Pozdrav

Tady jsi doma, jen tady a nikde jinde je to tvá země, tobě patří a ty patříš k ní, jenom k ní.

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Học & Không học


Là sao đây (Học, học nữa, học mãi = .............)

NHỤC TRƯỚC CẢ LOÀI CHÓ!

Một người có 1 con chó đã già, ông ta bèn tìm cách vứt bỏ nó đi. Ông ta đưa con chó lên thuyền, ra đến giữa hồ và vứt nó xuống nước. Nghĩ rằng kiểu gì nó sẽ chết đuối vì cách bờ rất xa, nhưng con chó vẫn cứ cố bơi theo thuyền.
Bực mình, người đàn ông liền dùng mái chèo đập vào đầu con chó nhiều lần cho nó chết hẳn. Nhưng không may, ông ta bị trượt chân ngã xuống hồ. Nước thì sâu mà bờ thì xa, người đàn ông bắt đầu kiệt sức. May thay, con chó mình đầy máu me vẫn cố gắng bơi tới kéo chủ vào bờ, và mọi người đến cứu ông ta kịp lúc.
Người ta nói quả ko sai: Chó là loài duy nhất yêu chủ hơn chính bản thân nó, nó luôn trung thành với con người ngay cả khi con người đối xử với nó rất tàn nhẫn!
P/s: Hãy suy nghĩ trước khi quyết định nuối chó... Kẻo có ngày phải nhục trước cả chúng nó đấy.

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

CÁI GIÁ CỦA CUỘC SỐNG

- Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
- Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào:
- Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong cuộc sống này.
- Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm.
- Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy hàng triệu cây!

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Vui để mai đi dự sinh hoạt CLB Bohemia

Sự cố bất ngờ trên máy bay

Trên một chuyến bay, sau khi kiểm tra tình hình ổn thỏa, phi công trưởng bắt đầu thông báo qua loa:
- Thưa quý khách, đây là phi công trưởng đang nói cùng các bạn. Chào mừng đến với chuyến bay 293 từ New York đến Los Angeles. Thời tiết rất tốt, vì thế chúng ta sẽ có một chuyến bay êm đềm và thoải mái. Xin mời ngồi xuống và thư giãn... Á, ôi trời ơi, thôi chết rồi, chết rồi...

Sau vài giây im lặng, phi công trưởng lại nói tiếp trên loa:

- Thưa quý khách, tôi thành thật xin lỗi nếu tôi có lỡ làm quý vị sợ. Nhưng trong lúc tôi đang nói thì cô tiếp viên mang cho tôi ly cà phê và vô tình làm đổ lên người tôi. Quý vị mà thấy phía trước quần tôi thì biết...

Một hành khách gào lên:

- Thấy cái gì mà thấy, có giỏi thì xuống đây nhìn sau quần tôi này...
Quyết Đại Ka (Sưu tầm)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Sinh hoạt CLB Bohemia tháng 6.2014

Trân trọng đón tiếp 
các bạn hội viên và khách quý đến với sinh hoạt CLB thường kỳ lúc 
18h30, ngày 27.06.2014 tại CLB tầng 2, 
nhà hàng bia Séc-Bohemia 9 Hoàng Cầu
nhiều giải thưởng hấp dẫn, bất ngờ trong ngày hội World Cup 2014, Brazil
****
Dự đoán kết quả trận 
Brazil : Chile 23h00 ngày 28.6
Giải thưởng 5 lít bia vàng Bohemia (15 cốc/300 ml) 

Giải bốc thăm
   1 giải nhất: 1 bao Sparta + 2 lít bia vàng Bohemia (06 cốc/300 ml)
   2 giải nhì:  1 bao Sparta + 1 lít bia vàng Bohemia (3 cốc/300 ml)
   3 giải ba: 1 cuốn sách giới thiệu về CH Séc + ẩm thực Séc 

VÁN CỜ MẠT CHƯỢC BIỂN ĐÔNG,

MỜI  XEM BỨC TRANH VẼ 6 NĂM VỀ TRƯỚC, 
BẠN NGHĨ THẾ NÀO VỀ NÓ VÀ NGƯỜI HỌA SĨ NÀY?
 
https://scontent-a-dfw.xx.fbcdn.net/hphotos-prn2/t1.0-9/10295816_10201217886004070_1178128627817207894_n.jpg

Đây là bức tranh của họa sĩ Lui Liu (Canadian gốc Hoa) vẽ, trong hình cô gái nằm là Nga,
 
góc trái là Nhật, quay lưng là TQ, ngồi nhìn qua phải là Mỹ, đứng là Đài Loan.
 
 
AI LÀM DẬY SÓNG BIỂN ĐÔNG

Bảy năm về trước, vào lúc 8 giờ, 8 phút, 8 giây ngày 8 tháng 8 năm 2008, Trung Quốc đã khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Hôm đó, Trung Quốc đã “đốt” 2 tỷ USD trong vòng 45 phút để tạo ra những màn trình diễn được đánh giá là “mission impossible” để nói cho thế giới biết rằng những gì người TQ muốn thì người TQ sẽ đạt được và đạt được bằng mọi giá!
Cách đó ít lâu, một họa sĩ Hoa kiều sống ở Canada đã gửi tặng chính phủ TQ một món quà, có tựa đề Beijing 2008 (bức tranh trên). Thử xem 7 năm về trước người họa sĩ ấy đã “dự báo” điều gì.
Bức tranh vẽ cảnh 5 cô gái, trong đó có 4 cô đang ngồi chơi mạt chược – trò chơi mà người TQ rất thích chơi và chơi rất giỏi. Luật chơi là người nào thua phải lần lượt cởi đồ. Canh bạc diễn ra trong một căn phòng có cửa sổ nhìn ra bên ngoài là bầu trời biển Đông mây đen vần vũ, báo hiệu một cơn bão đang kéo đến. Trên tường treo ảnh một người đàn ông vừa lạ lại vừa quen, bạn tự nghĩ xem giống những ai nhé!
Bây giờ hãy xem 4 cô gái chơi chính. Người đối diện với tất cả, cao ráo, trắng trẻo, chính là Mỹ. Mỹ luôn trực diện, luôn rõ ràng và minh bạch đường lối đối ngoại của mình. Mỹ còn áo đầy đủ (phía trên) nhưng phía dưới chẳng còn gì, có thể hiểu bên ngoài Mỹ luôn tỏ ra giàu có, hùng mạnh nhưng thực ra đằng sau đã rỗng tuếch, đặc biệt hiện nay nước Mỹ lại đang gánh chịu sự suy kiệt của Đại khủng hoảng. Mỹ ngồi chơi bài trong tư thế mệt mỏi, tay xoa cổ, người ưỡn ra phía trước, rất oải! Nếu càng chơi ván bài này thì Mỹ càng bất lợi. Vấn đề của Mỹ là có nên chơi tiếp hay không chứ không phải là chơi để thắng. Và một điều lạ là, Mỹ đánh bài nhưng không tập trung nhìn bài mà lại nhìn vào “con bé” Đài Loan, lát nữa quay lại chuyện này sau.
Bây giờ đến tay chơi đang đối đầu trực diện với Mỹ, chính là TQ nhưng TQ quay lựng và không lộ mặt. Trong tất cả 4 người chơi chỉ có một mình TQ là thực sự đang nhìn vào ván bài, chứng tỏ TQ rất quan tâm đến cục diện và kết quả của cuộc cờ này. TQ vóc dáng trẻ trung, tóc cột cao gọn gàng, ngồi đánh bài trong tư thế chồm tới trước chứng tỏ TQ đang muốn thắng và thắng nhanh. TQ trên không còn áo nhưng bên dưới vẫn còn quần, cho thấy TQ luôn tỏ ra mình là một quốc gia đang phát triển nhưng thực sự tiềm lực kinh tế - quân sự là vô cùng to lớn, mặt bàn cao ngang bụng nên chẳng ai biết TQ đang có những gì ở đằng sau. Để ý sẽ thấy TQ xâm rồng xâm phượng trên lưng để cố chứng tỏ mình là một quốc gia Châu Á nhưng sự thực là TQ đang mặc váy ren của phương Tây.
Cô gái tóc vàng, da trắng nằm bên tay phải TQ chính là Nga. Nga vừa nằm vừa chơi trong tư thế rất là thoải mái, ý rằng “chúng mày cứ sát phạt nhau đến sáng cũng được, đây không gấp!”. Một chân Nga gác lên đùi Mỹ nhưng một tay Nga đang lén trao cho TQ những quân cờ. Thật khâm phục tác giả bức tranh khi cách đây 6 năm ông đã lột tả được điều này. Rõ ràng trước đây Nga tỏ ra thân thiết với Mỹ qua những cuộc điện đàm song phương giữa hai Tổng thống, nhưng đằng sau Nga âm thầm đi đêm với TQ. Nga biết người TQ cần gì và đang trao cái đó cho họ. “Cái đó” là cái gì thì chẳng ai biết cả nhưng xin đừng suy diễn trong bối cảnh này dễ lên huyết áp lắm! Người TQ có một câu nói rất hay để chỉ ý đồ của Nga lúc này, đó là “tọa sơn quan hổ đấu”, ngồi trên núi xem hai con cọp cắn nhau, con nào thắng thì Nga cũng có lợi cả. Vì vậy mà đối với Nga, ván bài này đánh kiểu gì Nga cũng thắng.
Tay chơi còn lại đương nhiên là Nhật Bản. Nhật Bản là tay chơi ngốc nhất và đang cháy túi, mình trần như nhộng, nude 100% nên chẳng còn gì để chơi cả. Tuy vậy miệng vẫn cười tươi cho thấy người Nhật quá tự mãn với những hào quang trong quá khứ. Họ được đặt vào canh bạc này đơn giản vì nói tới Châu Á thì phải có Nhật Bản. Sự thật là những gì người Nhật đang rất tự hào có nguy cơ bị Hàn Quốc vượt mặt. Một tay Nhật Bản bắt ấn tam muội, một tay bắt ấn (Tý) thì phải, không rõ là có ý gì bởi vì bức tranh này cho đến giờ vẫn còn nhiều ẩn ý.
Đài Loan được xem là bé nhỏ để có thể tham gia vào canh bạc này. Đài Loan mặc một cái áo yếm thêu truyền thống của Trung Hoa cho thấy mình vẫn còn giữ gìn được bản sắc Á Đông. Một tay cầm giỏ trái cây, một tay cầm con dao nhỏ. Đài Loan muốn nói rằng họ không muốn can dự vào vấn đề biển Đông, họ chỉ quan tâm đến lợi ích đặc quyền và con dao này là tiềm lực quân sự để bảo vệ cho quyền lợi ấy. Nhưng có vẻ như Đài Loan đang nhìn thấu được cục diện ván cờ và Mỹ buộc phải nhìn Đài Loan để quyết định có nên chơi tiếp? Rồi ai sẽ thắng, sẽ thua? Ván bài này là ván cuối hay chỉ mới bắt đầu?

 

CÂU CHUYỆN GÁNH NƯỚC

Có hai vị Hoà thượng ở hai ngôi chùa trên hai ngọn núi gần nhau. Giữa hai ngọn núi có một con sông, mỗi ngày họ đều cùng một lúc xuống núi ra bờ sông gánh nước, lâu ngày họ trở thành bạn bè.
Thấm thoát năm năm trôi qua, bỗng một hôm vị Hoà thượng ở ngọn núi bên trái không xuống gánh nước, vị Hoà thượng ở ngọn núi bên phải nghĩ bụng: "Có lẽ ông ta ngủ quá giờ”, nên trong lòng cũng chẳng để ý lắm.
Nhưng không ngờ qua ngày hôm sau vị Hòa thượng ở núi bên trái vẫn không xuống núi gánh nước.
Một tuần trôi qua, vị Hoà thượng bên ngọn núi phải nghĩ bụng: “Bạn ta có lẽ bị bệnh rồi, ta nên đến thăm, xem có thể giúp được gì không.”
Nhưng khi đến thăm người bạn già, ông ta thật kinh ngạc. Người bạn già của ông đang tập thái cực quyền trước chùa, chẳng giống dáng vẻ của một người cả tuần chưa uống nước chút nào. Ông ta thấy làm lạ hỏi: “Đã một tuần rồi ông không xuống núi gánh nước, lẽ nào ông không cần uống nước?”
Người bạn dẫn ông ta đi ra sân sau của chùa, chỉ một giếng nước nói: “Năm năm lại đây, mỗi ngày sau khi làm xong thời khoá, tôi đều đào cái giếng này, mặc dù nhiều lúc rất bận, nhưng có thể đào được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nay đào đã đến nước, tôi không cần phải xuống núi gánh nước nữa”.
-------
Ngày hôm nay chính là thành quả từ những nỗ lực của hôm qua. Còn sự nỗ lực của hôm nay lại là niềm hy vọng cho ngày mai. Năm tháng trôi qua, tuổi già lại đến. Hãy suy nghĩ về lúc không còn gánh nước nổi, bạn vẫn có nước để uống chứ? Vì vậy dù đã thành công, hãy cố gắng thêm một chút nữa.
 
Trân trọng.


Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Sự khác biệt trong tư duy

Có những suy nghĩ làm thay đổi cuộc đời. Mỗi chúng ta nên suy nghĩ tích cực hơn để hướng con đến suy nghĩ của "người giàu" nhé.

Sự khác biệt trong tư duy người giàu và người nghèo qua 17 bức tranh!


Theo cuốn sách “Bí Quyết Tư Duy Thịnh Vượng” của tác giả T.Harv Eker

Tự tạo ra cuộc đời mình, sẵn sàng đón nhận cơ hội, tham gia cuộc chơi tiền bạc để giành chiến thắng... là những cách nhìn khác biệt so với người nghèo.



Người giàu: Tôi tạo ra cuộc đời tôi.
Người nghèo: Cuộc sống toàn những việc bất ngờ xảy đến với tôi.



Người giàu: Tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng.
Người nghèo: Tham gia cuộc chơi tiền bạc chỉ để không bị thua.



Người giàu: Quyết tâm làm giàu.
Người nghèo: Muốn trở nên giàu có.



Người giàu: Suy nghĩ lớn.
Người nghèo: Suy nghĩ nhỏ.



Người giàu: Tập trung vào các cơ hội.
Người nghèo: Tập trung vào những khó khăn.



Người giàu: Ngưỡng mộ người thành công và giàu có khác.
Người nghèo: Bực tức với những ai thành công và giàu có.



Người giàu: Kết giao với người tích cực và thành công.
Người nghèo: Giao du với người tiêu cực hoặc thất bại.



Người giàu: Sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ.
Người nghèo: Suy nghĩ tiêu cực về bán hàng, quảng bá.



Người giàu: Đứng cao hơn những vấn đề của họ.
Người nghèo: Nhỏ bé hơn những vấn đề của họ.



Người giàu: Rất biết đón nhận.
Người nghèo: Không biết đón nhận.



Người giàu: Chọn được trả công theo kết quả.
Người nghèo: Chọn được trả công theo thời gian.



Người giàu: Suy nghĩ "cả hai".
Người nghèo: Suy nghĩ "hoặc là/ hoặc"



Người giàu: Chú trọng vào tổng tài sản.
Người nghèo: Chú trọng vào thu nhập từ làm việc.



Người giàu: Quản lý tốt tiền của họ.
Người nghèo: Không biết quản lý tốt tiền của họ.



Người giàu: Bắt tiền của họ làm việc chăm chỉ.
Người nghèo: Làm việc chăm chỉ vì tiền của họ.



Người giàu: Hành động bất chấp sợ hãi.
Người nghèo: Để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.



Người giàu: Luôn học hỏi và phát triển.
Người nghèo: Nghĩ họ đã biết hết.

Là một phần trong dự án Học làm giàu phát triển từ năm 2011, bộ tranh "17 tư duy thịnh vượng" được chuyển thể từ nội dung cuốn "Bí quyết Tư duy triệu phú" của tác giả T. Harv Eker. Mỗi tâm thức được chuyển thể thành một bức vẽ riêng, thể hiện rõ thái độ, lập trường của hai nhân vật Giàu và Nghèo.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Hải ngoại tâm thư

Từ lâu tôi rất muồn viết một bài nói về đề tài này nhưng vì khả năng viết rất hạn chế và cuộc sống ở xứ người quá bận rộn nên tôi không thể. Hôm nay tôi cố gắng viết lên một đôi lời, với hy vọng bạn đọc trong và ngoài nước có một cái nhìn xác thực với cuộc sống người Việt định cư ở nước ngoài. Bài viết sẽ có nhiều sai sót, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Dù ở Việt Nam bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay hơn thế nữa, nhưng khi tới Mỹ thì bạn như là người mù chữ. Việc tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp đã học ở Việt Nam sẽ là điều không thể, vì vậy khi đặt chân tới mảnh đất thiên đường này, việc bạn phải trở thành thành phần lao động chân tay sẽ là điều tất yếu.
Đối với thành phần lao động này ở Mỹ thì phải nói là vô cùng vất vả. Tất nhiên, ở Mỹ không ai ép buộc mình phải làm việc nhiều giờ cả, nhưng vì cuộc sống và bạn muốn có tất cả mọi thứ nên phải làm việc cộng lái xe 11-13 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Với mức vật giá đồ ăn người Việt ưa thích tương đối đắt đỏ: 8 USD cho một kg rau muống, 1,29 USD cho 3 nhánh sả hoặc rau thơm các loại, 12 USD một kg nhãn tươi, 3,99 USD một trái đu đủ, hoặc thơm, 20 USD cho một hộp chôm chôm 36 trái… thì với mức lương khiêm tốn 1500-2500 USD/tháng chưa xài đã hết. Vì vậy đa số thành phần lao động chi tiêu hết sức tiết kiệm và dĩ nhiên là rất nhiều người không dám bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm ở Mỹ rất mắc. Ngay bản thân tôi, gia đình gồm 8 người và nhiều bạn bè của tôi hầu như không ai có bảo hiểm. Cũng vì điều này nên tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Chẳng may bạn mắc bệnh, đi khám bác sỹ dù bác sĩ không chữa được bệnh cho bạn nhưng cũng lấy 120-150 USD và bác sĩ đó giới thiệu tới một bác sĩ khác mà bác sĩ đó cũng bó tay luôn thì cũng lấy một khoảng tương tự. Ở Mỹ chữa bệnh vô cùng đắt đỏ, một ca phẫu thuật nhiều khi trả cả đời không hết. Cũng vì lý do này nên nhiều người dù mang bệnh trong người nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên cứ chịu đựng để lâu ngày dẫn đến bệnh nặng và tử vong cũng là chuyện thường xảy ra.

Theo tờ Miami Herald, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã trở thành lực lượng kiểm soát gần như hoàn toàn nghề làm móng (nail) ở nước này.
Hầu hết ở Mỹ ai cũng phải làm việc nhiều giờ, nên không còn thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Đi làm về đến nhà đã đau nhừ toàn thân, ăn cũng không muốn ăn chứ đừng nói là làm cơm tối cho gia đình và tất nhiên là cũng chẳng còn mặn mà tới chuyện chăn gối nữa vì phải giữ sức để mai đi cày.
Đối với chị em, khi đến Mỹ cứ nghĩ mình là số một, nhưng tôi thấy chị em chẳng sung sướng tí nào cả. Nhiều khi họ còn phải làm việc vất vả hơn cánh đàn ông ấy chứ. Chỉ đơn cử việc sinh đẻ thôi cũng đã là một thiệt thòi lớn. Thông thường ở Mỹ sau khi sinh, chỉ ở lai bệnh viện 48h. Chồng thì cũng chỉ nghỉ 2-3 ngày sau đó là chị em phải tự lo cho bản thân và con nhỏ, 1-2 tuần nhiều lắm là 4 tuần lại phải đi làm. Con nhỏ chưa đầy tháng tuổi phải gửi trẻ 11-12h/ngày. Nhiều khi nhìn con còn quá bé mà phải đưa đi gửi cả ngày ứa cả nước mắt, nhưng biết làm sao bây giờ. Nghỉ ở nhà để lo cho con ư? Lấy tiền đâu ra để mà sống? Ai lo cho đống hóa đơn hàng tháng? Đến khi con đi học thì cả tuần không thấy mặt con ấy chứ.
Ở Mỹ, hầu hết thực phẩm đều là đông lạnh có khi hàng tháng. Đồ ăn thì nấu một lần cho 2-3 ngày. Ăn thì chẳng bao giờ đúng bữa, mà cũng chẳng còn kịp nhai nữa, nuốt cho đầy bụng để mà làm việc. Bữa sáng thì ăn ở trên xe, bữa trưa thì ăn ở chỗ làm, rỗi lúc nào thì ăn lúc đó, nhiều hôm bận quá chẳng có thời gian để mà ăn phải uống sữa trừ cơm. Rất nhiều hôm bữa tối, cơm canh đổ đầy một tô, hâm nóng bằng lò vi sóng, chồng lái xe vợ vừa ăn vừa đút cho chồng ăn vội vã tới đón con kẻo trễ bảo mẫu than phiền. Đọc đến đây thôi thì nhiều bạn đã đặt câu hỏi: Tại sao không về Việt Nam mà sống?
Xin thưa với các bạn, có rất nhiều nguyên nhân.
Khi đi thì tìm mọi cách đi cho bằng được giờ về sợ xấu hổ, con cái học hành dở dang, khả năng kinh tế không cho phép, nhà ở Việt Nam giờ quá mắc. Nếu ngày xưa ai có nhà mặt phố bán để ra đi thì đừng bao giờ về tìm hiểu xem căn nhà đó bây giờ bao nhiêu, nếu không bạn sẽ không ngủ được đâu. Về Việt Nam lại phải bắt đầu lại từ đầu…
Riêng bản thân tôi thì, mình đã quá hèn mọn, không làm được gì cho dân tộc thôi thì hy sinh chút sức mọn này cho gia tộc. Chỉ mong những người thân trong gia tộc tôi nói riêng và những người ở Việt Nam có thân nhân ở nước ngoài nói chung thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà người con tha hương gủi về.
Nói chung, người Việt chúng ta rất cần kiệm. Đa số sau khi định cư ở nước ngoài 2-3 năm thì ai cũng bắt đâu dư dả 40.000-50.000 USD hay hơn thế nữa. Nhưng những ngày đen tối lại bắt đầu từ đây. Lúc đã có tiền , bạn bắt đầu nhìn lại cuộc sống. Với suy nghĩ, mình không thể ở mãi trong một căn hộ chật hẹp, phức tạp, đi một chiếc xe cũ kĩ như thế này được… Một ngày, bạn tới gặp chuyên viên ngân hàng, người nhân viên này đã từng ăn học ở trường hàng năm để dụ đỗ mọi người. Nào là: bạn không phải ở nhà mướn, thực sự làm chủ căn nhà của mình, là tài sản lớn, là khoản đầu tư sinh lời cao, sau khi bạn trả xong căn nhà bạn sẽ có một khối tài sản lớn… Sau khi gặp môi giới xem một loạt nhà và tất nhiên là bạn không thích một căn nhà cũ, nhỏ trên dưới 100.000 USD. Kết quả là bạn quyết định mua trả góp 30 năm cho một căn nhà 300.000-400.000 USD ở cho sướng tấm thân. Lúc này bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đất nước Mỹ đã cho mình quá nhiều cơ hội. Rõ ràng là, chỉ cần 5000 USD để mua một chiếc xe 40-50.000 USD; 10-20.000 USD để mua một căn nhà 400.000 USD. Thậm chí bạn chỉ cần có công việc ổn định chẳng cần đồng nào cũng mua được nhà, xe…
Nhưng theo sự hiểu biết của tôi thì bạn đã chui vào một cái bẫy tài chính hết sức tinh vi mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu tạo ra. Tại sao vậy? Vừa ký mua căn nhà thì bạn đã mất đi 6% giá trị của căn nhà cho “tiền môi giới”, mà nhiều người cho rằng người bán trả, nhưng theo tôi thì người mua đưa tiền cho người bán trả. Nếu không tin thì bạn bán ngay căn nhà vừa mua thì sẽ biết là mình mất bao nhiêu %. Chẳng hạn, bạn mua một căn nhà 400.000 USD, cứ cho là trả trước 100.000 USD thì ngân hàng phải trả cho chủ đầu tư 300.000 USD, tức bạn mượn 300.000 USD tiền mặt thế chấp bởi căn nhà với lãi suất 4,99-7,99 %/năm tùy tín dụng từng người. Bên cạnh đó, bạn phải trả thuế tài sản 1,75-4 %/năm tùy từng khu và thành phố mình ở.

Những ngôi nhà được bán với giá 500 hay 1.000 USD đăng tải trên báo chí Việt Nam rất phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không am hiểu luật pháp của Mỹ, nhà đầu tư có thể bị mất cơ hội và mắc cạn.
VD: với một căn nhà 400.000 USD trả trước 100.000 USD thì phải trả hàng tháng: tiền gốc 1000-1200 USD, tiền lời ngân hàng 1500-2000 USD, tiền thuế tài sản 600-800 USD cộng tiền vệ sinh khu vực 300-600 USD/năm, tiền bảo hiểm… Tính ra mỗi ngày ngủ dậy thì có một ai đó đã rút ra từ hầu bao của bạn 100-150 USD/ngày, sau 30 năm bạn phải trả 1,2 – 1,5 triệu đô cho một căn nhà 400.000 USD.
Sau khi dọn tới căn nhà mới, bạn thấy căn nhà trống trơn, lúc này thì túi tiền cũng đã vơi và bạn lại nhớ tới “lệnh bài ” mà Hoàng Đế Obama ban tặng. Mà nó cũng giống lệnh bài thật, cứ tới bất cứ trung tâm mua sắm nào, chỉ cần kéo cái rẹc là có thể khuân về bất cứ thứ gì, từ cái mở nắp chai rượu đỏ tới TV, tủ lạnh… Bạn lại thấy vô cùng sung sướng là mình không còn thiếu bất cứ thứ gì chỉ có thiếu nợ đến mức không thể thiếu nhiều hơn được nữa. Đến thời điểm này thì bạn và vợ con đã nhiễm loại virus mua sắm, loại virus này ở Mỹ chưa có thuốc chữa.
Nhưng xin thưa với các bạn là loại thẻ tín dụng mua trước trả tiền sau này chẳng khác gì một lưỡi dao cắt cổ. Với lãi suất 14,99-24,99 % năm, tính ra cũng xấp xỉ mượn tiền nợ nóng ở tiệm cầm đồ ở Việt Nam. Khoảng 20 ngày sau thì hóa đơn đòi nợ tới gõ cửa nhà bạn mà không bao giờ biết mệt mỏi. Tôi cam đoan là sau khoảng 2-3 năm lo trả tiền nhà, thẻ… tóc của bạn không còn kịp bạc nữa mà nó rụng ráo trọi. Có nhiều anh chàng kỹ sư, chuyên gia theo được 5-7 năm nhưng đùng một cái mất việc. Bạn thử nghĩ những người này trụ được bao lâu? 3-6 tháng là mất nhà => mất vợ, con. Vì vậy cho nên, lâu lâu lại nghe tin, có một anh chàng tầm 35-40 tuổi vác súng tới chỗ làm sát hại đồng nghiệp, vợ con rồi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Mà cứ cho là có nhiều người leo đến 30 năm để trả hết nợ nhà đi chăng nữa thì lúc này bạn cũng sắp trở thành người của thế giới bên kia, còn nhà thì sắp sập.
Nếu bạn muốn sang căn nhà cho con cái thì con của bạn lại phải đóng một khoản thuế rất cao. Nếu chẳng may bạn qua đời thì tất cả chủ nợ, đặc biệt là nợ tiền bệnh viện đến phong tỏa căn nhà và toàn bộ tài sản của bạn kể cả tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Lúc này chủ nợ sẽ bán đấu giá từ căn nhà đến đôi bông tai, cho đến khi đủ số tiền bạn nợ mới thôi. Nếu không đủ, họ có quyền thu hồi những tài sản mà trước đây bạn đã cho tặng con cái trong vòng 7 năm. Đau quá phải không các bạn? Tôi nghĩ, ở Mỹ họ áp dụng chính sách “xẻo dần”, người có nhiều xẻo nhiều, kẻ có ít xẻo ít, xẻo đến chết thì thôi không xẻo nữa, mà bưng sạch luôn.
Cũng vì những lý do kể trên, dù tôi đã ở Mỹ lâu năm nhưng tôi lại thuê phòng hoặc căn hộ để ở. Bao nhiêu tiền làm ra tôi đều đầu tư về Việt Nam, vừa xây dựng quê hương đất nước vừa thắng lợi lớn. Hiện tại có những bất động sản của tôi ở Việt Nam đã lên giá 30 lần vì tôi mua từ năm 1998. Hàng tháng tôi vấn có thu nhập từ tiền thuê nhà, còn hơn cả thu nhập ở Mỹ. Và nhất định một ngày không xa tôi sẽ về Việt Nam để sinh sống.
Theo cách nghĩ của riêng tôi, nếu như một ngày nào đó các bạn ở Việt Nam qua Mỹ để du lịch, thấy cuộc sống ở Mỹ quá hào nhoáng mà bỏ một triệu đô để mua đứt một căn nhà thì bạn đã thuộc thành phần đại gia. Mà đại gia thì sống ở Mỹ làm gì cho buồn mà chủ yếu là lo cho con cháu. Mà lo cho con cháu thì phải tính 20 -30 năm hay hơn thế nữa, thì bạn không chỉ bỏ một triệu, mà phải chuẩn bị thêm ngót nghét một triệu nữa để đóng thuế. Cho nên tôi thiết nghĩ, đại gia thì không dại gì đầu tư một cách thiếu khôn ngoan như vậy. Thà bỏ tiền ra làm từ thiện hay xây cho liệt tổ liệt tông một căn nhà thờ còn để lại tiếng thơm ngàn đời cho con cháu.
Thật ra thì còn nhiều điều phải nói lên nữa nhưng thời gian không cho phép và sự hiểu của tôi về xã hội Mỹ còn rất khiêm tốn. Qua đây cũng cầu xin những ai hiểu biết về xã hội Mỹ, đặc biệt là về khía cạnh luật sở hữu và thừa kế tài sản, hãy viết lên một bài để cộng đồng người Việt chúng ta ở nước ngoài có thêm kinh nghiệm để bảo toàn tài sản của mình.
Và cuối cùng, dù cuộc sống luôn phải làm việc nhưng tôi cũng vẽ vời làm thơ. Xin chia sẻ cùng các bạn:
NỖI BUỒN THA HƯƠNG
Thương thay cô chú Việt kiều
Tha phương cầu thực chịu nhiều gian truân.
Sang đây tuổi ngoại tứ tuần
Cô thì bưng phở chú khuân vác đồ.
Cậu hai cắt cỏ phụ hồ
Chị hai vất vả với đồ nghề nail.
Tha hương thoát được kiếp nghèo?
Ai hay thân phận bọt bèo mà thôi
Nhưng nay cơ sự lỡ rồi
Bây giờ chẳng nhẽ lại ngồi khóc than.
Đường về xa cách ngút ngàn
Ở lại thì chịu muôn vàn đắng cay
Biết rằng đất nước giang tay
Nhưng mà thể diện mặt mày còn đâu?
Tóc xanh nay đã bạc màu
Nếp nhăn như đã khắc sâu nỗi buồn.
Âm thầm thấm lệ trào tuôn
Thôi đành chấp nhận nỗi buồn tha hương.
(Các bạn có thể có quan điểm khác và thực tế khác - Xin bình luận cho bài viết này)

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Chuyện trò với cố vấn của Putin

Trong vụ giàn khoan 981, càng căm hận thằng Tàu, càng ngạc nhiên về thái độ của Putin. Tôi có một người bạn Nga, tên là Ivan, đã lâu không có liên hệ. Bỗng nhiên tôi ước ao gặp lại hắn, dùng vốn tiếng Nga mấy lâu nay vẫn bị bỏ quên để nói những lời trách cứ, hy vọng qua hắn đến được tai của Putin, Metvêđep và nhân dân Nga. Tôi cầu nguyện thượng đế và rồi ngủ thiếp đi. Đang mơ màng tôi nghe tiếng từ không gian vọng xuống “Ngươi là một người làm khoa học, yêu nước và biết tin vào Thượng đế. Lòng thành của ngươi đã được chứng giám, hãy theo ta để đi gặp bạn ngươi”. Tôi vội bay về phía tiếng nói và lễ phép:“Dạ, thưa ngài, cho con được hỏi, con được vinh dự theo ai đây ạ”. Tiếng trả lời thật rõ ràng:“Ta là Thiên sứ, ngươi chỉ cần theo ta là được”.
Tôi tạm bỏ qua sự gặp gỡ đầy cảm động với người bạn cũ mà chỉ xin tập trung vào câu chuyện chính. Ivan nói hắn bây giờ là cố vấn thân tín của Putin, hứa sẽ ghi âm những điều tôi trình bày để tổng thống nghe. Cũng như trên 40 năm trước đây,chúng tôi gọi nhau cậu cậu, tớ tớ, mày mày, tao tao để giữ tình thân mật. Chuyện trò bằng tiếng Nga, tôi dịch ra tiếng Việt theo trí nhớ. Mà tiếng Nga đã lâu không dùng đến, có vài từ bị quên hoặc chưa biết, trí nhớ cũng có phần giảm sút nên tôi không dám chắc chắn sẽ dịch đúng một trăm phần trăm, các bạn thông cảm vậy.
Tôi nói: “Này, Ivan, mày biết chuyện bọn Tàu mang giàn khoan 981 vào đặt tại lãnh hải của Việt Nam rồi đấy. Đó là việc làm láo xược, vi phạm chủ quyền, bị nhiều nước lên án, thế mà một tay phóng viên nào đó của Nga lại cho là Tàu đúng, ngài Putin đã không lên án Tàu mà còn đi gặp Tập Cận Bình để bàn chuyện hợp tác. Tớ lấy làm tiếc. Tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và Việt được xây đắp và củng cố mấy chục năm qua nay bị sứt mẻ. Putin và Metvêđép mấy lần sang Việt Nam được đón tiếp nồng hậu. Sự hợp tác Nga Việt trong nhiều lĩnh vực quan trọng, kể cả chế tạo tàu ngầm, xây nhà máy điện nguyên tử là rất có hiệu quả. Thế mà không hiểu tại sao trong chuyện giàn khoan Nga lại không ủng hộ Việt Nam như nhiều nước khác. Phải chăng vì quyền lợi riêng của mình mà Nga đã tạm quên tình hữu nghị anh em, mà không lên án hành động xấu xa của bọn bành trướng, thế có khác gì tiếp tay cho chúng nó. Tàu có một âm mưu rất thâm độc là “Viễn giao cận công”, nghĩa là liên kết với nước xa để xâm lấn nước gần. Nga cũng gần với Tàu chứ không phải ở xa. Sự liên kết của Tàu với Nga chỉ là tạm thời, còn lâu dài Tàu vẫn là kẻ xâm lấn, thế mà tớ không hiểu, liệu Putin có biết điều đó không”.
Tôi còn nói dài nữa về sự thiêng liêng của lãnh thổ, về sự thâm độc của bọn Tàu trong việc vạch ra “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, về lịch sử của dân Việt Nam chống xâm lược phương Bắc, về tình hữu nghị lâu đời và triển vọng tốt đẹp của việc hợp tác Nga Việt. Ivan ngồi nghe rất chăm chú. Chờ cho đến khi tôi không có gì để nói thêm Ivan mới bắt đầu.
Ivan: “Này, Kôlia (hắn gọi tên tôi theo tiếng Nga), cậu nói đã hết chưa đấy. Tất cả những điều cậu nói đều là sự thật, đều đáng quý trọng vì xuất phát từ nhận thức và tình càm rất chân thành, nhưng tiếc rằng đó cũng chỉ mới là “một nửa của sự thật”. Mà cậu biết rồi đấy, một nửa của cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa của sự thật nhiều khi không phải là sự thật. Sự thật thường bị ẩn giấu. Tớ hỏi cậu, trong quan hệ giữa hai nước hoặc hai cá nhân, hai tổ chức, cậu thu được hai nguồn thông tin, nguồn a là từ những lời nói công khai, nguồn b là từ điều tra, tình báo mà có được, cậu tin vào nguồn nào hơn”.
Tôi trả lời: “Ai cũng sẽ tin hơn vào nguồn điều tra, tình báo”.
Ivan: “Thế đấy Kôlia ạ. Thế ngoài nguồn thông tin công khai cậu đã có được bao nhiêu thông tin từ điều tra và tình báo, chắc là rất ít. Còn tớ, không dám nói là tớ biết đầy đủ, chỉ dám nói là với cương vị cố vấn của Putin tớ biết khá nhiều, trong đó nhiều điều cậu không biết. Cậu đã trách Putin, đó là lẽ thường tình khi lòng yêu nước bị đụng chạm, tớ hoàn toàn thông cảm với cậu, mà đặt tớ vào hoàn cảnh của cậu thì tớ còn trách Putin nhiều hơn. Cậu có nghe bài hát của Việt Nam “Giận thì giận mà thương thì thương”, trong đó có câu “trước tiên anh hãy tự trách mình” hay không. Trong việc quan hệ với Nga, với Tàu, với nhiều nước khác, liệu những người lãnh đạo và nhân dân Việt Nam có nhận thấy những sai lầm của mình hay không, có biết tự trách mình không, hay chỉ nhìn thấy Việt Nam hoàn toàn hay, hoàn toàn đúng còn có gì sai là chỉ là do những người khác.
Trước đây, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của Việt Nam, tớ có nghe một câu rất hay của Hồ Chí Minh đại khái như sau: “Chúng ta phân biệt nhân dân Pháp yêu tự do, bình đẳng, bác ái với chính phủ Pháp thực dân, cướp nước, phân biệt nhân dân Mỹ yêu hòa bình, yêu công lý và dân chủ với đế quốc Mỹ xâm lược”. Giờ đây tớ cũng muốn dùng câu đó đối với Việt Nam, là phân biệt nhân dân Việt Nam yêu hòa bình, dân chủ, tự do với những người lãnh đạo Việt Nam, rất khó hiểu, công khai thì nói vì nước vì dân nhưng thực chất thì chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, công khai thì tự ca ngợi và bắt người khác ca ngợi là sáng suốt nhưng thực chất chỉ là kém hiểu biết và tham lam. Cậu trách Putin, nhưng liệu một người khôn ngoan như Putin có nên tin cậy hoàn toàn vào một chính quyền, vào một tập đoàn lãnh đạo mất lòng dân, mất niềm tin của đông đảo nhân dân hay không. Theo tin tình báo và điều tra xã hội mà bọn tớ nhận được thì chính quyền của các cậu hiện nay, trên chóp bu thì không thật sự đoàn kết và thống nhất, nạn tham nhũng, nạn mua quan bán tước tràn lan, càng hô hào chống phá thì càng phát triển mạnh. Hỏi những người như chúng tớ có thật sự tin vào lãnh đạo của các cậu hay không, thưa rằng không hoàn toàn. Tớ rất cảm phục người Việt các cậu trong chiến tranh chống ngoại xâm, các cậu đã thật sự đoàn kết, nêu cao khí phách yêu nước, anh dũng hy sinh. Nhưng trong xây dựng hòa bình lại khác. Người ta nhận xét rằng một người Đức, một người Do Thái cũng bình thường nhưng khi ba người bọn họ hợp lại thì thành sức mạnh đáng kể, còn 30 người, 300 người hợp lại thì là một lực lượng lớn. Còn các bạn, tớ đã từng chơi thân với cậu và vài người Việt khác, mỗi một người các cậu đều giỏi giang, đáng yêu nhưng ba người họp lại là đã xảy ra tranh giành, 30 người họp lại là đã chia bè phái, mất đoàn kết. Dân tộc các cậu có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng /Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhiều người nhầm lẫn cho rằng đó là lời ca ngợi sự thương yêu, đoàn kết. Thực ra đó là lời kêu gọi thống thiết khi người ta đã và đang không thật sự thương yêu nhau. Cậu có chú ý các chữ “thương lấy” ở câu trên và “phải thương” ở câu dưới không. Riêng quan hệ với Nga, cậu có biết những sự thăng trầm không. Quan hệ này bắt đầu bằng sự truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin và tinh thần quốc tế vô sản. Việt Nam gọi Liên Xô là anh cả, gọi Trung Quốc là chị hiền.Trong thời gian dài em thân thiết với chị nhiều hơn. Năm 1956 Đảng Liên Xô bắt đầu nhận ra một số nhầm lẫn của Mác và đấu tranh chống sùng bái Stalin thì Việt Nam cho rằng Liên Xô đã đi theo bè lũ xét lại, ngấm ngầm chống đối. Từ năm 1957 khi bắt đầu có mâu thuẩn về đường lối giữa Bắc Kinh và Maxkơva thì Hà Nội luôn công khai ủng hộ Bắc Kinh. Dân Việt thừa biết bọn phong kiến Tàu là kẻ thù truyền kiếp nhưng đã quá tin vào chủ nghĩa Mác, quá tin vào tinh thần quốc tế vô sản mà tôn thờ tư tưởng Mao. Có một giai đoạn thời Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, một số trí thức và cán bộ cao cấp của Việt Nam như Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng, v.v. bịbắt giam cầm, cải tạo lâu năm vì bị nghi là theo Liên Xô. Ngay cả Võ Nguyên Giáp cũng bị nghi ngờ là thân Liên Xô mà phải rút lui. Chắc mày còn nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài Đường về, tớ đọc lại cho mà nghe:
Mạc tư khoa của ta ơi 

Trái tim cách mạng Tháng Mười còn đây
Ngôi sao đỏ giữa sương dày 
Vẫn trông mỗi bước, mỗi ngày ta đi 
Lênin đang nghĩ suy gì
Kremlanh in bóng thành trì lặng im
Sáng rồi rộn rã trong tim
Đường về phơi phới cánh chim tung hoành
Cờ bay Vạn lý trường thành
Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng
Bạn mừng ta những chiến công
Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương”.
Đến thời kỳ 1990, nhân dân Liên Xô và các nước Đông Âu thấy rõ sự sai lầm của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấy rõ sai lầm của chủ nghĩa Mác mà từ bỏ thì lãnh đạo của Việt Nam vu cho chúng tớ là phản bội. Họ tự nhận là vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác, tự nhận là những người tiên phong của cách mạng thế giới, họ tự cho là giỏi giang và sáng suốt hơn Liên Xô, họ muốn nêu gương cho nhân loại. Chúng tớ gọi họ là bọn marôxixê”.
Tôi ra hiệu cho Ivan dừng lại và hỏi: “Cậu vừa nói từ gì nghe là lạ. Marôxixê là cái gì, tớ mới nghe lần đầu”.
Ivan giải thích, đó là một từ lóng mới xuất hiện, chỉ bọn người thực chất là ngu tối, kệch cỡm, ếch ngồi đáy giếng, biết được một chút kiến thức đã lạc hậu, đã lỗi thời mà cứ tự cho mình là giỏi giang, minh triết, là phượng hoàng, là tiền tiến, là không ai sánh bằng, lũ người ngập chìm trong đống rác thối tha mà vì mũi đã bị hỏng nên không ngửi thấy mà cứ tự cho là đầy hương vị.
Ivan nói tiếp: “Một số lần lãnh đạo của Nga hội đàm riêng với lãnh đạo Việt, khuyên nên theo đường lối của Nga, từ bỏ Mác, vì nếu cứ theo Mác thì nhiều nước lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Nga chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, chỉ hợp tác tạm thời, có điều kiện mà không thật sự gắn bó. Sở dĩ Nga Việt trước đây gắn bó là vì cùng chí hướng. Nếu không cùng chí hướng thì chỉ liên kết tạm thời và bề ngoài mà thôi. Thế mà hiện nay Nga từ bỏ Mác còn Việt vẫn bám vào Mác và nếu Việt đúng thì Nga sai, Nga đúng thì Việt sai. Anh cho là tôi sai thì làm sao tôi thật sự ủng hộ anh được. Đối với Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật thì sao? Mác chủ trương cách mạng vô sản, là “Quyết phen này sống chết mà thôi, Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, “Giai cấp vô sản là người đào mồ chôn tư bản”. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật liệu có suy nghĩ, nên chơi như thế nào với kẻ rắp tâm đào mồ chôn mình, giúp cho nó lớn mạnh lên để nó chống lại mình à? Mỹ chưa bao giờ từ bỏ chủ trương chống cộng sản. Thế mà anh vẫn kiên trì đường lối cộng sản thì tôi chỉ chơi bề ngoài thôi, làm sao tôi có thể thật lòng được. Còn đối với Tàu. Tin vào cái gì để theo Tàu. Tin vào học thuyết Mác và tinh thần quốc tế vô sản à, tin vào 16 chữ vàng à. Chỉ bị lừa mà thôi.
Những người lãnh đạo Nga đã tốn công vô ích khi thuyết phục Việt Nam từ bỏ Mác, tốn công vô ích thuyết phục Việt Nam thận trọng với cộng sản Tàu.
Nghỉ một chốc Ivan tiếp tục: Các bạn nên tỉnh táo, chớ rơi vào ảo tưởng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau chiến thắng B 52, sau giải phóng Sài Gòn, lãnh đạo Việt Nam đã quá tự tin cho rằng mình có đủ sức mạnh, mình được thế giới cảm phục và ủng hộ nên có thể làm mọi chuyện. Họ lại lầm tưởng rằng có được những thắng lợi to lớn đó là nhờ chủ nghĩa Mác vì vậy phải kiên trì nó mặc dù Liên Xô và nhiều nước đã vứt bỏ, họ nhầm mà cho rằng nhờ chủ nghĩa Mác mà họ thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, vì vậy cứ kiên trì chủ nghĩa Mác thì rồi cái gì cũng sẽ đạt được. Thực ra nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Liên Xô thắng lợi trong chiến tranh chính là nhờ vào lòng yêu nước vô bờ bến, nhờ sự hy sinh và lòng dũng cảm tuyệt vời của toàn dân, nhờ sự đoàn kết nhất trí giữa quân dân và lãnh đạo chứ không nhờ gì vào mấy cái học thuyết của Mác như duy vật biện chứng, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu hóa tư liệu sản xuất, v.v. Việt Nam còn nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô và Trung Quốc. Tại sao có sự giúp đỡ ấy. Tại vì Việt Nam xem Liên Xô và Trung Quốc là anh cả, là chị hiền, là một mực nghe theo lời anh chị, không dám làm sai. Các bạn thử nghĩ xem, khi Bush đưa quân vào Irăc, rất nhiều nước phản đối Mỹ và ủng hộ Irăc nhưng rồi Xađam Hutxen vẫn bị treo cổ. Khi Anh Pháp đưa quân vào Libi nhiều nước cũng hết sức ủng hộ nước châu Phi này nhưng rồi Gađaphi vẫn bỏ mạng. Vì sao vậy, vì chủ yếu người ta chỉ ủng hộ bằng tinh thần, chỉ phản đối bằng mồm chứ đã có ai làm như Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam trước đây. Sau khi thắng lợi lãnh đạo Việt Nam có ảo tưởng là được nhiều nước yêu mến, kính phục, tin cậy, uy tín lên cao trên trường quốc tế. Thực ra Việt Nam đang rơi vào tình trạng nguy hiểm là tuy có rất nhiều bạn bè nhưng chưa bao giờ bị cô độc như bây giờ vì toàn bộ chỉ là bạn quen chứ không có bạn thân, không có bạn tâm giao, không có bạn tâm đầu ý hợp, không có bạn đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Tất cả chỉ là bạn bề ngoài, khi vui cùng vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy đâu. Trong lúc vui vẻ bình thường thì có càng nhiều bạn quen càng tốt nhưng khi gặp hoạn nạn thì hàng trăm bạn quen không thể bằng một bạn thân. Này Kôlia, cậu thử nói mình nghe hiện nay Việt Nam có được bao nhiêu bạn thân thuộc loại cường quốc, có thể nhờ cậy khi hoạn nạn, hình như không có ai cả. Tại sao Việt Nam không có bạn thân, chỉ tại vì Việt Nam kiên trì chủ nghĩa Mác và cộng sản trong lúc gần như toàn thế giới đã, đang chống đối nó, đang từ bỏ nó vì nó mang lại cho nhân loại lợi ích thì ít mà tai họa thì nhiều. Lãnh đạo Việt quyết tâm kiên trì chủ nghĩa Mác phải chăng cũng là do thói huênh hoang, muốn nổi tiếng thế giới là ta đây hơn hẳn Liên Xô và nhiều nước khác trong phong trào cách mạng. Bọn Tàu rất thâm độc, trước hết nó xui giục Việt Nam kiên trì cộng sản theo nó để cho Việt Nam không có được bạn thân, không được các cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật thật tâm gắn bó, đến khi đó nó giở mặt vì biết rằng Việt Nam tuy có rất nhiều bè bạn nhưng chỉ là bạn quen, không có bạn thân, thực chất đang bị cô lập, người ta ủng hộ Việt Nam chỉ bằng tinh thần, bằng mồm. Nếu có chiến sự xẩy ra người ta sẽ to mồm kêu gọi đàm phán hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng rồi người ta sẽ ngồi yên xem hai nước cộng sản choảng nhau để chứng kiến sự sụp đổ cuối cùng của chủ nghĩa Mác. Những người lãnh đạo Việt Nam đã không nghe theo lời khuyên từ bỏ Mác vì họ đã ăn phải bùa mê, thuốc lú, bị mắc lừa bọn Tàu quá sâu mà không tỉnh ngộ ra. Họ không biết rằng cứ mỗi lần Đảng tìm cách áp dụng chủ nghĩa Mác là một lần dân tộc Việt Nam chịu thất bại thảm hại, thí dụ cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế quốc doanh, v.v. Cứ mỗi lần thất bại họ lại tìm cách đổ lỗi cho người thực hiện và tìm đủ mọi cách bao che cho đường lối, bảo vệ chủ nghĩa. Họ chứng minh một cách ngụy biện là chủ nghĩa hay, đường lối đúng, chỉ có người làm sai. Kôlia ạ, tiếc rằng tao không có nhiều thời gian để vạch trần lối ngụy biện của bọn chúng cho mày thấy, mà tao chắc là với những người có lương tri, chỉ cần chú ý một chút là thấy được ngay sự ngụy biện đó. Phần lớn nhân loại trong đó có vô số người tài giỏi, kể cả các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, đã thấy rõ sự sai lầm của Mác, thế mà chỉ còn một dúm người Việt các cậu lại khư khư ôm giữ lấy để rước thêm tai họa cho dân tộc.”
Tôi ra hiệu để Ivan ngừng lại và nói: “Này Ivan, tao đồng ý với mày là các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Canada, Nga, v.v. vốn chống cộng sản, không thích gì cộng sản hoặc đã từ bỏ cộng sản, thế mà Việt Nam cứ khăng khăng trung thành với cộng sản thì khó có được tình hữu nghị chân thành, có quan hệ chẳng qua là quan hệ ngoại giao, quan hệ làm ăn mà thôi. Làm sao mà một thằng chống cộng sản, một thằng bị cộng sản xem là kẻ thù phải đào mồ để chôn, một thằng đã từ bỏ cộng sản lại có thể thương yêu, đùm bọc một thằng cứ nhơn nhơn tự xưng là cộng sản chính gốc. Thế nhưng còn các nước bạn bè trong khối ASEAN thì sao. Philippines, Indonesia, Thái lan, Lào, Campuchia…, họ không phải là những bạn bè đáng tin cậy à. Mày bảo vì Việt Nam trung thành với Mác mà không có bạn thân, thế Tàu thì sao, họ vẫn là cộng sản, họ không cần có bạn thân à”.
Ivan cười thành tiếng, nói: “Kôlia ơi là Kôlia, tao nghe nói mày được phong giáo sư, nhưng sao hiểu biết chậm thế, không khéo chỉ là đồ giáo sư dổm. Quan hệ với các nước ASEAN ra sao tao không dám bàn vì chưa nghiên cứu kỹ, chỉ biết rằng vị thế của các nước ấy trên thế giới không thể nào bằng các cường quốc. Còn bọn Tàu, đúng là chúng nó không cần bạn thân theo nghĩa thông thường mà cần có đối tượng để tranh giành, cần có bọn đàn em, bọn tay sai nhất nhất biết vâng lời, nhất nhất biết phục tùng.
Theo tớ, Việt Nam các cậu bây giờ chỉ có thể lựa chọn giữa hai con đường: hòa nhập với thế giới hoặc hòa nhập với Trung Quốc. Sức lực của Việt Nam chưa đủ để đứng một mình, tạo thành một cực để chống chọi với các cường quốc.
Để hòa nhập với thế giới thì điều cần thiết đầu tiên là từ bỏ Mác, từ bỏ chủ thuyết cộng sản, xây dựng một nền chính trị thật sự dân chủ. Để làm việc này không cần có lực lượng nào bên ngoài tham gia mà tự trong Đảng phải đứng ra, giống như Gocbatrôp và Enxin đã làm ở Nga. Tớ xin mách một cách làm như sau: Trong một kỳ đại hội hoặc một lần họp trung ương, một vài người trong Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Trung ương đứng lên kêu gọi Đảng đổi mới toàn diện, có thể vẫn giữ cơ bản về con người nhưng tổ chức lại, lấy lại tên là Đảng Lao Động, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo như Hồ Chí Minh đã đặt, tuyên bố từ bỏ Mác và cộng sản, từ bỏ độc quyền. Điều này sẽ được thảo luận, được tranh luận nảy lửa, nếu được đa số ủng hộ thì tốt, Đảng sẽ tự chuyển biến, nếu bị thiểu số thì những người ủng hộ sẽ tách ra, thành lập một đảng mới lấy tên là đảng Lao Động, sẽ tiến hành đại hội thành lập và trở thành một đảng đối lập với Đảng Cộng sản hiện tại. Phải chú ý tổ chức lực lượng bảo vệ chứ không thì những người tiên phong sẽ bị bắt, bị thủ tiêu ngay. Đảng Lao Động sẽ kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân, của quân đội, của công an, sẽ ra tranh cử Quốc hội và nếu thắng thì lập chính phủ, nếu chưa thắng thì thành đảng đối lập. Mà tớ tin chắc là đảng Lao Động sẽ thắng khi nhân dân được tự do bầu cử. Có người cho rằng, nếu có đảng đối lập thì đó sẽ là đảng của tay sai nước ngoài và không tránh khỏi nội chiến, tranh giành quyền lực, lập luận đó là một luận điểm ngụy biện, vô căn cứ, nhằm hù dọa những người yếu bóng vía và kém hiểu biết. Tấm gương của các nước Nga, Ba Lan, Tiệp, Đức… sờ sờ ra đấy chứ có lạ lùng gì. Tớ tin rằng đại đa số nhân dân Việt Nam sẽ ủng hộ cách làm này, khắp nơi sẽ tổ chức biểu tình, mít tinh ủng hộ sự ra đời của một đảng Lao Động không theo Mác. Việc làm này không những đưa đất nước hòa nhập cộng đồng thế giới mà còn hòa hợp được dân tộc, những người Việt yêu nước và chống cộng sẽ trở về trong lòng dân tộc. Sự gây hấn của Tàu là một điều rủi nhưng nếu biết biến rủi thành may thì là đại phúc cho đất nước, còn nếu cứ cố tình ôm lấy thây ma mà khóc than thì rồi sẽ tiếp nhận hết tai họa này đến tai họa khác.
Nếu không biết kịp thời từ bỏ Mác và cộng sản mà cứ quyết tâm đeo bám thì chỉ có thể trở thành tay sai, lệ thuộc vào Trung Quốc, biến đất nước thành chư hầu của Trung Quốc, sẽ ngàn đời mang tội với dân tộc”.
Tôi ra hiệu để Ivan dừng lại và bảo: “Này, Ivan, cậu là cố vấn của Putin, cậu đứng trên lập trường, quan điểm và quyền lợi của Nga để khuyên bảo Việt Nam, liệu như thế có chính xác không, có khách quan không’.
Ivan lại cười, lại trêu tôi lần nữa: “Ôi Kôlia, Kôlia, tớ nghe nói cậu dạy môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học cho trình độ thạc sĩ và tiến sĩ kia mà, thế mà cậu vẫn suy nghĩ hời hợt, nông cạn. Tớ biết ở Việt Nam có nhiều tiến sĩ dổm, nhiều giáo sư dổm. Cậu làm tiến sĩ ở Nga cùng với tớ nên tớ biết chắc, còn danh vị giáo sư, không khéo là dổm cũng nên. Tớ nói là theo quan điểm của tớ, theo nhận thức của tớ chứ không lẽ lại nói theo người khác à. Còn nghe được như thế nào, theo được như thế nào hay chống lại là tùy các cậu, tùy nhận thức của các cậu, tớ có áp đặt ý kiến nào đâu. Tớ chỉ nêu ý kiến của mình để các cậu tham khảo mà thôi. Vì tình bạn cũ tớ bỏ chút thì giờ trao đổi với cậu một cách chân tình, nếu cậu cho tớ nói sai, không lọt được vào tai thì cậu cứ quay về để cùng với bọn marôxixê ra sức bảo vệ chủ nghĩa Mác, bảo vệ chủ nghĩa cộng sản không tưởng”.
Trời bỗng nổi dông bão, một tiếng sét làm tôi giật mình tỉnh dậy.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Những triết lý "để đời" từ một vụ cướp ngân hàng:

- Trong vụ cướp nhà băng được cho là ở Quảng Châu - Trung Quốc, một tên cướp hét lên: "Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về các người". Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.
Điều này được gọi là: "Cách thức khai tâm - Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn".
- Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: "Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!"
Điều này được gọi là "Hành xử chuyên nghiệp - Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!"
- Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn (có bằng MBA) nói với tên cướp già hơn (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông): "Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu?". Tên cướp già gằn giọng: "Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!"
Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn bằng cấp, sách vở"
- Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: "Đợi đã, hay để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!"
Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi"
- Người giám đốc tự nhủ: "Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!"
Điều này được gọi là: "Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất"
- Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ: "Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó đó chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!"
Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức thì giá trị như... vàng"
Kết luận: Trong cuộc sống luôn có những điều chúng ta có thể nhanh chóng nhìn ra, có những điều không như chúng ta thấy từ bên ngoài, và chân lý chỉ mang tính tương đối.
Quan trọng nhất là thái độ đối với cuộc sống này, hay cách nhìn chúng ta lựa chọn để mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho bản thân, cho những người thân xung quanh mình.