Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

ĐÀN ÔNG VÀ ĐÀN BÀ

Đàn ông phát hiện ra vũ khí, họ nghĩ đến đi săn. Phụ nữ phát hiện ra nghề đi săn, họ nghĩ đến áo lông thú.
Đàn ông phát hiện ra màu sắc, họ nghĩ đến hội hoạ. Phụ nữ phát hiện ra hội hoạ, họ nghĩ đến trang điểm.
Đàn ông phát hiện ra ngôn ngữ, họ nghĩ đến nói chuyện. Phụ nữ phát hiện ra cách nói chuyện, họ nghĩ đến “buôn dưa lê”.
Đàn ông phát hiện ra nghề nông, họ nghĩ đến thức ăn. Phụ nữ phát hiện ra thức ăn, họ nghĩ đến ăn kiêng.
Đàn ông phát hiện ra tình bạn, họ nghĩ đến tình yêu. Phụ nữ phát hiện ra tình yêu, họ nghĩ đến hôn nhân.
Đàn ông phát hiện ra cách buôn bán, họ nghĩ đến tiền. Phụ nữ phát hiện ra tiền, và đàn ông gặp tai hoạ từ đó!
(ST)

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Lão thành TK66 gặp mặt


Luôn nhớ tới nhau và không quên cùng thưởng thức các món ăn thời sinh viên tại Tiệp Khắc. Các bác chỉ tiếc hôm 27/9 vừa rồi (vì có sinh hoạt CLB Bohemia tối 26/9) không kịp bổ xung knedlíky nên chỉ có súp dạ dày bò, gulás + chléb, rízek, uzené jídlo a pivo. 
Nhà hàng bia Séc - Bohemia 9 Hoàng Cầu xin thứ lỗi và hứa sẽ phục vụ chu đáo trong đợt gặp mặt sau.


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Lời bạt cho "Tuyển tập thơ Séc&Slovakia" của Do.honza - Đỗ Ngọc Việt Dũng

Để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn "Tuyển tập thơ Séc&Slovakia" trong tháng 10.2014 nhân djp kỷ niệm ngày quốc khánh CH Séc 28/10, tôi xin phép các bạn cho đăng lời bạt của nhà thơ Đỗ Quyên (Canada). Bài viết dài nếu có gì không được như ý mong các bạn lượng thứ.


Đỗ Quyên
Giai điệu thơ Tiệp Khắc trong lòng Việt Nam
(Lời bạt Tuyển tập thơ Séc & Slovakia của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng)
“Nếu như mỗi bài thơ đã là một định nghĩa về thơ
thì liệu mỗi bản dịch không chỉ định nghĩa lại mà còn là một định nghĩa khác về thơ?
(Đ.Q.)
*
Hai chữ “Tiệp Khắc” thân quen
Thay cho “Séc và Slovakia”, tôi dùng chữ cũ “Tiệp Khắc”. Hai chữ hết đỗi thân quen và tự hào của cái thuở ban đầu 60 năm trước cho tới thời hoàng kim trong giao lưu văn hóa, chính trị và xã hội giữa hai đất nước Việt Nam và Tiệp Khắc những năm 1980. Đó cũng là tuổi đời, là đoạn đời đẹp nhất mà Nàng thơ Tiệp Khắc dành cho người dịch và biên soạn cuốn Tuyển tập thơ Séc & Slovakia( ).
Bia Tiệp; Pha lê Tiệp; và Hiến chương 77 - Cách mạng Nhung 1989 - Tổng thống Václav Đó là 3 hình ảnh đầu tiên về Tiệp Khắc trong thời đương đại. Với văn nghệ sĩ,, còn là Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary; là Antonín Dvořák - nhà soạn nhạc quan trọng nhất của mọi thời kỳ, có tác phẩm From the new world từng theo những bước chân đầu tiên của loài người chinh phục Mặt trăng; là Franz Kafka - nhà văn gốc Do Thái, người tạo nguồn cho chủ nghĩa Hiện sinh; là Milan Kundera - nhà văn nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc hiện đại; và là Jaroslav Seifert - công dân Tiệp Khắc đầu tiên với tư cách nhà thơ đoạt Giải Nobel về Văn học năm 1984. Thật tự hào cho 18 triệu chủ nhân của 2 ngôn ngữ Séc và Slovak trên toàn thế giới.
Trong hàng ngũ các Đặc sứ Nàng thơ Đông Âu & Nga đang xuất hiện trở lại Việt Nam vào các năm qua như Tạ Minh Châu của Ba Lan, Thụy Anh của Nga, Nguyễn Hồng Nhung của Hungary, Phạm Kỳ Đăng của Đức… đang có thêm Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng của Tiệp Khắc.
Dịch giả Việt-Tiệp
Tự bản chất, mỗi bài thơ đã là một đơn vị nhiều ý nghĩa; ngay trong cùng một văn hóa, một ngôn ngữ cũng đã có nhiều cách hiểu một bài thơ. Do vậy, việc dịch thơ thường bị coi là bất khả thi. Nhưng cũng tự bản chất, như một yếu tố văn hóa, thi ca có tính giao lưu; mà dịch thuật chỉ như một cái giếng lộ thiên cho các dân tộc khác tới cùng hân hưởng nguồn-thơ của dân-tộc-nguồn. Ai sẽ là người đào giếng, khơi mạch nước ngầm? Chính là các dịch giả tri âm tri kỷ. Bao đời nay, giữa thế giới thi ca nhân loại, hàng ngàn dòng thơ đã được hiển lộ trong ánh mắt của những kẻ yêu thơ ở mọi vùng đất nước rất xa khác nhau.
Giờ đây, dường như lần đầu tiên, đang tới với bạn đọc tiếng Việt là một tuyển dịch hệ thống và cụ thể dòng thơ Séc - Slovakia từ cuối thế kỷ 19 đến nay, qua chừng 40 tác giả tiêu biểu với hơn 150 bài thơ.
Trước Do.honza Việt Dũng, ít thấy người dịch tiếng Việt chuyên tâm dịch thơ và giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp các thi sĩ Tiệp Khắc. Nếu có, chỉ với một số ít tác giả nổi tiếng (như J. Neruda, V. Nezval) được “quá giang” trong một tuyển chọn nào đó về thơ thế giới. Hai thập niên nay, theo chúng tôi được biết, có 2 dịch giả nối tiếng và chuyên nghiệp đã là chủ nhân của 4 “bộ sưu tập” tiếng Việt cho thơ Tiệp hiện đại: đó là Dương Tất Từ - chuyên gia dịch văn học Tiệp từ 40 năm nay, và Diễm Châu - nhà thơ kiêm dịch giả tiếng Pháp của hàng chục dòng thơ trên thế giới, trong đó có thơ Tiệp Khắc.( )
Do.honza vốn không phải là dịch giả chuyên nghiệp, chỉ vừa chính thức gia nhập làng văn Việt Nam vài năm nay. Nhưng việc dịch thơ Tiệp Khắc trong anh lặng lẽ cả chục năm rồi, với lòng yêu đất nước, văn hóa và con người Tiệp Khắc mê đắm. Vị Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Martin Klepetko từng nói: “Gọi Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng là người Việt hay người Czech đều được.”
Đọc dịch phẩm này, chúng ta thấy văn hóa và thi ca Séc đã vào anh sâu, nhuyễn. Lời ý thơ được chuyển dịch trầm bổng bám theo nhịp điệu thơ Việt mà vẫn du dương dẫn bạn đọc đến tinh thần của nguyên bản. Vì người dịch chủ trương phá thi điệu thơ Séc nên độc giả hay gặp phải các chỗ bí vần thơ Việt. Để khắc phục điểm yếu tất yếu đó, Do.honza như đã tìm ra sự thông đồng giữa hai ngôn ngữ Việt-Séc vốn rất khác nhau về gốc gác, cũng như sự giao thoa giữa hai tình cảm dân tộc vốn không trùng nhau về phong độ. Anh đã khiến chúng ta cảm nhận được thơ Tiệp Khắc trong từng tác giả, trào lưu, thời kỳ. Ở đây, điểm nhìn của người dịch không thuần túy từ một người Việt rành tiếng Tiệp. Đọc một vài bài hay toàn tập sách này, có thể ai đó khác thị hiếu hoặc khắt khe khi thẩm định thơ chuyển ngữ, song tôi tin là họ đã thấy vẻ đẹp và sự ẩn mật của cái gọi là thi ca.
Trên bình diện quốc gia, Tuyển tập đang làm cho hai Nàng thơ của hai đất nước trở thành bạn hữu thật sự. Đang mang tới các bạn yêu thơ, những người làm thơ và quan tâm đến thơ, trong đó có tôi, một địa chỉ đầy ý nghĩa về văn hóa và hữu ích về nền thơ Tiệp Khắc trong 100 năm qua.
Trong chương trình Người Việt bốn phương trên truyền hình VTV4 vị Phó Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Karel Šrol cho biết bản thân ông và Bộ ngoại giao Séc trong khi theo dõi văn hóa Việt-Séc chưa thấy ai vừa đủ tiếng Séc lại có khả năng thơ hòa nhập đến thế. Và như trong bài tựa cho cuốn sách, nhà nghiên cứu Việt học Ondřej Slówik Nam nhận định: “Quyển sách Tuyển tập thơ Séc & Slovakia do bác Do.honza dịch là một tác phẩm rất đặc biệt tổng quát thơ ca bằng tiếng Tiệp từ thế kỷ 19 đến nay. Kể tới bây giờ, chưa bao giờ có người Việt nào dịch thơ Tiệp kỹ như thế này.”
Trong bài bạt cho một tuyển dịch khác, chúng tôi đã mạn phép đề xuất một loại barem dịch thơ: “Nếu dùng ba tiêu chí Tín, Đạt, Nhã từng rất thân thuộc và khả dụng trong dịch thuật, nhưng theo hai hướng đi ngang và đi lên Tín --> Đạt --> Nhã, ta tạm cho rằng: Tín là đúng nội dung và văn bản của bài thơ cùng phong cách, ngôn ngữ của nhà thơ (Tín: 6-7 điểm). Đạt là truyền thi cảm và chuyển hóa ít nhiều nhịp điệu (Tín + Đạt: 7-8 điểm). Nhã là như một tác phẩm thơ của ngôn ngữ đích (Tín + Đạt + Nhã: 9-10 điểm).”
Theo cách đó, và dù không có khả năng đọc nguyên tác tiếng Séc - Slovak, chúng ta có thể cho rằng người chuyển ngữ Do.honza đã chọn cách dịch Tín mà vươn tới Đạt trong sự cố gắng rất cao để có Nhã. Hầu hết các bản dịch trong tuyển tập đều có nội dung của vấn đề thơ và đạt tính thơ về nghệ thuật.
Như vậy, Tuyển tập thơ Séc & Slovakia là ấn phẩm nhiều ích lợi. Hữu ích là tiêu chuẩn cao nhất cho các tác phẩm tuyển chọn.
“Các nhà thơ - chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi.”
Đó là quan điểm của J. Seifert từng sáng rõ trong Diễn từ Nobel Văn chương 1984( ). Chúng tôi xin trích dẫn hơi dài, bởi khó có thể ngắn hơn nếu muốn hiểu người Séc nói về mình, về thơ ra sao:
“Nhiều người, nhất là người nước ngoài, thường hỏi tôi: làm sao có thể giải thích tình yêu lớn lao mà dân tộc chúng tôi dành cho thơ ca; làm sao ở chúng tôi có thể tồn tại không chỉ lòng quan tâm đến thơ ca, mà là cả một nhu cầu đối với thơ ca. Có lẽ, chỉ có thể giải thích rằng đồng bào tôi có một năng lực hiểu thơ ca lớn hơn bất cứ dân tộc nào khác. Theo tôi nghĩ, đó là một hệ quả của lịch sử dân tộc Séc chúng tôi trong suốt 400 năm qua, và đặc biệt là sự phục sinh dân tộc của chúng tôi vào đầu thế kỷ 19. Việc mất độc lập về chính trị trong thời kỳ Chiến tranh ba mươi năm đã khiến dân tộc chúng tôi bị mai một thành phần tinh hoa nhất về tinh thần và chính trị của mình.”
“Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, cuộc Cách mạng Pháp và thời kỳ Lãng mạn đã khai mở trong chúng tôi những nguồn xung lực mới, khiến dân tộc tôi một lần nữa lại quan tâm đến những lý tưởng dân chủ, đến ngôn ngữ và văn hóa của mình.”; “Thơ ca là một trong những thể loại văn học đầu tiên của chúng tôi được hồi sinh.”;
“Ðiều đó giải thích sự tôn sùng ở nước tôi đối với thơ, và uy thế cao vời mà suốt trong thế kỷ trước người ta vẫn gán cho thơ. Nhưng không phải chỉ trong thế kỷ trước thơ mới đóng vai trò quan trọng. Thơ cũng nở rộ huy hoàng cả vào đầu thế kỷ này và trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, qua đó trở thành phương thức quan trọng nhất để biểu hiện nền văn hóa dân tộc của chúng tôi trong Thế chiến thứ hai, thời kỳ mà nhân dân chịu nhiều thống khổ và chính vận mệnh dân tộc chúng tôi ngàn cân treo sợi tóc.
Mặc cho mọi hạn chế từ bên ngoài, mặc mọi thứ kiểm duyệt, thơ đã thành công trong việc tạo lập những giá trị mang đến cho con người niềm hy vọng và sức mạnh. Cả sau chiến tranh - 40 năm trở lại đây - cũng vậy, thơ chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa ở nước tôi. Dường như sứ mệnh tiền định của thơ, thơ trữ tình không chỉ là nói với con người một cách gần gũi nhất, một cách thân thiết đến cùng cực, mà còn là nơi ẩn náu sâu thẳm và an toàn nhất của chúng tôi, nơi chúng tôi tìm sự cứu rỗi trong những nghịch cảnh mà thậm chí đôi khi chúng tôi không dám tìm tên gọi.”;
“Các nhà thơ, các nhà trữ tình chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi, nói lên khát vọng dân tộc của chúng tôi trong những thời đại đã qua và vẫn đang tiếp tục định hình ý thức đó cho mãi đến ngày nay. Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”
Người Việt, thơ Việt - hơn ai hết, hơn gì hết - rất đáng ký tên chung dưới những dòng chữ máu và hoa đó!
Các khuynh hướng thơ Tiệp Khắc
Trong Tuyển tập có gần đủ các trường phái, trào lưu trong sáng tạo nghệ thuật thơ hiện đại thế giới: Lãng mạn, Tượng trưng, Hiện thực, Siêu thực, Hiện sinh, Vô sản, Hiện thực xã hội chủ nghĩa… Cho dù đa số các tác phẩm được chọn mang giai điệu trữ tình và dịu dàng tưởng như thuần cổ điển. Cho dù với một số tác giả ở hẳn trong các khuynh hướng siêu thực, tượng trưng nhưng cũng được chọn các tác phẩm và được diễn dịch “trữ tình hóa” theo phong cách truyền thống vốn là sở trường của người dịch.
Khác hẳn với thơ Mỹ - Canada, với sự tiến triển đều đặn của mình thơ châu Âu từ cuối thế kỷ 19 đến nay là loại thơ dễ đọc với độc giả Việt Nam vốn từng tiếp nhận trực tiếp thơ hiện đại từ “lò” thơ Pháp. Thơ Tiệp Khắc là tiêu biểu của nền thơ châu Âu trong vẻ thân thiện về tư duy và đậm cảm xúc về ý niệm.
Phần tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp văn học của các tác giả được trình bày kỹ càng, đa dạng. Cả về dung lượng lẫn nội dung đều có thể xem như phần độc lập của cuốn sách. Có không ít tiểu sử tác giả (như O. Březina, J. Neruda, K. Hlaváček) được giới thiệu như các bài tổng quan xinh xinh. Gần 40 chân dung thơ là cả xã hội, chính trị, văn hóa Tiệp Khắc trong một thế kỷ được thu nhỏ.
Qua Tuyển tập, độc giả thấy nổi trội nhất là dòng thơ trữ tình Tiệp Khắc bao gồm ảnh hưởng từ trào lưu Lãng mạn “gốc” cho đến mọi phong cách lãng mạn sau đó cho đến nay. Vì thế có thể gọi đây là tập thơ tình yêu.
Khuynh hướng thứ hai từng làm nên sức mạnh và vị trí thơ Tiệp Khắc trên trường quốc tế là dòng thơ Tượng trưng, được nảy sinh và phát triển đồng thời với trào lưu chung của Pháp và thế giới hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Với nhiều tên tuổi nổi danh thế giới như: O. Březina – “được xem là một trong những hiện tượng lớn nhất của thơ ca thế giới”( ), rồi đến J. Vrchlický, S. Antonín, K. Hlaváček…
Khuynh hướng siêu thực Séc có hai người “khổng lồ” dẫn đầu là V. Nezval, J. Neruda. Chủ nghĩa lãng mạn hồi sinh có K. Erben là đại diện. Mạch thơ Ngôn ngữ tạo hình mới có tên tuổi lớn là V. Holan. Khuynh hướng Hiện sinh với O. Fischer, J. Kainar… Nền thi ca vô sản qua J. Wolker là đại diện tài ba nhất. Dòng thơ đương đại Tiệp Khắc với các tên tuổi: M. Válek, J. Simon, J. Žáček, V. Hrabě, H. Krchovský… Dường như chỉ còn khuynh hướng Hậu hiện đại là không có mặt, nếu không tính P. Horáková mang đôi chút tâm thức sáng tác ngoại biên hóa.
Do tính chất đối lưu của các thi pháp nên không chỉ ở thơ Tiệp Khắc việc xếp đặt tác giả vào các trường phái luôn luôn bị bấp bênh, trừ một vài trường hợp rõ rệt. Danh sách trên chỉ tiện dụng cho các độc giả đang làm quen với thơ Séc - Slovakia.
Thơ Tiệp Khắc nói gì
Không có nhiều đề tài qua thơ được chọn vào Tuyển tập. Người biên soạn có thiên hướng tình yêu (nam nữ, tổ quốc, gia đình), về thiên nhiên, về sự sinh tồn và nhân sinh... Chúng ta phần nào nhận ra, trong thể trữ tình, thơ Tiệp Khắc nghiêng về diễn tả sự việc đời thường với cảm xúc nhẹ, lắng. Tình tứ không mạnh mẽ, thê thiết như thơ tình của Nga. Không dữ dội và sắc cạnh như thơ Đức. Không cụ thể, triết lý thoáng hài hước như thơ Ba Lan... Chất lãng mạn Tiệp Khắc có lẽ dựa trên cảm xúc tương lai mà không quên trực giác hiện tại khi nhìn về cổ điển? Thơ là người. Thơ Tiệp Khắc thể hiện bản tính người Tiệp Khắc an hòa, dễ tính, có phần giản dị; biết lánh đau thương để tìm chỗ tồn tại.
Dù ở thời kỳ, khuynh hướng nào, tạng thơ trong Tuyển tập quả là theo phương châm: “Thơ không viết ra để các nhà thơ và nhà phê bình văn học tiêu thụ với nhau trong một cái nồi úp kín mà ở đó cái gì đó đang lên men mốc giống như Viện hàn lâm Pháp… Thơ viết ra dành cho bạn đọc”. Đúng như nhận định của J. Seifert nêu ở trên: “Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”
Tuyển tập như một “tập đại thành” xinh xắn về tình cảm và tình yêu của người Séc - Slovakia để bạn có thể tin cậy dùng làm quà tặng trong Ngày lễ tình yêu. Và viết đậm lên đó câu thơ của khôi nguyên Nobel văn học 1984 Jaroslav Seifert từng thảng thốt: “Nàng thơ muôn năm, tình yêu muôn năm!”
Các nhà thơ Tiệp Khắc - Ai là ai…
Tuyển tập là chân dung kép về các thế hệ trữ tình Tiệp Khắc dọc thế kỷ qua. Một bức ảnh chung của đại gia đình các tác giả thơ hiện đại Séc - Slovakia (dù phần Slovakia còn rất ít ỏi). Mỗi người mỗi kiểu thơ, và đều là thơ Tiệp Khắc chính hiệu. Không lẫn được.
Bằng tình yêu chân thành và sinh động, Do.honza Việt Dũng đã chọn lựa giữa cả ngàn được gần 40 nhân vật cùng hành trang ngôn ngữ Séc - Slovakia của họ, để mời họ “nhập tịch” vào xứ sở Việt Nam trong tiếng Việt đáng yêu này.
Đây cũng là lần đầu tiên, độc giả đại chúng cũng như giới văn học chuyên nghiệp Việt Nam có được một tuyển chọn tiểu sử văn học cùng đôi nét đời thường của các đại diện thi ca hiện đại Tiệp Khắc. Trong đó có một số tên tuổi lừng lẫy và đa số là những tác giả làm nên một nền văn hóa xuất sắc nhưng chưa có dịp được biết tới ở Việt Nam.
“Bàn về thơ, tuy cần chú trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính và tình.” Chu Thần Cao Bá Quát bảo vậy, từ xưa. Tính và tình ở mỗi thi sĩ Séc - Slovakia có thể thấy phần nào qua tiểu sử văn học. Để minh họa cho tính và tình trong thi phẩm đi kèm.
Cũng như trong mọi xứ thơ khác, mỗi thi sĩ Tiệp Khắc là mỗi mảnh đời tư và gia thế, mỗi nghề nghiệp và quan điểm. Như người thường, họ đều có sự sống cái chết không ai giống ai. Trong xã hội Tiệp Khắc thế kỷ 20 với quá nhiều thăng trầm, nhiều người an lành suốt đời với dòng văn nghệ chính thống; lắm kẻ chọn vị thế loài lề trọn kiếp; cũng nhiều vị giao lưu trung tâm - ngoại vi. Cái quý của họ là luôn trong tư cách thi sĩ, tác phẩm của họ có tên chung: thi ca Tiệp Khắc. Dẫu có nơi có lúc bị dập vùi. Đúng nghĩa, họ là những người thơ, của một đất nước thơ.
Mời bạn đọc ngắm nhanh lại các nét mặt sáng rỡ giữa những người thơ đó, trước khi thưởng thức lại một số sáng tác thi vị nhất của họ.
Vítězslav Nezval (1900-1958): “Nhà thơ Séc có tên tuổi, nhà văn và nhà biên dịch, đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca và là nhân vật đứng đầu chủ nghĩa Siêu thực (Surrealismus)”. Với người viết bài này, trong thuở đầu đời khi vừa biết thơ tình và biết yêu đã may mắn được đọc bài thơ nức danh Nezval qua bản dịch “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” của thi sĩ kiêm dịch giả tài hoa và tinh tế là Tế Hanh: bài Lời từ biệt và chiếc khăn. Dạo đó với tôi thơ Tiệp là Nezval, là Lời từ biệt và chiếc khăn. (Xem tiếp phần sau).
Jan Neruda (1834- 1891): “Nhà thơ nổi tiếng Séc và nhà báo của thế kỷ 19”; “Có cuộc đời cảm thấy không được đánh giá và từ đó phát triển theo hướng quan hệ tiêu cực với mọi người. Ông có vấn đề với rượu. Phần lớn cuộc đời sống trong khó khăn.”; “Thơ Neruda chứa đầy những hoài nghi và bi quan, mà đôi khi đi vào các giới hạn của thuyết hư vô.” Bạn có biết? Một thi nhân người Chile, khi chưa thành thiên tài thế giới đã quá mê Jan Neruda của Tiệp Khắc mà chọn bút hiệu là Pablo Neruda!
Otokar Březina (1868-1929): “Nhà văn, nhà thơ Séc; bằng công trình thơ của mình ông đã hoàn thiện chủ nghĩa hình tượng Séc dẫn tới sự chuyển biến chung của văn học Séc.”; “Điều thú vị là ông đã 7 lần được đề cử (1916, 1917, 1918, 1920, 1921, 1925, 1928 và 1929) giải Nobel về văn học.”; “Những thử nghiệm tác phẩm văn học đầu tiên của ông trong các năm 1883-1887 thuộc nhóm giá trị khó nhất của chủ nghĩa hình tượng văn học châu Âu.”
Jiří Wolker (1900-1924): “Nhà thơ, nhà báo và nhà viết kịch người Séc; một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Séc năm 1921.”; “Là người đại diện tài năng nhất của nền thi ca vô sản.”; “nhìn thấy một thế giới đầy mâu thuẫn, trái ngược, thế giới của đói nghèo và đau khổ, cần được thay đổ”; Wolker trong linh cảm trước cái chết gần kề đã tự viết dòng chữ để khắc lên mộ mình: ‘Nơi đây yên nghỉ Jiří Wolker, nhà thơ, người từng yêu thế giới và cho sự công bằng của nó mong muốn đấu tranh, nhưng trước khi có thể tuốt trái tim của mình ra chinh chiến, anh chết trẻ ở tuổi hai tư!“
Jaroslav Seifert (1901-1986): “Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, biên dịch Séc; đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca”; “học nhiều trường trung học nhưng không tốt nghiệp vì hay bỏ học. Trong thời gian đó ông lang thang đến các quán bia Praha sáng tác thơ để đổi lấy bia.”; “Trong những năm 1920 được đánh giá là đại diện chính của nền nghệ thuật tiên phong Tiệp Khắc. Tháng 3 năm 1929 cùng 6 nhà văn thơ hàng đầu khác của Đảng bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản vì đã ký vào Manifest sedmi (Tuyên ngôn bảy người) phản đối việc bolševich hóa trong lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Tiệp Khắc.”; “1968-1970 là Chủ tịch Hội nhà văn Tiệp Khắc. Năm 1976 nằm trong những thành viên đầu tiên của Hiến chương 77.”; “Năm 1984 được trao Giải Nobel về văn học”.
Miroslav Válek (1927-1991): “Nhà thơ Slovakia, ký giả, nhà biên dịch, người tổ chức văn hóa, nhà chính trị, người đại diện có tên tuổi của thi ca hiện đại Slovakia”;“1969-1988 là Bộ trưởng Văn hóa”; “1989 là Chủ tịch Hội nhà văn Tiệp Khắc”; “tự nguyện rời bỏ chính trị trước tháng 11/1989.”
Vladimír Křivánek (1951-): “Nhà thơ, nhà văn, sử học, nhà phê bình, giáo sư đại học, biên tập và dịch giả”; góp phần kiến tạo và chỉnh sửa bốn tuyển tập hàn lâm ‘Lịch sử Văn học Séc 1945-1989 in sách bằng tiếng Bulgary, Ba Lan và Việt Nam.”; “2008-2011 là Chủ tịch Hội Nhà văn Séc.”
Petra Horáková (1986-): “Giáo viên giảng dạy nghệ thuật cho trẻ em và thanh thiếu niên, giám đốc chi nhánh của tổ chức phi lợi nhuận đồ họa và vẽ tranh tại Plzeň.”
Và, độc giả có nhận ra không: trong các thi sĩ tham dự Tuyển tập, số nữ sĩ nổi danh như Petra Horáková rất ít ỏi. Chẳng lẽ Nàng thơ Tiệp Khắc chỉ “yêu” phái mày râu?
Hoa Tiệp đất Việt
Trong “công viên hoa” Tiệp được nở mọc trên đất Việt hơn nửa thế kỷ qua, “vườn hoa” Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng vừa xuất hiện, đang còn hiếm hé ra các đóa thật đặc sắc nhưng đã cống hiến cho khách làng hoa một dung nhan hiền hòa, thanh lịch và đa sắc.
Mời độc giả cùng thưởng ngoạn các bông-hoa-thơ Tiệp mà chúng tôi cho là đẹp nhất từ đây…
Trong dịch thuật không thể chỉ có một con đường, một đích đến. Thêm lần nữa, xin ví von về việc dùng tiêu chí Tín - Đạt - Nhã khi dịch chuyển các loài giống hoa-văn-học đến xứ sở có đất có nước khác hẳn mà vẫn gìn giữ được Dáng - Sắc - Hương của chúng.
Do.honza đã linh hoạt áp dụng định nghĩa của Fyodorov thường được nhiều người chấp nhận: “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.” Với hầu hết các văn bản, anh đứng ở giữa tác giả và độc giả, giữa ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Séc. Tức là, không tái sáng tác đưa bài thơ tiếng Séc đến một đời sống Việt; mà cũng không duy trì nghiêm ngặt nguyên tác từ nhịp điệu (cái bất khả trong dịch thơ) đến ngôn ngữ, phong cách. Với vị dịch giả Séc-Việt này, dịch là bắc cầu, là sáng tạọ; người dịch không hẳn là đồng tác giả mà thường là “dấu phẩy của tác giả”. Song, cũng như nhiều người dịch khác, không hiếm khi Do.honza vẫn thử tài vận may khi lao vào hai thái cực mà ngay các bậc cao thủ cũng phải nhắm mắt chờ sự bất ngờ của thành tựu. Bùi Giáng tiên sinh là hiện tượng rõ nhất. Chính tính “phập phù” đã làm cho bộ môn dịch thuật trở nên nghệ thuật hơn, như ở lãnh vực sáng tác.
Trước tiên là bản dịch thú vị nhất trong Tuyển tập:
Đó là bài Bài ca (Chim đưa thư) của J. Seifert được in trang trọng nơi bìa cuối với bản chuyển sang thể lục bát. Bên trong sách cùng bản này còn có 2 bản ở thể 5 và 7 chữ. Duy nhất của Tuyển tập, một bài thơ có tới 3 bản dịch. Vì sao? Vì là bài thơ hay trước đó nhiều người đã dịch. Vì tác giả là chủ nhân Giải thưởng Nobel danh giá. Vì cùng “gu” với dịch giả; v.v…
Bạn hãy đọc lại thi phẩm Bài ca qua 4 bản dịch tiếng Việt nữa, từ 4 dịch giả khác( ): Dương Tất Từ và Lương Duyên Tâm trực tiếp từ nguyên bản tiếng Séc; Diễm Châu và Thân Trọng Sơn qua bản dịch tiếng Pháp. Dương Tất Từ chọn cách dịch trung dung theo quan niệm chuẩn của Fyodorov. Ba vị còn lại đều theo xu hướng chung thủy với nguyên tác không chỉ về nội dung, ý nghĩa cả về nhịp vần và nhất là cấu trúc trong thể thơ tự do. Cả 4 bản dịch đó, vì thế, có điểm chung thường được coi như một tiêu chí: đọc biết ngay là thơ dịch.
Do.honza như cố tình khác những người đi trước khi đã chọn 3 thể vần điệu đặc thù Việt. Và rồi anh “thành chính quả” ở thể Việt tính nhất: lục bát. Chưa so sánh nguyên tác, chỉ so với 6 bản dịch kia ta cũng thấy rằng, với bản lục bát người dịch đã tập trung vào nhu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch và thêm bớt, xô lệch nguyên tác. Bản dịch bài Bài ca của J. Seifert đã làm sang giá cho lục bát Việt. Đó cũng là một “bài thơ” mới và hay, đứng cạnh bài thơ cũ đã hay rồi. Thi ca Đông và Tây gặp nhau tại đây!
Bàn thêm:
+ Hỡi những ai đã từng ly hương rồi hồi hương, nếu không khóc ra nước mắt thì cũng nén vào máu mủ hai câu sáu-tám này: “Cùng bao tuyệt vọng trên đời/ Ta hồi hương trở về nơi quê nhà”. Cảm ơn Do.honza Việt Dũng! Cảm ơn Jaroslav Seifert! Ai đã khóc đã nén nhiều hơn ai? Trong chúng ta…
+ Tôi yêu bản lục bát Do.honza. Tôi thích bản Diễm Châu. Tôi quý bản Dương Tất Từ.
+ Ba bản của Do.honza mang 3 cung bậc khác nhau ở cùng một trạng thái. Hai bản kia chưa nhuyễn về nghệ thuật thơ, nhất là bản 7 chữ còn vài chỗ gượng. Hồn vía “bài thơ” tiếng Việt của bài thơ Bài ca nguyên tác tiếng Séc đã về hết bản lục bát rồi!
+ Trong Tuyển tập, còn một bản dịch lục bát nữa (bài Khoảng cách yêu thương của Wolker). Cũng là một bài thơ mới trong tiếng Việt. Lời nhuần nhụy nhưng chưa được như bài Bài ca; có lẽ do nguyên tác chưa là một bài thơ hay? Mà cũng khó đoán biết, dịch là “phập phù”.
Bài Vĩnh biệt và chiếc khăn tay của Nezval:
Vẫn với chủ thể chiếc khăn vẫy trong chia lìa. Đấy từng là thơ tình nằm lòng của kẻ viết bài này, với tên Lời từ biệt và chiếc khăn( ). Thời đó, bài thơ nằm trong luồng lãng mạn tuyệt vời trôi đến Việt Nam từ trời Âu tân tiến và cuốn hút. Nó ngây ngất đi vào sổ chép thơ của đủ lứa tuổi, tầng lớp để rồi xuất hiện trên báo chí, tuyển tập thơ. Tiếng ngâm lời đọc thổn thức trong các cuộc họp, các buổi chia tay, các đêm cuối cùng… giữa một đất nước phải lâm chiến từng ngày rồi lại hậu chiến trong xung đột biên giới tứ bề. Cái quý nhất là ở chỗ, Lời từ biệt và chiếc khăn thuộc vào không nhiều các thi phẩm chính thống mang phong cách ngôn ngữ và sắc thái tình cảm khác nhưng không quá lệch so với các sáng tác “chuẩn”, mà Cuộc chia ly màu đỏ của thi sĩ Nguyễn Mỹ từng làm biểu tượng.
Gần như trung thành với nguyên tác, hai bản dịch có cùng kết cấu và thi điệu. Khí thơ, cú pháp và cách cảm, đọc lên thấy ngay là thơ dịch của phương Tây, nhưng không “Tây gỗ” mà là Tây-Việt! Chữ và câu của bản Do.honza đôi chỗ chưa “lụa” bằng bản của tiền bối nhưng toàn bài đã phả ra tình lứa đôi dưới trời Âu mang hồn nhân loại. Giữ được chất Nezval. Bản của Do.honza mang nỗi đau mạnh, dứt khoát hơn, và từ tâm trạng trai gái với cái Tôi cá thể. Bản của Tế Hanh đã “xã hội hóa” nó trong cái Ta trữ tình rộng khắp.
Hai câu cuối của khổ đầu thú vị đáo để! Ý tứ tinh vi trong nguyên tác được hai dịch giả chuyển sang cung bậc đồng tình nhưng không đồng nghĩa. Do.honza: “Vĩnh biệt em dẫu có hẹn mai đây/ Anh không đến có thể người khác đến.” Lời dịch mượt, bảo toàn ý tứ của tác giả; cho thấy sự khuất phục của anh con trai thua cuộc mà vẫn hào sảng. Tế Hanh: “Từ biệt nhé và nếu còn gặp nữa/ Không phải ta đấy trở lại đâu nào.” Trên cả tuyệt vời! Dịch giả đã dùng tay thơ “lụa” của một thi nhân để bẻ ghi đưa ý tứ sang không gian tình cảm khác. Không chỉ bằng chủ thể Ta, còn dùng cả dạng phủ định. “Không phải ta” của Tế Hanh chính là “người khác” của Do.honza được dịch gần đúng từ “jiný host” (người khách khác) của Nezval. Giản dị và trong sáng, da diết và đau đớn. “Không phải ta” tức là “địch” rồi, là cái thằng đàn ông khác sẽ thay thế “ta” ngự trị trái tim nàng. Các nam thanh nữ tú, hãy bình thản đón nhận những lời từ biệt, những cái vẫy khăn để lên đường đến với một số phận khác, đang chờ. Thi sĩ Nezval đã khuyên như thế!
Bài Cái chết hát ca của Fischer:
Bản dịch tỏ ra chạy theo kịp với cơn bão từ ngữ và hình ảnh của “nhà phù thủy” Otokar Fischer trong văn học kinh điển châu Âu. Âm điệu thơ là tiếng vọng từ các số phận an bài dưới Đấng tối cao, nhắc độc giả Việt nhớ đến những bài thơ điên của thi sĩ bạc mệnh Hàn Mặc Tử. “Cái chết hát ca soi gương nước rừng hoa (…)/ Cạn máu, chờ khô, dây đàn Chúa ngân nga.” Bản dịch hầu như không có vết nhăn dù phải xử lý tạng thơ truyền thống Séc với nhiều dụng điển.
Bài Hoàng hôn bên biển của Dyk:
Có thể vào danh sách các bản dịch đặc sắc trong trang thơ tiếng Việt đương đại. Một tiểu trường ca dồn dập trong dịu dàng, khốc liệt trong thanh thản. Bài thơ khá dài nhưng đọc không ngại, vì tứ thơ mang tính truyện rất hoàn hảo, kịch tính cao mà vẫn lãng mạn. Người dịch đã dìu chúng ta theo từng cơn sóng thi điệu của Việt ngữ đến với bản sắc văn hóa Tiệp Khắc đập trong mỗi lời mỗi nhịp.“Lớp sóng tám vỗ về và vui vẻ/ Vào mắt em, lên bầu vú trẻ non”. Độc giả Việt Nam được biết thêm một triết lý về sự vượt thắng số phận, về giới hạn cuối cùng của thành bại trong cuộc sống qua biểu tượng trữ tình là “lớp sóng chín”.
Tôi còn yêu thích các đóa hoa thơ Tiệp từ người chuyển giống trồng cây Do.honza, như: Bài Đêm xuân của Březina; Đôi giày - Con người, Phụ nữ, Thân tặng (Neruda); Tình yêu ốm yếu (Holan); Từ điển tình yêu (Nezval); Tiếng Séc; Có thể (Simon); Gọi đường dài (Sýs); Hội Thoại (Seifert); Cô gái dậy thì (Peterka); Vào thu, Có thể anh tự sướng (Horáková); Danh sách (Kainar); Trở lại (Fischer); v.v…
“Chuốt, chuốt nữa, chuốt mãi”; hay là “Mẹ chăm bé gái”
Để Tuyển tập tốt hơn nữa, chúng tôi xin thử nêu một số hạn chế, thiếu sót mà các tuyển tập dịch thuật ít nhiều dính phải trong lần đầu xuất bản.
Dù theo phương cách nào, bản chất của dịch là dịch lại. “Chuốt, chuốt nữa, chuốt mãi…” Có lẽ nên là phương châm đầu tiên.
Lâu rồi, mỗi khi động tới vụ việc dịch thơ lại dựng lên trong tôi hình ảnh một người đàn anh, “bạn thư viện”. Gần như hàng ngày, anh đến Thư viện Quốc gia - Hà Nội. Khi trọn cả ngày, khi chỉ nửa tiếng… Đọc sách, nghiên cứu phục vụ nghề khí tượng thủy văn của anh. Và mỗi lúc giải lao, hoặc chán cái mớ công thức tích phân lằng nhằng, anh lại lôi ra từ túi áo complet, hay túi sau quần, một cuốn sổ tay be bé để dịch… thơ. Vâng, thơ. Thơ Pushkin. Chỉ Pushkin mà thôi. Anh dịch hàng trăm bài; giống một người dịch chuyên nghiệp nào đó. Khác, mỗi bài đều dịch ngót chục lần; với các bài “đinh” thì hàng chục lần. Cứ vậy hàng năm, hàng năm… Có đôi kỳ giáp Tết, sau Tết, thư viện hóa thành chùa Bà Đanh. Vẫn thấy anh ngồi đấy, cúi xuống Pushkin của tiếng Việt. Dạo đó tôi nghĩ rằng, có thể hiểu anh phần nào và không thể hiểu nổi cuốn sổ nhỏ của anh. Giờ thì ngược lại. Không hiểu anh. Hiểu cuốn sổ nhỏ như một vật được anh dùng để trau chuốt bản dịch.
Cũng dạo đó mẹ tôi thì bảo anh ấy vuốt ve bản dịch như bà mẹ Việt Nam chăm sóc bé gái của mình; từ phút lọt lòng đến ngày bé thành con gái, từ ngày bé lên xe hoa đến ngày bé sinh con của bé, rồi đến ngày con bé thành con gái, rồi lên xe hoa…
Đầu thế kỷ trước bậc thi bá Tản Đà đòi hỏi “Lời văn chuốt đẹp như sao băng”. Đa phần cánh sáng tác giành đặc quyền chuốt tùy hứng tùy tính. Chứ dân dịch thuật không chuốt, e không ổn. Cả khi bản dịch đã xuất bản, đã nổi tăm vang tiếng.
Ngoài việc chuốt lời, tôi còn thấy Tuyển tập cần được chuốt bài nữa. Tức là cần tinh tuyển tác giả, tác phẩm hơn. Thêm người cần thêm, bớt bài cần bớt… Các hợp tuyển là vậy, cứ lọc ra lựa vô hoài hoài…
Đọc Do.honza dịch, tôi liều mà đồ rằng anh dịch-bài theo quan niệm chân phương của Fyodorov, còn dịch-chữ thì theo kiểu phóng túng “dịch thơ giống như làm thơ”. Thế là hài hòa. Dịch giả tự chọn phương cách riêng, miễn sao có bản dịch đáng là bản dịch. Có điều, kiểu dịch chữ đó không có thao tác dấm dứ, nhấc lên hạ xuống. Tôi vẫn hằng tin, dịch thơ ẩn trong mình nó một hành trình các chuỗi ngập ngừng. Có những tiểu-ly-âm, tiểu-ly-từ đã nuôi sống cả một bản dịch thơ. “Đấy” và “đâu” là các tiểu ly âm, tiểu ly từ như thế trong câu thơ dịch của Tế Hanh. “Không phải ta đấy trở lại đâu nào”. Dịch, không còn là diệt là giết theo cái nhìn hà khắc nữa! Trong Tuyển tập tôi cũng đã tìm được một số trường hợp, mà chưa đáng kể.
Nếu thơ là dòng suối tuôn trào tự nhiên thì dịch thơ là đài phun nước có điều khiển ở đâu đó mà những kẻ dạo bước trong khuôn viên thi ca khó nhận ra. (Trong rừng thơ dịch trên trái đất này, chắc chỉ có Trung niên thi sĩ là dịch như thác lũ!) Nếu thi sĩ là kẻ hành pháp, là ngài bộ trưởng, là vị tướng quân phóng tay thực hành một sắc lệnh, một chiến dịch thì giới dịch giả như hệ thống tư pháp, như quan tòa phán xét, chuyển hóa các thực thi công lý của ngôn từ và tình cảm con người.
Phần tiểu sử chân dung tác giả cũng còn không ít chỗ cần hoàn thiện; như dẫn nguồn tư liệu, nhuận sắc ý, câu…
Điều nữa, lẽ thường tình, ông chủ nhà hàng nào thực đơn nấy. Tuyển tập phải thuộc về thị hiếu của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, người dịch - biên soạn và cũng là nhà thơ song ngữ Việt-Séc tham gia vào đấy như tác giả của 4 sáng tác về tình ái, khát vọng sống. Phong cách trữ tình khiến bộ sưu tập thiếu vắng các thi phẩm bừng lên những biến động khi gai góc nhân quần, lúc sinh tử chiến tranh của xã hội và con người Tiệp Khắc suốt thế kỷ qua mà bài Diễn từ Nobel của Seifert nêu trên đã gióng giả như những lời cuối cùng còn có thể nói ra được. Trong tập sách, 4 bài thơ của Seifert (Bài ca, Biển, Chiếc nhẫn mẹ để lại, và Hội thoại) ca tụng tình yêu, hạnh phúc qua những chân lý nhân bản và quả là chưa hết tầm thi nhân, như vinh danh của Viện hàn lâm Thuỵ Điển và đánh giá của dư luận văn giới. Các bài thơ thời cuộc, chính trị của ông từng “mô tả hình tượng rành mạch của tinh thần và sự đa dạng không thể khuất phục của con người”, và “mang ý thức độc lập, biết dùng ngôn ngữ thơ ca làm vũ khí hữu hiệu để đấu tranh vì nền độc lập cho Tổ quốc Séc”.
Làm bạt
Nhiều năm trước, tôi từng có bài thơ Làm bạt cho đời - để nói bao nhiêu dòng thơ của đám thi sĩ chúng ta nếu như được đời cho phép cùng dự phần, thì may lắm là làm lời bạt cho pho-sách-cuộc-đời.
Nay tôi đang có hãnh diện nho nhỏ được làm “trang bạt” cho người đồng nghiệp - người anh em, dịch giả Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, trong một dịch phẩm nồng thắm về tình cảm, cao cả về ý tưởng và đáng giá về nội dung: Tuyển tập thơ Séc & Slovakia của Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2014.
Vancouver, mùa thu 2014
Đỗ Quyên

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Sinh hoạt CLB 9/2014

Câu lạc bộ văn học-nghệ thuật Bohemia sinh hoạt tháng 9/2014

vào 18h30, ngày 26.09.2014 
tại tầng hai nhà hàng bia Séc - Bohemia, 9 Hoàng Cầu.

BCN rất vui mừng đón tiếp sự hiện diện của các bạn



Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

"Tuyển tập thơ Séc&Slovakia"

Chào các bạn của tôi: Rạng sáng ngày 23/9 giờ Việt Nam lúc 01h00 và 11h15  VTV4 đã giới thiệu Do.honza (Đỗ Ngọc Việt Dũng) và tác phẩm "Tuyển tập thơ Séc&Slovakia" cùng nhiều đề tài về đất nước con người Séc. Tác phẩm là cánh cửa mở vào thế giới thi ca CH Séc lần đầu tiên sẽ ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm ngày quốc khánh CH Séc - 28/10.
Tập thơ dày khoảng 270 trang, giới thiệu hơn 40 nhà thơ Séc&Slovak, 153 bài thơ dịch sang tiếng Việt (phụ lục 20 bức tranh, ảnh về Séc&Slovakia). 





Sự kiện được giới thiệu trên Youtube VTV4

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Tài năng

Giáo dục là nền tảng cho việc hình thành nhân cách...
Nay nhân đầu năm học, thấy cũng nên giới thiệu lại Các Bạn 2 (à mà là 3 !) câu chuyện dưới đây...
(có thể xem các files đính kèm)



BA CÂU CHUYỆN

1.
Cậu bé Bill Clinton 16 tuổi

Youtube : 

Ngày 24-7-1963, một cậu bé 16 tuổi ở bang Arkansas, tên là Bill Clinton, đã được diện kiến tổng thống John F. Kennedy tại White House. Tổng thống John F. Kennedy đã thân mật bắt tay cậu bé.

Ba mươi năm sau, Bill Clinton trở thành tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ.
Hồi tưởng giây phút được bắt tay tổng thống John F. Kennedy lúc 30 năm trước, tổng thống Bill Cinton nói: “Giây phút đó gây một tác động sâu sắc trong tôi. Tôi nghĩ rằng giây phút đó là một điều gì tôi luôn luôn mang theo, và tôi rất may mắn vì có một người nào đó đã chụp ảnh giây phút đó và cho tôi bức ảnh để tôi có thể nhớ” (It had a very profound impact on me... I thinh that it was something that I carry with me always, and I was very fortunate that someone took the photo of it and gave it to me so I was able to remember it)



2.
Cậu bé Ngô Bảo Châu cũng 16 tuổi

Ở Việt Nam, cậu bé Ngô Bảo Châu 16 tuổi, mới học lớp 11, đã đoạt Huy Chương Vàng Olympic Toán quốc tế 1988 tại Canberra. Năm sau đó, một lần nữa cậu lại đoạt Huy Chương Vàng Olympic Toán quốc tế 1989 tại Braunschweig.
Sau kỳ tích này, thần đồng toán học đã đến báo cáo thành tích với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười :

Hình ảnh cho thấy : Cậu bé thần đồng toán học đứng khép nép rụt rè bên Ông Đỗ Mười ngồi chễm chệ, không nhìn cậu bé Ngô Bảo Châu.
Bức ảnh này đã được đăng lại trên nhiều báo :
Vietnamnet : Ngô Bảo Châu báo cáo thành tích với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi đạt Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế.
Báo Tuổi Trẻ : Ngô Bảo Châu báo cáo thành tích với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười sau khi đạt Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 
http://tuoitre.vn/Giao-duc/396203/Chan-dung-Ngo-Bao-Chau-thoi-%25E2%2580%259Cnhat-quy-nhi-ma%25E2%2580%259D.html )
Báo Bình Định : Ngô Bảo Châu báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng
http://www.baobinhdinh.com.vn/danhchobantre/2010/1/86643/ )


3.
Không cần bình luận gì ! . . . !

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Tủi thân cho Dân Tiệp ngày xưa

http://vuiviet.vn/9-tat-xau-cua-thanh-nien-thanh-thi.html 

Chung thủy



LỜI CẢNH BÁO CHO MỌI NGƯỜI, được chia sẻ bởi bạn có Facebook Lê Vốt (nội dung cảnh báo được giữ nguyên):
Ảnh do mình chụp lúc 18h30 tại phố Hàng Gai... kiểu lừa cũ mà vẫn khá hiệu quả:
"Có anh trung niên khoảng 35 tuổi, mặt mũi make up theo kiểu bụi đời, chân đi tổ ong nghìn lỗ sứt mẻ, tay đang xách 1 túi đồ bỗng lăn đùng nguyên đống trước CH nhà mềnh, tất nhiên sự việc đó gây rất nhiều tới sự chú ý của dân...
Sở dĩ mình ko chạy ra đỡ dậy vì lúc đứng ngoài cửa đã vô tình chú ý thấy anh ý từ xa, đang tung tăng vừa đi vừa huýt sáo, nhưng điệu bộ thì lấm la lấm lét, và đúng như dự đoán, đến gần đoạn mình đứng thì bắt đầu vở kịch...
Người dân chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì xuất hiện 2 thanh niên (trong hình) dựng xe mãi bên đường, cách 1 đoạn chạy lại ra vẻ quan tâm đỡ ông anh kia dậy. Hàng xóm láng giềng ở đó sau khi hỏi han tình hình và bị cuốn vào vở kịch thương cảm liền bị kích động bởi chính 2 thanh niên hớt hơ hớt hải kia... 2 anh zai đó bo khá là mẫm, 1 anh thì 200k, 1 anh thì 100k móc ra biếu ông anh nhân vật chính. Thấy vậy những người dân xung quanh cũng đua nhau "góp phí xem kịch".
Đoàn làm phim thu nhập đang khá dần lên thì bỗng có 1 cô bán hàng rong ngó vào và nói: Vừa ngất ở chợ lúc nãy, ra đây lại ngất tiếp à?, lại là 2 cậu này đỡ dậy à?
Câu nói vừa dứt như lập tức xé tan vở kịch, 2 anh tốt bụng kia quay ra nhìn cô bán rong và quát: đm việc của mày à, tát chết cmm bây giờ... tất nhiên là cô bán hàng đành bơ đi và im bặt...
Lúc này nhân vật chính cũng đứng dậy ra vẻ đã tỉnh lại rồi lù lù xách túi lên và đi trong vội vã... 2 diễn viên phụ kia cũng lừ lừ lẩn sang đường lên xe và ấn nút biến..."
Ta thử làm 1 phép tính nhỏ: cách có 3 con phố anh ấy ngất 2 lần, mỗi lần thu nhập từ những người dân xem kịch khoảng 80k đến 150k, mỗi 1 vở kịch nếu thành công mất khoảng nửa tiếng... mà 1 ngày làm theo giờ hành chính từ 8h30 đến 17h30 (chưa kể nhận làm thêm như ca này) thì 1 tháng đoàn làm phim này thu nhập bn???

Có mẹ

Chúng ta trước khi dành cho con tất cả mọi thứ lớn lao, trước tiên hay dành cho con một người mẹ và gđ thực thụ. Thà không có tất cả mà có mẹ, còn hơn có tất cả mọi thứ nhưng không có mẹ...vì con trẻ cũng có lòng trắc ẩn.
................................................
"Vợ của anh vì một lý do ngoài ý muốn đã qua đời được 4 năm, anh vì không có cách nào có thể chăm sóc được bố mẹ nên cảm thấy chán nản và mệt mỏi.
Một buổi tối khi anh trở về nhà, vì quá mệt mỏi nên anh chỉ chào hỏi đứa con ngắn gọn và không muốn ăn cơm, cởi xong bộ comple liền lên giường nằm. Đúng lúc đó, ầm một tiếng, bát mì tôm làm bẩn hết chăn và ga trải giường, hóa ra trong chăn có một bát mì tôm. “Cái thằng danh con này”, anh ta liền vớ một chiếc móc quần áo chạy ra ngoài đánh cho đứa con trai đang ngồi chơi một trận.
Đứa con trai vừa khóc vừa nói:
- Cơm sáng đã ăn hết rồi, đến tối con chưa thấy bố về thấy đói bụng nên đi tìm đồ ăn, con tìm thấy mì tôm trong tủ bếp, muốn nấu mì tôm ăn nhưng bố dặn không được tùy tiện dùng bếp gas nên con lấy nước nóng từ trong vòi tắm pha mì tôm, con pha một bát ăn, còn một bát để phần bố. Sợ mì tôm bị nguội nên con mang vào giường ủ trong chăn đợi bố về ăn cho nóng. Con mải chơi đồ chơi mới mượn được của bạn nên khi bố về đã quên không nói với bố.
Anh không muốn đứa con thấy mình khóc nên vội vã vào nhà vệ sinh, mở vòi nước và khóc. Khi đã ổn định tinh thần, anh mở cửa phòng con trai và nhìn thấy đứa con trai trong bộ quần áo ngủ, nước mắt giàn giụa và tay đang cầm bức hình của mẹ nó.
Từ đó trở đi, anh chăm sóc con trai tận tâm hơn, chu đáo hơn, khi con trai mới vào học cấp I, anh đánh con một trận nữa. Hôm đó, thầy giáo gọi điện về nhà báo con anh không đi học, anh lập tức xin nghỉ về nhà, chạy đi tìm con khắp nơi, sau vài tiếng đồng hồ đi tìm anh đến một cửa hàng bán văn phòng phẩm nhìn thấy đứa con đang đứng trước một đồ chơi điện tử, thế là anh tức giận đánh con, đứa con không một lời giải thích, chỉ nói “Con xin lỗi”.
Một năm sau, anh nhận được điện thoại từ bưu điện, nói con trai anh đã bỏ một loạt các bức thư không viết địa chỉ vào hòm thư, cuối năm là lức bưu điện bận rộn nhất nên điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho họ. Anh lập tức đến bưu điện, mang những bức thư đó về ném trước mặt con trai nói:
- Sao mày lại làm những trò tai quái thế này hả?
Thằng bé vừa khóc vừa trả lời:
- Đây là những bức thư con gửi cho mẹ.
Mắt người bố cay cay hỏi con:
- Thế sao một lúc gửi nhiều thư như vậy?
Đứa con nói:
- Trước đây con còn thấp nên không bỏ thư vào hòm thư được, bây giờ con lớn có thể bỏ thư vào được rồi nên con mang gửi hết những bức thư con viết từ trước đến giờ.
Ông bố nghe xong, tâm trạng rối bời không biết nói gì với con. Một lát sau ông bố nói:
- Mẹ con giờ ở trên thiên đàng, sau này con viết thư xong, hãy đốt nó đi thì có thể gửi thư cho mẹ được đấy.
Đợi đứa con ngủ, anh mở những bức thư đó xem đứa con muốn nói gì với mẹ, trong đó có một bức thư khiến anh vô cùng xúc động.
“Mẹ thân yêu của con: Con nhớ mẹ lắm! Mẹ ơi, hôm nay ở trường con có một tiết mục mẹ cùng con biểu diễn, nhưng vì con không có mẹ nên con không tham gia, con cũng không nói cho bố biết vì sợ bố sẽ nhớ mẹ. Thế là bố đi khắp nơi tìm con, nhưng con muốn bố nhìn thấy con giống như đang đi chơi nên con đã cố ý đứng trước một đồ chơi điện tử. Tuy bố đã mắng con nhưng con đã kiên quyết không nói cho bố biết vì sao. Mẹ ơi, con ngày nào cũng thấy bố đứng trước ảnh mẹ ngắm rất lâu, con nghĩ bố cũng như con rất nhớ mẹ đấy!
Mẹ ơi, con đã sắp quên giọng nói của mẹ rồi, con xin mẹ trong giấc mơ của con hãy để con được gặp mẹ một lần được không, để con nhìn thấy khuôn mặt của mẹ, nghe thấy giọng nói của mẹ, được không mẹ?
Con nghe mọi người bảo nếu ôm bức ảnh của người mình nhớ vào lòng rồi đi ngủ thì sẽ mơ thấy người đó, nhưng mà mẹ ơi, vì sao con tối nào cũng làm như thế mà trong giấc mơ của con vẫn không gặp được mẹ?”
Đọc xong bức thư, ông bố òa khóc. Anh không ngừng tự trách mình: phải làm sao mới có thể lấp được khoảng trống mà người vợ để lại đây?
Chúng ta là những ông bố bà mẹ khi đã mang cuộc sống của đứa con đến với thế giới này có nghĩa là gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn. Khi đã là một người mẹ, không nên tăng ca quá nhiều, khi đã là một người bố, không nên uống quá nhiều rượu, đừng nên hút nhiều thuốc, phải chăm sóc tốt cho bản thân mới có thể yêu thương con hết lòng, tuyệt đối đừng nên vì muốn kiếm nhiều tiền mà hủy hoại sức khỏe của mình, không có sức khỏe thì những danh lợi kia có nghĩa lý gì. Và cũng đừng nghĩ rằng đợi đến khi bố mẹ có nhiều tiền thì sẽ như thế này như thế kia, nào ai biết sau này chuyện gì sẽ xảy ra, có thể sau một giây mọi chuyện đã khác.
Những ông bố bà mẹ xin đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà dễ dàng ly hôn. Vì đau thương lớn nhất sau sự đổ vỡ đó không ai hết mà chính là thuộc về đứa con. Bạn đã kết hôn hay chưa kết hôn thì hãy nhớ một điều, xin hãy quý trọng “nó”.
(Nguồn: st)

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Tôi đã hại một người bạn quý

​  Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.
 Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi.
 Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công.
 Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng.   Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.
 Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một bao tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.
  Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.
  Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa.Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.
 Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó. Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm.
 Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính". Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.
 Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.
 Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: "Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này". Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: "Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó đã trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi". Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: "Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh". Nói xong, H như ngã đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi. Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.
 Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi. Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.
  Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói: "Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp". Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói: "Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào". S mỉm cười và nói: "Ông đã trả hết nợ rồi". Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: "Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình". Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.
 Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.
  Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.
  Thân ái
  Đ.V.P