Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Kỷ niệm về một người bạn



     Năm 1975, vừa về nước được mấy ngày, tôi đạp 
xe lên Bộ Đại Học ở số 9 Hai Bà Trưng Hà nội làm 
thủ tục về nước. Đang hỏi đường ở trước Nhà hát 
lớn, tôi nghe có người gọi tên mình. Quay sang 
phía chiều ngược lại, tôi thấy khuôn mặt quen quen, 
hình như mình đã gặp ở đâu đó lâu rồi. Một chàng 
trai nhoẻn miệng cười rất tươi với tôi và nói:
- Anh không nhận ra em à? Em là Dũng đây mà, cách 
đây 3 năm khi em mới sang Tiệp Khắc, anh đã đón bọn 
em ở Praha, anh quên rồi à?
Mặc dù cũng chưa nhớ ra cậu ta tên là gì nhưng 
tôi cũng ậm ờ:
- Quên sao được những năm tháng tuyệt vời ấy!
Tôi hỏi:
- Sao ông lại về giữa chừng thế này?
- Chẳng may đứt gánh giữa đường nên đành chịu về 
ăn bám mẹ thôi.
-Buồn quá nhỉ! Nhưng cậu còn trẻ, cứ học trong 
nước, sau vài năm quay lại cũng được!
-Biết đến bao giờ trở lại đó được! Trước mắt em 
sẽ xin học trong nước rồi kiếm việc giúp đỡ mẹ em 
cái đã!
- À Mà cậu tên gì nhỉ, tớ quên mất rồi.
- Em tên là Dũng, Hoàng Dũng.
Sau đó Dũng hỏi đi đâu hay về nhà Dũng chơi. Nghe 
tôi nói, tôi phải lên Bộ Đại học, Dũng tình nguyện 
làm người đưa đường cho tôi. Vậy là chúng tôi quấn 
quýt bên nhau suốt ngày hôm đó. Hẹn Dũng sau khi 
về quê lên, tôi sẽ tới nhà tìm Dũng và trò chuyện 
tiếp.
Về quê 2 tháng trời, khi nhận được giấy báo phân 
công công tác tôi mới lên Hà nội. Sau vài ngày làm 
xong thủ tục về công tác tại Viện Toán Học, tôi tới 
Khu Tập Thể Nguyễn Công Trứ tìm Dũng. Gia đình 
Dũng ở ngay phòng đầu tiên, tầng 1 của Khu tập thể 
Nguyễn Công trứ, có lẽ là khu tập thể được xây 
dựng đầu tiên ở Hà nội trong thời kỳ Xã hội chủ 
nghĩa ở Miền Bắc. Chỉ có cán bộ cao cấp hay gia 
đình thuộc diện chính sách mới được tiêu chuẩn ở. 
Từ khi chợ trời hình thành ở phố Trần Cao Vân thì 
khu tập thể này có một vị trí vô cùng quan trọng. 
Dân buôn chợ trời thèm khát có được nơi ở như nhà 
Dũng. Ngay cả bây giờ, nơi này cũng đắc địa, là 
nơi hái ra tiền mà trong tay không cần đến bất kỳ 
loại bằng cấp nào cả, kể cả bằng TS kinh tế của ĐH 
Haward Hoa Kỳ. Tôi và Dũng say sưa kể chuyện bên 
Tây, bên ta, chuyện học hành, mối tình nọ, mối tình 
kia của mình, của bạn bè… Thấy mẹ Dũng đi làm về ăn 
cơm trưa, hai đứa mới biết đã hết buổi sáng. Dũng 
giới thiệu với mẹ về tôi. 
Bà rất vui khi Dũng có bạn tới chơi. Bà mẹ Dũng nói 
rất dịu dàng và ân cần hỏi quê quán, bố mẹ, anh em 
nội ngoại như thói quen của người Việt nam mình khi 
mới gặp nhau. Bà hỏi tôi về chuyện học hành ở bên 
Tiệp. Tôi thưa với bà là học bên Tiệp khó lắm, 
tiếng Tiệp khó nhất thế giới, nghe giảng bài bằng 
tiếng Tiệp còn khó hơn cả vịt nghe sấm. Bà bảo tôi 
xạo, vì có biết tiếng các nước khác đâu mà nói liều 
vậy! Tôi cười trừ cho xong chuyện. Tôi xin phép về, 
bà mời ở lại ăn cơm với gia đình. Phần vì đã trưa 
rồi, phần vì trong túi cũng chẳng có tiền, phần vì 
ngửi thấy mùi cá biển rán thơm phức và nhìn thấy 
những miếng đậu phụ dim cà chua vàng óng đến là 
hấp dẫn tôi không thể không ở lại ăn cơm. Nghỉ trưa 
xong bà lại đi làm. Trước khi đi bà không quên 
nhắc Dũng ở nhà tiếp đãi mình đàng hoàng, hai đứa 
đi đâu nhớ khóa cửa cẩn thận. Tôi còn nhớ hồi ấy 
bà làm thư ký cho bà Nguyễn Thị Thập, chủ tịch Hội 
phụ nữ Việt nam, cơ quan ở ngay phố Hàng Chuối. 
   Buổi chiều Dũng theo tôi về cơ quan Viện Toán 
ở 208 D phố Đội Cấn. Gọi là Viện Toán cho oai chứ 
thực ra chỉ có một dãy nhà vách đất, lợp bằng lá 
gồi, cửa chưa có, gió ra vào thỏa thích. Phòng tôi 
làm việc cũng là ngủ, không giường chiếu, tủ nọ, 
tủ kia gì cả, chỉ có ba cái bàn và ba cái ghế chỏng 
chơ giữa phòng. Thấy lạ, Dũng hỏi tôi ngủ ở đâu. 
Tôi bảo: 
- Ngủ trên bàn. Dũng ái ngại, không tin. Sau một 
hồi im lặng chẳng ai nói với ai câu nào, thỉnh 
thoảng Dũng chỉ chép miệng và lắc đầu. Để phá vỡ 
không khí căng thẳng, tôi bảo Dũng được ở như vậy 
là tốt lắm rồi, khối người còn không cả có chỗ 
ngồi nữa đấy chứ! Tôi còn khoe với Dũng tuần tới 
sẽ rủ Đinh Văn Vinh mới từ Tiệp về ở cùng cho vui 
vì Vinh cũng chẳng có ai quen ở Hà nội, cứ bơ vơ 
mỗi khi ra Hà nội. Dũng bảo:
- Nhà em có một cái giường bằng sắt kiểu bệnh viên 
nhận viện trợ từ các nước XHCN. Em sẽ hỏi mẹ em để 
cho anh dùng, giường này tốt lắm, hai người nằm 
thoải mái. 
Trong đầu tôi lóe lên tia hy vọng. Tuy vậy, tôi 
cũng nói tỏ vẻ khách sáo:
- Như vậy còn gì bằng nữa. Nhưng, mình sợ làm phiền 
mẹ Dũng quá.
Dũng bảo tôi cứ yên tâm, để Dũng lo. Mẹ Dũng hay 
thương người lắm mà!
Chiều hôm sau, khoảng 2 giờ, tôi vừa ngủ dậy đã 
thấy Dũng đứng ngoài mái hiên, gần của ra vào. 
Dũng bảo tôi mặc quần áo nhanh lên để đến nhà Dũng 
lấy giường. Tôi hỏi lại Dũng:
- Mẹ cậu đồng ý rồi à?
- Sao lại không đồng ý! Mẹ em còn hỏi anh cần gì 
nữa không?
Đến nhà Dũng đã thấy chiếc giường sắt sạch bóng 
để ngay trước cửa ra vào cùng với dây thừng để buộc 
cẩn thận. Tôi và Dũng hí hoáy luồn một cái sào dài 
hơn 2 mét vào thành giường và buộc một đầu sào vào 
cột yên của xe Dũng và một đầu vào ghi đông xe của 
tôi. Hai đứa cố lên xe đạp,nhưng không đạp được 
đành dắt bộ suốt từ khu TT Nguyễn Công Trứ về Viện 
Toán ở 208 D Đội Cấn, gần chục cây số. Về tới Viện 
Toán đã hơn 8 giờ tối. Hai thằng lại hì hục kê 
giường cạnh ngay cửa sổ nhìn ra ao rau muống của 
HTX Núi Bò mát rượi. Xong xuôi rồi Dũng lại mời tôi 
đi ăn phở mừng tôi có giường mới. Hôm sau Dũng tới 
nói với tôi:
- Hôm qua em về tới nhà đã hơn 10 giờ, má em cứ lo 
xảy ra chuyện gì. Khi thấy em về bà mừng quá. Em 
kể là đã kê giường cho anh tử tế rồi. Vậy bà mới 
yên tâm.
Tôi gửi lời Dũng về cảm ơn tấm lòng của bà và hẹn 
lúc nào rỗi sẽ tới thăm và cám ơn bà sau.
Dũng biết tôi có cô bạn ôn thi đại học, ngày nào 
cũng tới thư viện ở phố Lý thường Kiệt học với tôi, 
lúc nào cũng quấn lấy tôi như hình với bóng. Dũng 
hay mời tới nhà làm cơm đãi đàng hoàng. Cô bạn tôi 
cứ khen Dũng hiền lành, tử tế và khéo nấu ăn. Dũng 
thì khen cô đẹp, xinh. Nghe vậy tôi cũng thấy buồn 
buồn. Có lần tôi hỏi thực Dũng;
- Nếu mày thích nó, tao làm mối cho. Tao với nó 
đối xử với nhau như anh em ruột, không có chuyện 
gì đâu.
Dũng bảo:
- “Cái gì của vua thì trả cho vua, cái gì của chúa 
thì trả cho chúa”.
Hai đứa cùng cười và từ đấy không ai nhắc đến 
chuyện này nữa. 
Có lần tới nhà Dũng, Dũng hồ hởi đón tiếp từ ngoài 
cửa:
- May quá! Chị gái em vừa tốt nghiệp bên Nga về tối 
hôm qua, vào đây em giới thiệu.
Tôi hỏi chuyện chị Dũng mới biết chúng tôi tốt 
nghiệp phổ thông cùng một năm. Tôi được sang Tiệp 
còn chị Dũng sang Nga.
Nhân lúc chị Dũng ra ngoài, Dũng nói đùa:
- Nếu anh thích chị em thì em xin làm nội ứng, nhất 
định thành công!
- Mình đâu dám ”đũa mốc lại đòi mâm son”, tôi nói 
đùa.
- Anh không thích cứ nói rằng không, việc gì phải 
mượn đến ca dao tục ngữ để từ chối.
Vừa lúc chị Dũng trở về nên câu chuyên bỏ dở cho 
đến tận bây giờ cũng không có ý định tiếp tục.
 
     Hôm Dũng rủ tôi tới thăm Lệ - một cô bạn Dũng 
vừa về từ Tiệp Khắc. Bọn tôi vui vẻ nhắc lại với 
nhau những kỷ niệm của những ngày sống bên Tiệp, 
nhũng quan hệ bạn bè mới cũ bây giờ làm gì… Lệ là 
một cô gái xinh đẹp, cao to, có lẽ phải cao tới 
1 mét 7. Lệ nói chuyện rất có duyên, đặc biệt có 
điệu cười rất đôn hậu và quyến rũ con trai.
Lúc về, tôi ướm hỏi Dũng:
- Nếu ông có ý định, tôi xin ủng hộ và sẵn sàng 
điếu đón cho ông những lúc ông cần.
Dũng bảo:
- Lệ đẹp như vậy, em thì nhỏ con như thế này, 
không xứng với nhau. Bọn em qúi nhau lắm và cũng 
đã xác định không lấy nhau và sẽ làm bạn suốt đời.
- Ông không nên tự ti như thế. Ông nên nhớ: “Con 
ong đốt chột quả bầu đấy”. Thời buổi này mà bọn mày 
còn định áp dụng tiểu thuyết vào cuộc sống của 
riêng mình thì buồn cười thật đấy.
- Đấy rồi anh xem.
Một năm sau Dũng cùng gia đình chuyển vào Sài gòn. 
Năm đầu tôi và Dũng còn thường xuyên thư từ qua lại. 
Sau tôi vấp vào chuyện gia đình rắc rối nên thư qua 
lại thưa dần và tới lúc lịm hẳn. Cách đây mấy tháng, 
tôi thấy ảnh Dũng ngồi uống bia cùng mấy bạn trong 
làng Dân Tiệp chúng mình. Tôi có ý định tìm lại 
liên lạc và tiếp tục trao đổi quan hệ tình cảm với 
Dũng như xưa. Có ai ngờ hôm qua mở e-mail của làng 
ra mới hay Dũng đã đi rồi.
     Tôi viết vội vài dòng này gửi tới các bạn và 
coi như đốt nén nhang tiễn biệt Dũng về nơi an nghỉ 
vĩnh hằng. Cầu mong linh hồn Dũng được siêu thoát.  
 
nxtan@math.ac.vn

Xin lỗi anh gì (TẤN?): Viết ẩu quá, thiếu dấu, sai ngữ pháp, nhưng chắc anh viết 
tiếng Séc còn chuẩn, dân Mafis mà (đùa thôi nhé, BBT xin phép chỉnh sửa để đưa lên cho đẹp).

2 nhận xét:

  1. CLB Praha, SGN
    Em là Nguyễn Mười, củng là người được anh Dủng rất mến thương. Cảm ơn
    anh đã cho em biết thêm về anh Dủng ( cho em được biết tên anh với
    nhé). Em đang ở Praha nên không thể đến thắp cho anh Dủng nén nhang
    tiển biệt. Chỉ còn biết nuốt nước mắt vào chờ ngày về SG để thắp nhang
    sau vậy.
    Ahoj ,
    Mười.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mười thân mến,

      Người kể lại những kỷ niệm về Dũng là anh Xuân Tấn, học Toán song rất mê văn thơ. Hồi mình mới lên Praha thì được nhà giáo ưu tú ("yêu tí") bây giờ là Nguyên đưa sang chơi phòng anh Xuân Tấn. Một ấn tượng cho đến bây giờ và tối hôm qua còn nhắc lại cho bà xã nghe (bà xã vì mới qua lại Bangkok nên nói cho bà chuyện Dũng đã đi nên nhắc đến anh Xuân Tấn luôn) là trên sàn nhà, kể cả dưới gầm giường toàn sách văn thơ và nhà thì luôn kéo rèm.

      Nếu có gì thêm về cá nhân chắc để anh Xuân Tấn tự thuật vậy.

      Thân mến,
      Tiến

      Xóa