Buổi ra mắt diễn ra tại số 9 – Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
tối 28/10 cũng là buổi sinh hoạt thường niên của những
người từng có thời gian sống và làm việc tại Tiệp Khắc trước đây (CLB văn học-nghệ thuật Bohemia) và còn
là hoạt động kỷ niệm 94 năm Quốc khánh Cộng hòa Séc (28/10. 1918-2012).
Đại sứ, Phó Đại sứ Cộng hòa Séc cùng một số vị khách người
Séc đã có mặt chia vui cùng tác giả.
Ngài Martin Klepétko, Tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam phát biểu trong Lễ ra mắt sách, bên tay phải ông là tác giả Do.honza (Ing. Đỗ Ngọc Việt Dũng, MSc)
Ảnh: HOÀNG GIA
Đây là tập truyện ký với độ dày 500 trang gồm 4 phần. Có thể nói cuốn
sách là những gì thuộc về phần đời gắn bó với đất nước Tiệp Khắc trước
đây của tác giả đã nhận được sự đồng cảm của những người từng ở Tiệp
Khắc. “Mỗi chúng ta có một cuộc đời, cùng chung sống tạo nên nhiều cuộc
đời, nhưng một con người cũng có thể có hai hoặc nhiều cuộc đời song
song, nối tiếp. Điều quan trọng là ý nghĩa, giá trị của cuộc đời đó.”,
Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng đã tự bạch như vậy ở đầu cuốn sách.
Có mặt tại buổi ra mắt, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ, đọc cuốn sách anh như
gặp lại những hình mẫu nhân vật ngoài đời thực, điều mà anh đánh giá
cao là cuốn sách đã vẽ nên một bức tranh xã hội tuy không mạch lạc và
chặt chẽ về kết cấu nhưng có nhiều đoạn đã đánh động cảm xúc thẩm mĩ của
người đọc. Cuốn sách đã đóng góp vào số những tác phẩm văn học của
người Việt ở nước ngoài và người Việt viết về nước ngoài, một mảng sách
mà nếu không nhắc đến thì thật thiếu sót. Còn cảm nhận của nhà văn Đặng
Thân thì “3 Cuộc đời – Chuyện Tây Ta” mang dáng dấp tiểu thuyết tư liệu
hoặc tiểu thuyết tự thuật với những câu chuyện được dựng hết sức sinh
động. Tuy nhiên Đặng Thân cũng phân vân ở kết cấu của cuốn sách, và theo
anh nên chia “3 Cuộc đời – Chuyện Tây Ta” thành… 3 cuốn sách bởi phần
một đã là một tiểu thuyết khá hoàn hảo, phần hai và ba có thể đứng thành
một cuốn sách tư liệu, và phần bốn cũng có thể phát triển thành một
tiểu thuyết.
Phó chủ tịch thường trực Phan Đăng Điều, các cộng sự và các cán bộ Đại sứ quán Séc tại Hà Nội.
Ảnh: HOÀNG GIA
Một số ý kiến khác của những người bạn đã có một thời ở Séc với tác giả
đều chia sẻ, cuốn sách của Do.hoza Đỗ Ngọc Việt Dũng đã gợi lại trong
họ những ký ức về một thời xa xứ trên đất Séc. Vui buồn lẫn lộn, nhớ về
quá khứ, nhớ về một phần đời có cả hạnh phúc – đau đớn, hi vọng – thất
vọng là cảm giác của PGS.TS Phạm Thành Hưng đến từ Đại học Quốc gia Hà
Nội. Ông quen với tác giả từ khi Đỗ Ngọc Việt Dũng còn là kỹ sư điện ở
Séc, nhưng rồi lòng yêu văn chương đã khiến tác giả chuyển hướng viết
văn khi đã ngoại ngũ tuần. PGS.TS Phạm Thành Hưng nói rằng, những câu
chuyện được viết trong “3 Cuộc đời – Chuyện Tây Ta” già ký non truyện,
ông gọi đó là thể “văn xuôi tư liệu”.
Bài hát Okolo Hradce bằng cả tiếng Việt (tác giả do.honza) vang lên ngọt ngào trong buổi tọa đàm
Ảnh: HOÀNG GIA
Đại sứ Cộng hòa Séc Martin Klepétko bày tỏ sự xúc động khi sự kiện diễn
ra đúng vào ngày Quốc khánh Cộng hòa Séc. Martin Klepetko chia sẻ, ông
mới có mặt tại Việt Nam nhận chức hơn một tháng, và với một người làm
công tác ngoại giao thì khoảng thời gian đầu bao giờ cũng khó khăn nhất,
ông thấy rất vui vì ở Hà Nội lại có một nơi lưu dấu những kỷ niệm về
đất nước ông như vậy.
Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng sinh năm 1953 tại Hà Nội. Mục đích viết sách
của anh là để “kỷ niệm những tháng năm sống ở Tiệp Khắc và nhớ tới
những người bạn Việt – Séc của tôi”.
Cũng dịp này, Do.honza Đỗ Ngọc Việt
Dũng còn ra mắt cuốn sách “Truyền thống trang phục dân tộc, ẩm thực
Séc” do anh sưu tầm và biên dịch.
Nguồn tin: http://www.vannghequandoi.vn
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa