theo Gia đình và xã hội | 01/08/2014 11:05
Quê gốc của lương y Sang ở xã Cát Thánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Ông còn nhớ, những năm sau giải phóng, mảnh đất nơi ông sống gặp vô vàn khó khăn vì hạn hán xảy ra liên miên. Mỗi khi người dân trong vùng mắc bệnh, họ đều phải đi tìm những bài thuốc dân gian để trị bệnh, phần vì bệnh viện ở khá xa, phần bởi cuộc sống của bà con chẳng lấy gì làm dư dả. Chứng kiến những bài thuốc từ cây cỏ mọc xung quanh đã cứu sống biết bao mạng người, chàng trai trẻ Lương Văn Sang đã bị kích thích mạnh mẽ. Những trăn trở về y thuật dân gian, về cái nghiệp hành thiện cứu người đã khiến chàng trai lặn lội tìm hiểu các phương thuốc mà chưa sách vở nào ghi chép. May mắn hơn, lương y Sang đã được một người tinh thông y thuật ngay tại quê nhà nhận làm đệ tử. Không quản ngại mưa nắng, ngày nào hai thầy trò cũng đi đây đó tìm những bài thuốc dân gian chữa bệnh cứu người. Cũng trong thời gian này, ông đã được sư phụ truyền lại nhiều bài thuốc quý.
Đau đáu cái tâm với nghề nên những ngày ở trong quân ngũ, lương y Sang vẫn luôn mày mò tìm kiếm những dược liệu quý. Năm tháng sống giữa chốn “rừng thiêng nước độc” lại là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều loại thảo dược mà không phải ai cũng may mắn có được. Rời quân ngũ, ông trở lại làng quê nhưng chưa bao giờ gác lại sở thích đó. Ông vẫn thường xuyên rong ruổi khắp các làng xóm, tìm gặp những lang y vườn để có bài thuốc hay. Đó cũng là cơ duyên giúp ông may mắn đến được với bài thuốc có thể chữa tan hoàn toàn sỏi gan, sỏi mật. Theo lương y Sang, câu chuyện xảy ra khoảng năm 1976, vào một buổi chiều muộn trên chuyến xe tỉnh đi về huyện Phù Cát, ông đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa một bà lão và người phụ nữ trên xe về một cô bé đang mắc căn bệnh sỏi mật khá nặng. “Tôi nhớ rất rõ, lúc đó ngồi cạnh tôi là một người mẹ ăn mặc rách rưới, tay ôm chặt đứa con nhỏ da mặt vàng sạm, nom rất yếu ớt. Ngồi kế bên là một bà cụ miệng nhai trầu bỏm bẻm, thấy tình cảnh tội nghiệp của hai mẹ con nọ nên tôi bắt chuyện. Thì ra, đứa bé bị sỏi mật nằm ở Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn được bác sĩ chỉ định mổ nhưng vì mắc chứng máu khó đông nên người mẹ ấy đành bế con về nhà nằm chờ chết”, lương y Sang nhớ lại.
Sau khi bà mẹ vừa dứt lời, cụ bà đáp lại ngay: “Chết cái gì mà chết, bệnh này không cần phải mổ xẻ gì cả đâu. Chị nghe lời tôi, về nhà hái một rổ sung xanh, thái mỏng phơi khô sao vàng cho vào nồi, đổ ngập nước nấu cạn còn nửa nồi thì cho cháu uống, dần sẽ hết bệnh”. Nghe lấy làm lạ nhưng cũng muốn biết thực hư tác dụng của trái sung đối với bệnh sỏi nên ông quyết theo chân mẹ đứa bé về kiểm nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, bệnh tình của cháu bé chuyển biến tích cực và bé liên tục đòi ăn đòi uống, mặc dù thời gian trước đó cô bé chẳng ăn uống được gì. Những ngày sau đó, cô bé vẫn được mẹ sắc nước từ trái sung cho uống và dần khỏi hẳn. Sự kiện thoát khỏi tử thần nhờ trái sung mọc hoang của cô bé khiến ai nấy đều lấy làm lạ. Vì thế, ông đã dò la tin tức của bà lang trên để học hỏi kinh nghiệm rồi tự mình nghiên cứu tác dụng trị bệnh của trái sung.
Công dụng thần kỳ của trái sung
Sung là loại cây mọc hoang nhiều ở các vùng quê Việt Nam.
Sung là một loại cây dân dã mọc rất nhiều ở các vùng quê nhưng ít ai biết được công dụng trị bệnh của nó. Theo Y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, có tác dụng kiện tỳ, ích vị, nhuận tràng… Lương y Sang cho biết, trái sung có tên khoa học là Ficus carica, thuộc họ dâu tằm, bên trong có chứa axit béo và một số hoạt chất tốt cho tim mạch, giàu phenol. Thú vị hơn, trái sung phơi khô có tác dụng trị bệnh sỏi mật cực kì hiệu quả. Nói về bài thuốc chữa bệnh sỏi mật, sỏi gan từ trái sung, ông Sang cho biết: “Bệnh sỏi mật do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như ăn phải thực phẩm nhiễm độc tố cộng với bộ phận gan suy yếu. Về mặt y lý, khi gan suy yếu chức năng, lượng dịch mật được cơ thể tiết ra hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn không được giải phóng hết. Lâu dần, dịch mật kết tủa tạo thành khối u gọi là sỏi. Ngoài phương pháp tây y là phẫu thuật cắt bỏ, bài thuốc Nam từ trái sung cũng sẽ làm tiêu tan được sỏi”.
Với mong muốn bài thuốc của mình sẽ được phổ biến rộng rãi khắp cả nước để mọi người có thể áp dụng chữa trị, ông không ngần ngại tư vấn miễn phí trực tiếp hoặc qua điện thoại và hướng dẫn cách thức bào chế thuốc cho người bệnh có nhu cầu. Theo lương y Sang, khi bào chế thuốc nên chọn hái những trái sung không quá non nhưng cũng không quá già, đem đập dập hoặc thái mỏng phơi khô. Tiếp sau đó, đem lượng sung khô sao vàng hạ thổ (sao cho vàng rồi đổ xuống đất sạch hoặc nền gạch sạch – PV), dùng sắc lấy nước uống theo công thức, mỗi ngày dùng 200g. Mỗi người bệnh khi tìm đến phòng khám đều được lương y hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ: “Cho 200g trái sung vào nồi, đổ 4 chén nước rồi đun sôi đến khi cô cạn còn 1 chén thì để uống. Và nên chia uống nhiều lần trong ngày sau mỗi bữa ăn để tránh cơ thể mệt mỏi do hàm lượng thuốc đậm đặc. Những người mắc chứng bệnh sỏi gan, sỏi túi mật, sỏi thận cần phải chú ý kiêng một số thực phẩm như: Trứng, mỡ, nội tạng động vật và các loại hải sản”. “Khi người bệnh uống nước từ trái sung đã được rang vàng hạ thổ thì những chất có trong nó sẽ tiếp xúc với khối sỏi và làm cho nó mềm đi, tan dần rồi bị đào thải ra bên ngoài qua đường bài tiết. Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà có thời gian điều trị khác nhau, có người khoảng 2-3 tháng, lâu hơn thì phải mất 5-6 tháng”, ông Sang lý giải.
Tuy nhiên, theo ông Sang, người bệnh uống liên tục từ 1-3 tháng thì khi đi siêu âm sẽ có được kết quả khả quan. Nói về tác dụng chữa bệnh kỳ diệu từ quả sung, loại trái cây mọc hoang nhiều ở các làng quê Việt Nam, lương y Sang cho rằng: “Thuốc không phân đắt rẻ, thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay! Tôi không có quan niệm giữ khư khư một bài thuốc hay bí quyết nào cho riêng mình. Để có thể cứu giúp cho người thì bài thuốc đó phải được phổ biến rộng rãi”.
Về bài thuốc trị sỏi mật, sỏi gan của lương y Phan Văn Sang, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trong Đông y không có bài thuốc nào trị sỏi mật, sỏi gan từ quả sung cả. Bài thuốc của ông Sang có lẽ là một bài thuốc dân gian của một đồng bào vùng miền nào đó. Để chứng thực bài thuốc này, trước hết cần kết quả điều trị của 100 người sử dụng trở lên, sau đó mới có thể đánh giá nó có hiệu quả hay không”. Đồng quan điểm này, lương y Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông y T.P Hà Nội cũng cho biết: “Tôi có biết một số bài thuốc sử dụng trái sung làm vị nhưng chỉ một loại trái cây này mà có thể trị được sỏi gan, sỏi mật thì tôi chưa nghe thấy bao giờ. Chính vì vậy, bài thuốc của lương y Sang cần được kiểm nghiệm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét