Thưa các bạn công dân:
Tôi
đứng ở đây hôm nay cảm thấy mình nhỏ bé trước nhiệm vụ mà chúng ta phải
đối diện, cảm thấy biết ơn niềm tin mà các bạn đã trao cho tôi, và ý
thức được những sự hy sinh mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu. Tôi
cảm ơn Tổng thống Bush về sự phụng sự quốc gia của ông, cũng như sự hợp
tác và sự rộng lượng mà ông đã cho chúng ta thấy trong giai đoạn chuyển
tiếp.
Bốn
mươi tư người Mỹ đã nói lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời
thề này đã từng được nói lên trong những thời thịnh vượng dâng cao và
hòa bình ngự trị. Nhưng lời thề này cũng thường được nói giữa những lúc
mây đen bão cả. Vào những lúc đó, nước Mỹ có thể vững bước đi tiếp không
đơn giản chỉ vì kỹ năng hay viễn kiến của những người lãnh đạo cao nhất
của đất nước, mà bởi vì Chúng ta như một Dân tộc đã luôn trung thành
với những lý tưởng của tiền nhân, và luôn làm đúng theo tôn chỉ lập
quốc.
Điều này trước nay đã là như thế. Với thế hệ người Mỹ hiện giờ nó cũng sẽ phải là như thế.
Việc
chúng ta hiện đang ở giữa một cuộc khủng hoảng là một điều chúng ta
hiểu rõ. Đất nước chúng ta đang ở trong một cuộc chiến chống lại một
mạng lưới bạo lực và hận thù lan rộng. Nền kinh tế của chúng ta bị suy
yếu nặng nề, hậu quả của cả lòng tham và sự vô trách nhiệm của một số
người, nhưng cũng là hậu quả của sự thất bại chung của chúng ta khi có
những lựa chọn khó khăn và khi chuẩn bị cho đất nước của chúng ta bước
vào một thời đại mới. Người ta đã bị mất nhà, mất việc; các doanh nghiệp
bị đóng cửa. Chi phí y tế của chúng ta quá cao; trường học của chúng ta
không đáp ứng được việc học của quá nhiều người; và mỗi ngày mới lại
mang đến thêm những bằng chứng mới rằng cách chúng ta sử dụng năng lượng
làm tồi tệ hơn những khó khăn của chúng ta và đe dọa hành tinh của
chúng ta.
Đây
là những chỉ dấu của khủng hoảng, dù rằng để biết chắc chúng ta còn
phải có số liệu và các chỉ tiêu thống kê. Một điều khác khó định lượng
nhưng không kém phần quan trọng là sự suy giảm lòng tin trên khắp đất
nước – nỗi sợ dai dẳng rằng sự sụt giảm vị thế của nước Mỹ là không thể
tránh khỏi, và rằng thế hệ kế tiếp cần phải hạ thấp những kỳ vọng của
họ.
Hôm
nay tôi nói với các bạn rằng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt
là có thật. Những thách thức này có nhiều và nghiêm trọng. Vượt qua
những thách thức này không phải là việc dễ dàng có thể làm trong một
khoảng thời gian ngắn. Nhưng xin hãy biết điều này, hỡi nước Mỹ - những
thách thức này chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua. Ngày hôm nay, chúng ta
cùng có mặt ở đây là vì chúng ta đã lựa chọn hy vọng chứ không phải sợ
hãi, sự đoàn kết về mục đích chứ không phải mâu thuẫn và bất đồng.
Ngày
hôm nay, chúng ta đã đến để cùng tuyên bố kết thúc thời của những lời
phàn nàn lặt vặt và những lời hứa trống rỗng, những lời lẽ cáo buộc
tranh tụng và những thứ giáo điều cũ mèm, những thứ mà đã quá lâu nay
bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta.
Chúng
ta vẫn là một đất nước trẻ tuổi, nhưng như trong Thánh Kinh có nói, là
đã đến lúc bỏ những trò con trẻ qua một bên. Đã đến lúc chúng ta cùng
khẳng định tinh thần bất diệt của chúng ta; lựa chọn một lối đi lịch sử
tốt hơn; để mang lên phía trước món quà quý giá, ý tưởng cao cả đã được
truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác: lời hứa của đấng Sáng tạo rằng mọi
người sinh ra đều bình đẳng, đều tự do, và đều xứng đáng được có cơ hội
mưu cầu trọn vẹn hạnh phúc của họ.
Khi
tái khẳng định sự vĩ đại của đất nước của chúng ta, chúng ta cùng hiểu
rằng sự vĩ đại không bao giờ là một thứ tự nhiên mà có. Người ta phải
phấn đấu để có được nó. Hành trình của chúng ta chưa bao giờ là một hành
trình của những ngõ tắt, hay chấp nhận chín bỏ làm mười. Hành trình đó
chưa bao giờ là con đường dành cho những người hèn nhát – những người
thích nghỉ ngơi hơn là lao động, hay những người chỉ tìm kiếm khoái cảm
từ của cải và danh tiếng.
Ngược
lại, con đường chúng ta đi là của những người dám chấp nhận rủi ro,
những người dám làm, những người sáng tạo ra mọi vật – một vài người
trong số đó được nổi tiếng tôn vinh nhưng khuôn mặt của đa số còn lại bị
phủ khuất sau những nỗ lực lao động của họ, những người này đưa chúng
ta tiến lên trên một con đường dài, gian khó tiến tới thịnh vượng và tự
do.
Vì chúng ta, họ đã đóng gói chút tài sản ít ỏi và vượt qua các đại dương đi tìm cuộc đời mới.
Chính
vì chúng ta, họ đã làm việc cật lực trong những xưởng thợ và định cư ở
miền Tây; chịu đựng roi quất lên thân mình và xới cầy đất cứng.
Chính vì chúng ta mà họ chiến đấu và thiệt mạng, ở những nơi như Concord và Gettysburg; Normandy và Khe Sanh.
Hết
lúc này qua lúc khác những người đàn ông và đàn bà này đã đấu tranh và
hy sinh và lao động cho tới lúc bàn tay họ sưng tấy chỉ để chúng ta có
được một đời sống tốt đẹp hơn. Họ nhìn thấy nước Mỹ lớn hơn là chỉ một
tổng số của những tham vọng cá nhân; vĩ đại hơn mọi sự khác biệt về xuất
thân hay tài sản hay phe nhóm.
Đây
chính là cuộc hành trình mà hôm nay chúng ta tiếp tục đi. Chúng ta tiếp
tục là đất nước mạnh mẽ nhất, thịnh vượng nhất trên Trái Đất. Vào lúc
này nhân công của chúng ta có năng suất không kém gì trước khi cuộc
khủng hoảng này bắt đầu. Trí tuệ của chúng ta không kém phần sáng tạo,
hàng hóa và dịch vụ của chúng ta được người ta cần đến không kém gì tuần
trước hay tháng trước hay năm trước. Năng lực của chúng ta không hề sút
giảm. Nhưng cái thời mà chúng ta đứng chỉ tay, thời bảo hộ cho những
lợi ích hẹp hòi và thời trì hoãn những quyết định khó khăn – cái thời đó
chắc chắn là đã qua rồi. Bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta cần phải
nâng mình đứng dậy, rũ bụi khỏi người, và bắt đầu công trình tái tạo
nước Mỹ. Bởi vì bất kỳ ở đâu chúng ta nhìn thì ở đó đều có việc phải
làm. Hiện trạng của nền kinh tế đòi hỏi phải có hành động, hành động
phải nhanh và mạnh mẽ, và chúng ta sẽ hành động – không phải chỉ để tạo
ra công việc mới mà còn để tạo ra nền móng mới cho tăng trưởng. Chúng ta
sẽ xây đường và xây cầu, xây lưới điện và những đường truyền số liệu
giúp nuôi sống nền thương mại của chúng ta và giúp gắn bó chúng ta.
Chúng ta sẽ khôi phục vị trí xứng đáng của nền khoa học, và dùng những
phép mầu của công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm chi phí của y tế.
Chúng ta sẽ nắm bắt năng lực của mặt trời và gió và đất để vận hành xe
hơi và công xưởng của chúng ta. Và chúng ta sẽ biến đổi trường học và
trường đại học của chúng ta để đáp ứng được những nhu cầu của một thời
đại mới. Tất cả những điều này chúng ta đều có thể làm. Và tất cả những
điều này chúng ta đều sẽ làm.
Phải
nói rõ là sẽ có vài người đặt câu hỏi về tầm vóc những tham vọng của
chúng ta, họ cho rằng hệ thống của chúng ta không đủ sức nâng đỡ quá
nhiều kế hoạch lớn.
Trí
nhớ của họ có lẽ không đủ dài. Bởi vì họ đã quên những gì đất nước này
đã từng làm; những gì mà những người đàn ông và đàn bà tự do có thể đạt
được khi trí tưởng tượng được gắn kết vào với một mục đích chung, và khi
sự cần kíp được gắn kết vào với lòng can đảm.
Điều
mà những người hoài nghi này không hiểu được là việc đất đã dịch chuyển
dưới chân họ - rằng những tranh biện chính trị cũ kỹ làm mất thời gian
của chúng ta bao lâu nay giờ không còn áp dụng được nữa. Hôm nay câu hỏi
chúng ta hỏi không phải là chính quyền của chúng ta như thế là quá to
hay quá nhỏ, mà là chính quyền có vận hành tốt không – liệu chính quyền
có giúp đỡ các gia đình tìm được việc làm với mức lương hợp lý, sự chăm
sóc sức khỏe mà họ có đủ tiền trả, một thời hưu trí mà trong đó người ta
bảo lưu được phẩm giá của mình. Những chỗ nào câu trả lời là có thì
chúng ta sẽ cố tiến lên thêm nữa. Những chỗ nào câu trả lời là không,
thì các chương trình phải ngưng lại. Và những người nào trong số chúng
ta có trách nhiệm quản trị những khoản tiền công cộng sẽ bị buộc phải
gắn bó trách nhiệm – phải chi tiêu khôn ngoan, sửa đổi những thói quen
xấu, phải làm mọi việc công minh như trong ánh sáng ban ngày – bởi vì
chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể khôi phục được lòng tin có tầm
quan trọng sống còn giữa người dân và chính quyền của họ.
Câu
hỏi bây giờ chúng ta hỏi cũng không phải là câu hỏi về việc thị trường
là một thế lực tốt hay xấu. Năng lực của thị trường trong việc tạo ra
của cải và mở rộng quyền tự do là không gì sánh nổi, nhưng cuộc khủng
hoảng này lại gợi nhớ cho chúng ta rằng nếu không bị đặt dưới con mắt
kiểm soát thì thị trường có thể lao ra khỏi vòng kiểm soát – và rằng một
quốc gia không thể làm giầu được lâu nếu nó chỉ ưu tiên những người
giầu có.
Sự
thành công của nền kinh tế của chúng ta từ trước đến nay luôn phụ thuộc
không phải vào kích thước của Tổng Sản lượng Quốc gia của chúng ta, mà
phụ thuộc vào tầm với của sự thịnh vượng của chúng ta; vào khả năng của
chúng ta mang cơ hội đến cho mọi trái tim sẵn sàng cố gắng – không phải
vì lòng từ thiện mà vì đó là con đường chắc chắn nhất đạt tới sự thịnh
vượng của chung chúng ta.
Về
vấn đề tự vệ chung, chúng ta gạt bỏ cách đặt vấn đề tự vệ như là một
lựa chọn giữa sự an toàn của chúng ta và những lý tưởng của chúng ta.
Những Bậc Khai Quốc của chúng ta, khi đối mặt với những hiểm nguy mà giờ
chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi, đã thảo ra một hiến chương bảo đảm
nền pháp trị và quyền con người, một hiến chương được mở rộng ra bằng
máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng đó hôm nay vẫn còn chiếu sáng cho
thế giới, và chúng ta sẽ không bỏ rơi những lý tưởng đó chỉ vì lợi riêng
của chúng ta.
Và
tôi muốn nói tới một dân tộc và mọi chính quyền hôm nay đang theo dõi
thời khắc này của chúng ta, từ những thủ đô vĩ đại nhất cho tới ngôi
làng nhỏ nơi cha tôi đã sinh ra: rằng nước Mỹ là bạn của mọi quốc gia và
của mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ tìm kiếm một tương lai của hòa
bình và phẩm giá, và rằng chúng tôi đã lại sẵn sàng để một lần nữa làm
người dẫn đường.
Hãy
nhớ lại rằng những thế hệ trước đây đã hạ bệ chủ nghĩa phát xít và chủ
nghĩa XX (cs J) không phải chỉ với hỏa tiễn và xe tăng, mà còn cả với
những khối liên minh vững chắc và những niềm tin không lay chuyển. Họ
hiểu rằng chỉ mình sức mạnh của chúng ta thì không đủ để bảo vệ chúng
ta, cũng không đủ để cho chúng ta cái quyền muốn hành xử thế nào tùy ý.
Thay vào đó, họ biết rằng sức mạnh của chúng ta sẽ lớn lên thông qua
việc sử dụng nó một cách khôn ngoan; sự an toàn của chúng ta đến từ sự
công minh trong lý tưởng của chúng ta, năng lực của những ví dụ chúng ta
thực hiện làm gương, những phẩm chất được tôi luyện của sự khiêm nhã và
kiềm chế.
Chúng
ta là những người có trách nhiệm gìn giữ di sản này. Được chỉ dẫn bởi
chính những nguyên tắc này một lần nữa, chúng ta có thể đối mặt với
những mối đe dọa đòi hỏi những nỗ lực còn lớn hơn trước nữa – và cả sự
hợp tác, sự thông hiểu lớn hơn nhiều nữa giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ
khởi đầu bằng việc rút lui một cách có trách nhiệm, trả lại Iraq cho cư
dân của nó, và kiến tạo một nền hòa bình đắt giá ở Afghanistan. Với
những người bạn cũ và cả cựu thù, chúng ta sẽ làm việc không mệt mỏi để
làm giảm mối đe dọa hạt nhân, và quay ngược lại nhiệt kế của một hành
tinh đang ấm dần lên. Chúng ta sẽ không phải xin lỗi ai về lối sống của
chúng ta, và chúng ta cũng sẽ không lơi là bảo vệ lối sống đó, và đối
với những kẻ đang cố cổ võ cho mục đích của chúng bằng khủng bố và giết
hại người vô tội, chúng ta nói với các người rằng ý chí của chúng ta giờ
mạnh mẽ hơn và không thể nào bị bẻ gẫy; các người sẽ không thể tồn tại
lâu hơn chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các ngươi.
Bởi
vì chúng ta biết rằng di sản ghép nhặt của chúng ta là một sức mạnh chứ
không phải là một điểm yếu. Chúng ta là một đất nước của người Thiên
Chúa giáo và người Hồi giáo, của người Do thái giáo và người Ấn độ giáo,
và của cả những người vô thần. Chúng ta được định hình bởi mọi ngôn ngữ
và mọi nền văn hóa, được lấy từ mọi miền Trái Đất; và bởi vì chúng ta
đã nếm trải vị đắng của nội chiến và sự chia rẽ phân biệt, và đã vươn
mình lên từ thời đen tối đó mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn, chúng ta không
thể không tin được rằng những hận thù cũ một ngày nào đó sẽ biến mất;
những ranh giới bộ lạc sẽ bị xóa nhòa; và rằng khi thế giới trở nên nhỏ
hơn thì cái gốc nhân ái chung của chúng ta sẽ hiện ra; và rằng nước Mỹ
phải đóng một vai trò trong việc đón chào kỷ nguyên mới của hòa bình.
Đối
với thế giới Hồi giáo, chúng ta tìm kiếm một con đường mới để tiến lên,
dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với những lãnh đạo
trên khắp địa cầu đang muốn gieo hạt mâu thuẫn, hay đổ lỗi cho những
phương Tây là gây ra những tệ nạn trong xã hội của họ - họ cần biết rằng
nhân dân của họ sẽ phán xét họ dựa trên những gì họ có thể xây dựng nên
chứ không phải những gì họ có thể phá đi. Đối với những người đeo bám
lấy quyền lực thông qua những phương cách tham nhũng và lừa dối và sự
bịt miệng những tiếng nói phản kháng, hãy biết rằng các vị đang đi ở bên
lề trái của lịch sử; nhưng chúng tôi sẵn sàng đưa sang một bàn tay nếu
như các vị sẵn lòng nới lỏng nắm đấm.
Đối
với những người ở các nước nghèo, chúng tôi hứa sẽ làm việc cạnh các
bạn để giúp cho đồng ruộng của các bạn sinh sôi và nước sạch có thể
chảy; để cấp dưỡng cho những cơ thể đói ăn và những tâm hồn đói kiến
thức. Và đối với những đất nước như đất nước của chúng ta đây có điều
kiện đời sống no đủ, chúng ta nói rằng chúng ta không thể nào tiếp tục
duy trì sự thờ ơ với những cảnh sống đau khổ bên ngoài biên giới của
chúng ta nữa; và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiêu thụ những nguồn
tài nguyên của thế giới mà không thèm để ý gì tới hậu quả của việc đó.
Bởi chưng thế giới đã thay đổi, và chúng ta phải thay đổi cùng với nó.
Khi
chúng ta khảo sát con đường đang hiện ra trước mắt, chúng ta nhớ với
lòng biết ơn ngưỡng vọng tới những người Mỹ can đảm, vào chính giờ khắc
này, đang tuần tra những nơi sa mạc và núi non xa xôi. Họ có điều gì để
nói với chúng ta hôm nay, giống như những vị anh hùng tử sĩ nằm bên
nghĩa trang Arlington thì thầm qua nhiều năm tháng. Chúng ta tôn vinh họ
không phải chỉ vì họ bảo vệ cho tự do của chúng ta, mà còn bởi vì họ là
hiện thân của một tinh thần phụng sự; một sự sẵn lòng tìm kiếm ý nghĩa
của đời sống trong một điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân họ. Và chính
đó, vào chính thời điểm này – một thời điểm sẽ định hình cả một thế hệ -
cái tinh thần phụng sự đó phải là tinh thần tràn đầy tâm trí mỗi chúng
ta.
Bởi
vì dù chính quyền có thể làm và phải làm nhiều tới đâu thì cuối cùng
đất nước này vẫn phụ thuộc vào niềm tin và sự quyết tâm của những con
người Mỹ. Chính là cái sự tử tế cưu mang người lạ khi đê bao chắn nước
bị vỡ, sự vô tư bất vị thân của những người thà phải cắt ngắn bớt giờ
làm còn hơn phải thấy một người bạn bị mất việc đã giúp chúng ta đi qua
được những giờ phút đen tối. Chính là sự can đảm của người lính cứu hỏa
lao mình vào cầu thang tràn ngập khói, và cả sự sẵn lòng của một người
cha mẹ đơn thân tự nuôi đứa con của mình, quyết định số phận của chúng
ta.
Những
thử thách của chúng ta có thể mới. Những công cụ chúng ta dùng để đối
mặt và vượt qua thử thách có thể mới. Nhưng những giá trị mà sự thành
công của chúng ta phụ thuộc vào – sự cần cù và tính trung thực, sự can
đảm và tinh thần chơi đẹp, sự bao dung và sự tò mò ham học, lòng trung
và tinh thần ái quốc – những giá trị đó đều là cũ. Những điều này đều là
thật. Chúng ta đã sức mạnh tiến bộ âm thầm trong suốt chiều dài lịch sử
của chúng ta. Điều nhất thiết phải làm là phải quay lại với những sự
thật này. Điều mà chúng ta được đòi hỏi bây giờ là một kỷ nguyên mới của
trách nhiệm – một sự nhận thức của mỗi cá nhân người Mỹ rằng chúng ta
có nghĩa vụ với chính bản thân chúng ta, với đất nước của chúng ta, và
với thế giới, những nghĩa vụ không phải chúng ta lầm lì buộc phải chấp
nhận mà là những nghĩa vụ chúng ta vui mừng nắm lấy, đứng vững trong
hiểu biết rằng không có gì thỏa mãn tốt hơn cho tâm hồn, không có gì tôi
luyện tốt hơn cho tính cách, là trao trọn bản thân chúng ta cho một
nghĩa vụ khó khăn.
Đây là cái giá và lời hứa của quốc tịch.
Đây
cũng là nguồn của sự tự tin của chúng ta – sự hiểu biết rằng Chúa Trời
giao cho chúng ta phần trách nhiệm định hình một số phận bất định.
Đây
là ý nghĩa của sự tự do và tín điều của chúng ta – là lý do tại sao
những người đàn ông và đàn bà và trẻ nhỏ của mọi chủng tộc và mọi tín
ngưỡng có thể cùng về đây chung vui trên công trường tuyệt đẹp này, và
đó là lý do tại sao mà một con người mà cha của người đó mới 60 năm
trước đây có thể đã không được phục vụ tại một tiệm ăn địa phương giờ
lại được đứng ở đây trước các bạn để nói lời tuyên thệ thiêng liêng nhất
như thế này.
Vì
thế xin hãy đánh dấu ngày này với một sự ghi nhớ, về việc chúng ta là
ai và chúng ta đã đi được bao xa. Trong năm nước Mỹ khai sinh, trong
những tháng mùa đông lạnh nhất, một nhóm những người yêu nước đã túm tụm
lại bên những đống lửa đang tắt dần trên bờ một con sông đóng băng. Thủ
đô đã bị tiêu thổ. Kẻ thù đang tiến đến. Tuyết trắng trộn lẫn với máu
đỏ. Vào một thời điểm mà thành quả của cuộc cách mạng của chúng ta bị
nghi ngờ trầm trọng nhất, người cha của đất nước của chúng ta đã ra lệnh
gửi những lời sau tới cho dân chúng:
“Hãy
để thế giới tương lai được biết…rằng trong cảnh khốn cùng của mùa đông,
khi không còn gì có thể sống sót ngoài niềm hy vọng và đức tin…rằng
thành phố và nông thôn, cùng bị đánh động bởi một mối nguy chung, đã
cùng đứng lên để đối đầu với [nó].”
Hỡi
nước Mỹ. Đối diện với những mối nguy chung của chúng ta, trong mùa đông
này của sự gian khó, chúng ta hãy cùng nhớ tới những lời lẽ bất tử này.
Với hy vọng và đức tin, chúng ta hãy cùng nhau một lần nữa đi ngược lại
những dòng chảy băng giá, và chịu đựng những cơn bão sắp tới. Hãy để
con cháu của con cháu chúng ta nói rằng khi bị thử thách chúng ta đã từ
chối không chịu kết thúc con đường chúng ta đi, rằng chúng ta đã không
quay đầu lại và không nhu nhược; và với ánh mắt của chúng ta nhìn như
gắn vào đường chân trời và ân điển của Chúa Trời trên vai ta, chúng ta
đã mang tiếp đi món quà vĩ đại là sự tự do để giao nó an toàn tới cho
các thế hệ tương lai.