Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

MẸ TÔI ĐI TÂY


Phần 1

Trước đây tôi có viết một truyện ngắn: “Mẹ tôi đi tây” (Mời các bạn đọc phần sau). Thực tế truyện ngắn này tôi bịa hoàn toàn. “Nghe hơi nồi chõ” của mấy thằng đi tây về, rồi phóng tác. Tất nhiên, trong truyện ngắn đó có nhiều điều không có thật, vì lúc đó suy nghĩ như vậy và thiếu thông tin. Mong bạn đọc thể tất.
Còn những điều tôi viết dưới đây, gần như nguyên vẹn lời Mẹ tôi kể lại.
… Mẹ tôi có hơn năm mươi tuổi Đảng. Với Đảng, với Cụ Hồ, Mẹ tôi nguyện một lòng trung thành. Cho dẫu thời buổi gần như nhiễu nhương, trong lòng, trước khi đi tây, Mẹ vẫn nói với chúng tôi: “Không có Đảng, không có Cụ Hồ không có ngày nay đâu các con ạ!”. Với các nước tư bản, cho dù trong nhà tôi, toàn bộ đồ đang sử dụng, từ miếng chùi chân cho đến máy điều hòa, thậm chí cả lon sữa bột mà Mẹ vẫn uống hàng ngày, đều là đồ tư bản, nhưng cứ sau mỗi buổi đi nghe thời sự hay học nghị quyết về, Mẹ đều giảng giải cho chúng tôi nghe: “Bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn là thối nát, bóc lột, phản động không thay đổi…”.
Thằng em thứ hai của tôi, đi xuất khẩu lao động ở một nước XHCN Đông Âu trước đây, sau năm 1990, nước này chuyển sang thành nước tư bản, nó ở lại định cư, làm ăn được. Vừa rồi, nó mời mẹ tôi sang chơi.
Tôi nói đùa với Mẹ: “Mẹ sang nước tư bản, nó đang giãy chết. Mẹ đừng đứng dưới chân của nó, nó giãy mạnh, không khéo nó không chết mà mình lại chết trước…”. Mẹ lấy tay cốc vào đầu tôi, làm như tôi còn bé lắm: “…Cái thằng, chỉ được cái nói bậy như đồ phản động..”.
Mẹ tôi đi sang đó hơn hai tháng. Lúc về, Mẹ bảo với tôi đóng hết các cửa lại, rồi Mẹ kể về nước tư bản…
… Mẹ xuống sân bay, con biết không? Em con, nó đến muộn mất độ mười lăm phút. Mẹ sợ quá, hành lý cồng kềnh, tiếng nước họ, mình không biết. Mà chắc chắn họ cũng không biết tiếng nước mình. Đang ngơ ngác, sợ hãi không biết hỏi ai thì có hai ông cảnh sát tiến đến giơ tay chào Mẹ. Một trong hai ông ấy mời mẹ lên chiếc xe lăn, còn ông kia đỡ cho Mẹ hai chiếc va ly lên chiếc xe đẩy. Họ đưa mẹ vào một nhà nghỉ trong ga sân bay rất đẹp, lấy nước lạnh mời mẹ uống rồi ra dấu đề nghị Mẹ đưa tay để họ đo huyết áp, khám sức khỏe. Sau đó họ ra hiệu cho Mẹ đưa địa chỉ, điện thoại của em con để họ liên lạc… Mẹ định đưa thì em con đến. Họ bàn giao toàn bộ va ly, giấy tờ cũng như hiện trạng sức khỏe của Mẹ. Họ yêu cầu em con ký vào tờ giấy. Xong thủ tục, họ lại đứng nghiêm chào Mẹ, rồi mới đi ra, thái độ rất lịch sự, nhã nhặn, đàng hoàng… Mẹ định bảo em con, giống như bên mình, bồi dưỡng cho họ ít tiền cũng là sự biết ơn. Không có hai người cảnh sát này Mẹ không biết xử lý như thế nào giữa nhà ga sân bay rộng mênh mông. Em con lắc đầu, nói ngay: “Bên này không có chuyện đó đâu Mẹ ơi! Đó là nhiệm vụ phải làm của cảnh sát sân bay. Thấy Mẹ là người già, họ có trách nhiệm giúp đỡ. Họ không làm việc này, bị kỷ luật ngay. Bên này nghiêm lắm…”Mẹ ngạc nhiên thực sự nói với em: “Cảnh sát tư bản sao mà tốt thế, bên mình mà có mấy người cảnh sát như thế này, mẹ nhất định đề nghị chi bộ kết nạp vào Đảng.”
Em con đưa Mẹ ra xe. Trên đường về nhà, Mẹ, con nói đủ thứ chuyện. Mải nói chuyện, xe của em con chuyển làn đường mà không tăng tốc, không ra hiệu. Đi được một lúc ,nghe tiếng còi xe đằng sau, em con giật mình mới biết mình đi sai luật. Em con nói với Mẹ: “Mình bị phạt rồi!”. Mẹ nói với nó: “Mẹ có thấy công an đâu! Nếu có, con để mẹ nói một câu, chắc họ cũng thông cảm hoặc bồi dưỡng ít tiền để họ bỏ qua…”Thằng em con cười: “Bên này làm gì có chuyện xin xỏ, hối lộ. Ai vi phạm là phạt, bất kể dân thường hay thủ tướng, tổng thống… không có công an, nhưng camera ghi lại hết…”. Độ một tuần sau, em con nhận được biên lai trừ tiền phạt từ trong tài khoản và hình ảnh ghi lại chiếc ô tô của em con chuyển làn không đúng quy định. Mẹ phục lắm. Thế này thì làm sao mà tham ô với hối lộ như công an bên mình mà ti vi vẫn đưa… tài thật!
Em con đưa Mẹ tham quan mấy nước lân cận bằng xe buýt hai tầng. Mẹ là người già nhất trong những khách đi xe hôm ấy và vì thế luôn được ưu tiên. Đi ô tô Mẹ được nằm chỗ tốt nhất, gần người lái xe. Đến chỗ nghỉ, bao giờ ông lái xe cũng yêu cầu mọi người nhường cho Mẹ xuống trước. Ông còn nói với em của con, Mẹ cần gì? Có yêu cầu như thế nào? Ông đều đáp ứng. Ông cười rất thân thiện với Mẹ, cho dù bất đồng ngôn ngữ mà cứ cảm giác ông ấy là người nhà. Mẹ cứ nghĩ mãi. Sao tư bản có người tốt thế! Ở Việt Nam mà lái xe tốt như thế này, thế nào cũng được bầu làm lao động tiên tiến, rồi ưu tiên  vào lăng viếng Bác Hồ.
Rồi Mẹ lại kể cho chúng tôi nghe về chuyện đường sá bên đó đẹp như thế nào? Xe cộ đi lại trật tự ra sao? Các siêu thị, công viên lớn, nhà cao, hiện đại… cái gì cũng hơn Việt Nam cả. Mẹ kết luận: “Đẹp, lớn, hiện đại… Việt Nam mình còn lâu mới theo kịp… Nhất là con người, họ văn minh, có văn hóa lắm, không như bên mình, đến Đảng Viên như mấy ông cán bộ lớn cũng còn thua…”.
Hết buổi nói chuyện, Mẹ thì thầm giọng quan trọng: “… Mẹ nói vậy, các con nghe rồi để bụng, đừng kể cho ai. Nếu không, mấy ông lãnh đạo biết, sẽ bảo là Mẹ đi tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản, dính vào luận điệu của bọn phản động bêu xấu Chủ Nghĩa Xã Hội, chống Đảng là chết ”.
Nghe Mẹ nói thế, chúng tôi thương quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét