sương, hư thực, mờ ảo, quá khứ không có cách nào hoàn toàn biết được. Người ta có thể phản bội một điều gì đó mình không biết hay không? Không biết quá khứ, đã là phản bội nó rồi. Biết những đường nét trong sương, nhưng mọi liên quan đã đánh mất, cũng là phản bội. Dù đám sương này, không phải lỗi của chúng ta. Có khi, một người chẳng làm gì có tội cả, đêm chỉ ngủ trên một cái giường chăn gối êm ấm và có hương thơm - từ người nằm bên cạnh, da thịt của người thân còn sống - là đã có tội với một người thân khác ngủ ở một nơi lạnh hơn, dưới lòng khe, vùi trong đất đá hay trong bùn nước nổi. Người ta đi cầu hồn, âm thầm một mình, nhưng cũng có năm cả nước đi cầu hồn. Người ta muốn như thế nào đó đền đáp cho những người ngủ lạnh, sợ những khúc xương của họ sẽ tan mất trước khi được tìm thấy, sợ trí nhớ mình không đủ dài để giữ những đốt xương ấy trong ký ức, sợ mình quên, và họ sẽ vĩnh viễn là ma không nhà, sự phản bội cuối cùng sẽ thành vĩnh viễn không còn đường trở lại. Nhưng không có cách nào đền đáp cả. Nếu có một nhà nước nào đó làm lễ truy điệu, hay một nhà sư nào đó làm lễ cầu siêu cho tất cả những vong hồn, thì vẫn là không cho ai cả. Bởi vì những đốt xương cần được cầm lên như phần còn lại của một cái tên, một con người riêng rẽ đã sống, chứ không phải là một ý niệm vô hình và vô lịch sử trong môt bản anh hùng ca hay thương ca mù mịt.Rồi những nhà cầu hồn đến, đâu đâu cũng có, họ hứa sẽ chỉ đường cho người ta đi tìm những đốt xương lưu lạc. Tên của người những khúc xương thuộc về được rạch trên những bình nước bằng nhôm sẽ tìm được đâu đó bên cạnh, dưới tám tấc hay là một mét đất. Không biết ai đã đặt tên cho những người đó là nhà ngoại cảm, tôi không bao giở hiểu vì sao lại lấy từ đó, nó nghe có vẻ khoa học, nhưng trừu tượng và trống rỗng. Những nhà ngoại cảm mua những bình đựng nước bằng nhôm, rạch tên người chết vào, họ đúc những khúc xương bằng đất nung hay xi măng, hay mua xương heo nái cho đủ to, phân huỷ một phần trong acid, ngâm bùn, rồi thuê người đem chôn ở một cánh đồng hoang nào đó chừng hai tháng trước ngày họ dẫn người thân đi đào lên, nhặt về chôn lại trong nước mắt, hương khói và sự biết ơn vô bờ bến. Những hài kịch cay đắng nhất là những hài kịch được viết trên cốt truyện của một bi kịch, và bi kịch tệ hại nhất khi nó phải nhờ một hài kịch dẫn đi tiếp khi tự nó không tìm được cho mình được đoạn cuối.Nhưng vì là kịch, nên có một tấm màn đến một giờ nào đó được kéo lên và đến một giờ nào khác thì được hạ xuống. Dù không ai biết ai là đạo diễn, ai diễn viên và ai là khán gỉả, tất cả đã giữ nghiêm ngặt qui luật của những người ở trong một vở kịch: dù tất cả đã được biết trước, người ta đều sống thật những khoảnh khắc của mỗi phân đoạn của vở kịch như thể nó chính là cuộc đời. Và ai có thể nói nó không phải là cuộc đời?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét